Vở kịch "Công lý như mặt trời" của tác giả Vương Huyền Cơ do đạo diễn Chánh Trực dàn dựng tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM đang thu hút sự quan tâm của khán giả khi đề cập vấn đề chống tham nhũng. Từ hiệu ứng của vở kịch này, nhiều điều trăn trở được đặt ra cho sân khấu TP HCM khi đề tài chống tham nhũng luôn hiếm hoi trên sàn diễn.
Tác giả không còn khát vọng?
Hiện 2 vở diễn gây chú ý là "Bạch đàn liễu" (tác giả Xuân Trình, đạo diễn Trần Lực) và "Công lý như mặt trời" (tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn Chánh Trực) đã tạo hiệu ứng mạnh, lan tỏa ý chí chống tham nhũng trong từng câu chuyện. Tuy "Bạch đàn liễu" là kịch bản được cố tác giả Xuân Trình sáng tác năm 1972 nhưng vẫn mang hơi thở thời sự. Còn "Công lý như mặt trời" viết năm 2018 đã dùng thủ thuật "mượn chuyện xưa, nói chuyện nay" qua bàn tay dàn dựng của đạo diễn Chánh Trực đã tạo hiệu ứng tích cực.
Sự hiếm hoi của đề tài về chống tham nhũng phải chăng tác giả ngày nay đã đánh mất khát vọng? Theo tác giả Vương Huyền Cơ, chính sự tự kiểm duyệt của tác giả, của đơn vị nghệ thuật đã hạn chế động lực sáng tác kịch bản chống tham nhũng. "Tác giả bị buộc phải sửa đổi, gọt bớt những vấn đề nhạy cảm. Ví dụ nhân vật tham nhũng là bí thư một tỉnh thì bị yêu cầu sửa thành bí thư xã, tổ trưởng dân phố… Chưa kể đến giám đốc nhà hát ngại đụng chạm, chọn đề tài giải trí, cười cợt dễ dãi để dễ bán vé" - tác giả Vương Huyền Cơ dẫn chứng.
Theo tác giả Đăng Minh, báo chí, truyền hình đăng tải các vụ án tham nhũng, công chúng dễ truy cập nên tác giả luôn ở tư thế đi sau báo chí. Nhìn lại các vở: "Tôi và chúng ta" của Lưu Quang Vũ; "Nhân danh công lý" của Võ Khắc Nghiêm, Doãn Hoàng Giang; "Bạch đàn liễu" của Xuân Trình; "Bão lúc hoàng hôn" của Vũ Thu Phong… hầu hết đều có bút pháp chặt chẽ, mang tính khái quát cao. Hình tượng hóa những nhân vật tham nhũng không dễ, nếu cứ bê nguyên xi lên sàn diễn sẽ thô thiển, kém duyên" - tác giả vở "Vụ án Mã Ngưu" nói.
Ở góc độ đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu khẳng định kịch nói là thể loại xung kích nhất trong các lĩnh vực nghệ thuật. NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng những năm gần đây, các trại sáng tác kịch bản sân khấu do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Hội Sân khấu TP HCM tổ chức có rất ít tác phẩm chống tham nhũng vì chủ đề của trại đặt ra không dám đi vào vấn đề này do sự thờ ơ hay thiếu trách nhiệm của người làm sân khấu, các trưởng đoàn, giám đốc những đơn vị nghệ thuật không hào hứng để đặt hàng, chỉ đạo kịp thời.
Cảnh trong vở “Công lý như mặt trời” của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM
Để vở không nguội, nhạt so với báo chí
Đông khán giả đến Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM xem vở "Công lý như mặt trời" (ngày 18-10) đã phấn khởi vì được "gãi đúng chỗ ngứa". Họ cười và dành nhiều cảm tình cho nhân vật Lưu - quan huyện của nghệ sĩ Chánh Trực, một ông quan tham bất tài, hám danh. Các nhà chuyên môn đánh giá cao vở diễn này và cho rằng một đô thị có xu hướng xã hội hóa sân khấu sôi động như TP HCM không thể làm ngơ trước vấn nạn tham nhũng. Thế nhưng, để vở diễn không nguội, nhạt so với báo chí, đội ngũ tác giả cần phải có chiến lược.
Như đề xuất của NSND Trần Ngọc Giàu, các trại sáng tác cần có chủ đề cụ thể. Bỏ ngay ý tưởng tổ chức hội thảo, tập huấn sáng tác đề tài chống tham nhũng mà cần hoạch định những buổi tọa đàm của người làm nghề, đặt thẳng vấn đề qua từng vở diễn, kịch bản. Đội ngũ lý luận phê bình sân khấu phải vào cuộc, đồng hành với người xem, khen chê, phân tích thấu đáo những vở diễn chống tham nhũng.
Nhìn ra sân khấu phía Bắc, sau thành công của các vở: "Gặp lại người đã chết", "Vẫn sống", "Duyên định"… "Chuyên án Z5" là vở kịch ca ngợi người chiến sĩ công an trên mặt trận phòng chống tham nhũng đã được Nhà hát Công an Nhân dân dàn dựng. Có ý kiến cho rằng đơn vị công lập có ngân sách nên dễ thực hiện các vở diễn chống tham nhũng, còn sàn diễn phía Nam đều trông chờ vào nguồn thu từ phòng vé. Thế nhưng, 2 bà bầu nổi tiếng năng động là NSND Hồng Vân và NSƯT Trịnh Kim Chi đều khẳng định sẵn sàng đầu tư kịch chống tham nhũng nhưng không tìm đâu ra kịch bản. "Có tác giả viết về vụ án tham nhũng cách đây 10 năm, đọc đã thấy nguội, nói chi đến đưa lên sàn diễn. Khán giả ngày nay tinh tế lắm" - NSND Hồng Vân băn khoăn.
Đạo diễn - NSND Trần Minh Ngọc đề xuất: "Tác giả kịch ngại đụng đến đề tài này vì khâu kiểm duyệt thì các tổ chức hội phải làm "bà đỡ". Khi đề cương kịch bản được chọn, cần hình thành tổ chế tác gồm: các tác giả, đạo diễn uy tín, kể cả sự tham gia của các nhà chuyên môn trong những tổ trọng án để nghệ thuật hóa câu chuyện chống tham nhũng một cách nhuần nhuyễn. Nếu không đặt mình vào hàng ghế khán giả thì vở chống tham nhũng sẽ bị nhạt nhẽo, không bán được vé".
Trước sức hút của dư luận dành cho vở "Bạch đàn liễu", ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đã ngỏ lời mời đạo diễn Trần Lực vào TP HCM dựng tác phẩm này cho Sân khấu IDECAF.
Tọa đàm về vở "Công lý như mặt trời"
Sáng mai (27-10), Ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TP HCM sẽ tổ chức tọa đàm về vở kịch "Công lý như mặt trời" tại sân khấu nhỏ Sen Việt. Đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu, tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn Chánh Trực sẽ nói về tác phẩm này và thảo luận cùng giới chuyên môn, báo chí về đề tài chống tham nhũng qua lăng kính "mượn chuyện xưa, nói chuyện nay". "Câu chuyện "bếp núc" của vở diễn nhạy cảm với vấn đề chống tham nhũng sẽ khơi mào cho những tọa đàm mà Hội Sân khấu TP HCM tổ chức thường xuyên nhằm thúc đẩy sáng tác hiện nay hướng đến vấn đề thời sự" - NSND Trần Ngọc Giàu thông tin.
Bình luận (0)