Đã có ý kiến cho rằng "Đà Lạt là Đà Lạt của Sài Gòn". Cách nói đó hàm nghĩa Đà Lạt luôn là đô thị biết cách đáp ứng những nhu cầu của người Sài Gòn. Trong kiến trúc của giai đoạn nối tiếp thời Pháp thuộc, chính lớp kiến trúc sư (KTS) tài năng và trách nhiệm của miền Nam đã kết nối Đà Lạt gần với Sài Gòn trong một ngôn ngữ kiến trúc hiện đại và tự cường, tạo ra không gian người Việt với ngôn ngữ tân kỳ trên một thành phố kiểu châu Âu.
Trường dòng Franciscaines do kiến trúc sư Phạm Khánh Chù thiết kế. Ảnh: TƯ LIỆU
Bước ngoặt mới
Sau 4 đồ án quy hoạch đầy lý tính của Ernest Hébrard, Louis Georges Pineau, H. Mondet và Jacques Lagisquet định hình sắc vóc cho một đô thị kiểu Tây phương, người Pháp rời khỏi Đà Lạt, kết thúc thời kỳ lịch sử thực dân ở Đông Dương.
Hơn 1.000 biệt thự, dinh thự Pháp, những trường học, tu viện, công trình tôn giáo... mang "hệ hình kiến trúc châu Âu" từ thập niên 1950 về trước đã thuộc về một giai đoạn di sản thời Pháp thuộc. Thời kỳ tiếp nối, Đà Lạt là vùng đất lành cho những KTS tài năng từ Sài Gòn ra sức sáng tạo với ý thức trách nhiệm "thêu hoa dệt gấm" cho thành phố cao nguyên này trong thời kỳ người Việt làm chủ.
Nếu trong thời Pháp thuộc, kiến trúc Đà Lạt đã mang đậm dấu ấn của những KTS Pháp có tài năng và quyền năng hàng đầu ở Đông Dương như: Alexandre Léonard, Arthur Kruzer hay Paul Veysseyre thì thời kỳ tiếp nối, các hậu duệ người Việt, trong đó có những học trò của họ từ Ban Kiến trúc của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đã kế tục và tạo ra một bước ngoặt mới.
Có thể lấy ví dụ trường hợp KTS Võ Đức Diên và Phạm Khánh Chù. Sau khi vào Nam, hai tên tuổi này được giới KTS Sài Gòn nể trọng.
Mang cốt cách lịch thiệp của người Hà Nội, Võ Đức Diên tài hoa không chỉ trên lĩnh vực kiến trúc mà còn tham gia cả nghệ thuật sân khấu và hoạt động báo chí. KTS Võ Đức Diên từng là một trong những trụ cột sáng lập và chủ trương thực hiện tạp chí Xây dựng mới, diễn đàn quy tụ khoảng 30 KTS giỏi của Sài Gòn.
Vào cuối thập niên 1930, ông Diên được biết đến với bản thiết kế đầu tay là nhà hàng Thủy Tạ ven hồ Hoàn Kiếm (thiết kế chung với KTS Nguyễn Xuân Tùng). Ông gây ấn tượng tại Đà Lạt, đầu tiên là với thiết kế khu nhà triển lãm Hội chợ Lâm Viên (1959) - một thiết kế đẹp và hài hòa với khung cảnh đến nỗi, theo những KTS cùng thời, khi hội chợ kết thúc người ta không nỡ hạ giải. Nhưng công trình quan trọng của KTS Võ Đức Diên tại Đà Lạt đó là Lữ quán Thanh niên và Lao động được thiết kế theo lối kiến trúc tân kỳ (modernisme). Đây cũng là công trình lớn cuối cùng của vị KTS này. Đáng tiếc, nay chúng ta chỉ có thể chiêm ngưỡng công trình này qua hình ảnh tư liệu.
Một trường hợp khác cũng xuất thân từ Ban Kiến trúc của Trường Mỹ thuật Đông Dương có tham gia vào thực hiện công trình kiến trúc mới tại Đà Lạt trong giai đoạn này là KTS Phạm Khánh Chù. Năm 1961, ông đã thiết kế khu Trường dòng Franciscaines Missionnaires de Marie, một công trình mở rộng chức năng giáo dục gắn với khu nhà nguyện và đan viện Biển Đức (Benedict) cổ kính được xây dựng từ đầu thập niên 1940 do 2 KTS Paul Veysseyre và Alexandre Léonard thiết kế. Thiết kế khu trường dòng 3 tầng lầu trên lưng đồi nhưng vẫn hài hòa với khung cảnh rừng thông nhìn về thành phố, mặt khác, lại không tách rời khỏi quần thể kiến trúc đan viện cố hữu.
Chợ Mới Đà Lạt năm 1961 (Ảnh đăng trên tạp chí LIFE)
Trả ơn cho xứ mộng mơ
Thừa hưởng những giá trị kiến trúc cũ của người Pháp để lại trên một đô thị xinh đẹp, thế hệ KTS tài năng người Việt từ Sài Gòn hướng về Đà Lạt không chỉ với tình yêu của những người đến rồi đi thoáng qua mà đã có những cách tiếp cận mới, tạo ra giá trị của thời đại mình, đặc biệt là ở nhóm công trình kiến trúc cộng đồng, kiến trúc công trình giáo dục, tôn giáo.
Phong cách kiến trúc thời kỳ này mang hơi thở mới, mạnh mẽ, khúc chiết, tân kỳ, bảo đảm công năng mang tính hiện đại nhưng tương tác hài hòa với phong cảnh tự nhiên và cảnh quan kiến trúc thời kỳ trước đó. Ngoài ra, tính tươi mới hiện đại trong ngôn ngữ kiến trúc mà thế hệ KTS này mang đến đã mở được cuộc "đối thoại" giữa Đà Lạt với các đô thị khác ở miền Nam nói chung.
Điển hình nhất là công trình chợ Mới Đà Lạt do KTS Nguyễn Duy Đức thiết kế, nhà thầu Nguyễn Linh Chiểu thi công, KTS Ngô Viết Thụ chỉnh sửa cầu thang, bổ sung quy hoạch khu phố thương mại. Công trình thể hiện tính hiện đại hướng ngoại rõ ràng nhất của một Đà Lạt từ lâu được xem là thành phố nghỉ dưỡng, biệt lập, chỉ dành cho giới thượng lưu. Ngôn ngữ kiến trúc thể hiện ngôn ngữ của một thời kỳ xã hội và văn hóa mới bặt thiệp, cởi mở.
Chàng sinh viên Trường Cao đẳng Kiến trúc Đà Lạt sau thời gian đi du học tại Pháp và sở hữu Giải Khôi Nguyên La Mã (Prix de Rome) danh giá, đã đem lại nhiều giá trị cho thành phố quê hương của hiền thê ông. Ông đã trả ơn cho xứ sở từng tạo nên những bệ phóng đầu tiên trong sự nghiệp của mình bằng việc tạo ra hình thái mới cho ngôi chợ trung tâm và nhất là tham gia thiết kế Trung tâm Nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt vào năm 1959 để rồi thi công trong 2 năm 1961-1962, trở thành một công trình nghiên cứu khoa học phụng sự hòa bình, nâng tầm vóc Đà Lạt trở thành thành phố quốc tế về mặt học thuật nghiên cứu.
KTS-TS Ngô Viết Nam Sơn từng kể về sự gắn bó giữa cha mình với Đà Lạt: "Một trong những điều tự hào nhất mà cha tôi đã làm cho mẹ, là đánh điện tín báo tin mừng cho mẹ biết đầu tiên ngay sau khi thắng Giải Khôi Nguyên La Mã năm 1955 và sau khi tin đó lan truyền ra toàn Đà Lạt và cả nước, nhiều lãnh đạo và những người thân quen tấp nập đến chúc mừng ông bà ngoại và mẹ tôi. Sau khi du học Pháp về, một trong những nơi đầu tiên ông quay lại để giúp xây dựng chính là Đà Lạt. Ông thường nói với tôi, Đà Lạt là một trong những nơi rất khó làm quy hoạch, vì giá trị cốt lõi của thành phố không phải công trình, mà là thiên nhiên".
Không phải ai cũng may mắn gặp duyên lành như Ngô Viết Thụ. Nhưng mỗi KTS Sài Gòn trong giai đoạn 1954-1975 đã đến Đà Lạt với sứ mạng và trách nhiệm trong nghề nghiệp và họ đều để lại những giá trị sáng tạo của mình, tạo ra phong cách kiến trúc của thế hệ, thời đại mình.
Dấu ấn của sự nhất quán trong quang cảnh và hình thái kiến trúc đã đủ để tạo ra một giai đoạn di sản tiếp nối với giai đoạn di sản kiến trúc Pháp. Trong một bài viết trên tờ Xây dựng mới vào năm 1958, KTS Hoàng Hùng đã gọi đây là thời kỳ "thêu hoa dệt gấm" cho Đà Lạt.
Bình luận (0)