Khi đang thực hiện VCNN 9 thì được tin nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời, nhóm biên soạn in lại truyện ngắn Muối của rừng của Nguyễn Huy Thiệp, như nén tâm nhang tưởng nhớ. Muối của rừng viết gọn gàng, sâu sắc, vấn đề mãi mãi thời sự: Con người nếu cứ tấn công vào thiên nhiên, tương lai sẽ trở về thời nguyên thủy.
Truyện ngắn Màn lĩnh xướng vĩ đại của Tạ Duy Anh như là một truyện phúng dụ về loài vật để biểu đạt một ý tưởng trừu tượng làm ta mãi suy nghĩ về một kiếp người với ham muốn quyền lực đen tối và cái giá phải trả trong tương lai. Truyện ngắn Khai khẩu của Nguyễn Trường viết về quá khứ. Lịch sử dân tộc gắn bó máu thịt với mỗi người, từ trong quá khứ đến hiện tại và tương lai. Quay về quá khứ là để chuẩn bị cho tương lai.
Còn với truyện ngắn Đò chờ của Nguyễn Hải Yến, con đò, dòng sông mờ mờ sương khói liêu trai, mối tình chung thủy của đôi trai gái đi qua bão tố chiến tranh như chuyến đò chờ, chờ trong mênh mông sóng nước, đẹp và tiếc nuối. Truyện ngắn Rượu bốn mươi năm của Bích Ngân, đó là độ vênh nhau giữa lớp già vốn trung thành và có nhiều hoài niệm với cách mạng và lớp trẻ sau này, sống thực dụng và xa hoa, lãng phí, chắc là do tham nhũng mà có, khi họ tặng cấp trên những chai rượu lên đến hai trăm triệu đồng; trong khi mấy mùa bắp, mấy mùa dưa của người nông dân cũng không kiếm được vài chục triệu. Trong số này, Bích Ngân còn có truyện Khoảnh khắc Trăm năm cô đơn cuốn hút người đọc.
Bìa Văn Chương Ngày Nay số 9 vừa phát hành
Nhà văn Thu Trân có Cỏ thơm găm gối tìm về, truyện khai thác yếu tố tâm linh, có cái kết bất ngờ làm bàng hoàng người đọc. Người được chọn, truyện ngắn của Nguyễn Bính Hồng Cầu, với thi pháp truyện ngắn huyền ảo dẫn dắt người đọc về quá khứ hào hùng của quê hương, đó là sức mạnh chống ngoại xâm của dân tộc. Truyện ngắn Niềm vui cuối đời của Nguyễn Tam Mỹ thật lý thú, niềm vui cuối đời của con người là đem lại hạnh phúc cho nhiều người khác, dù có khi cách làm đó tưởng là sai trái, nhưng chỉ cần có trái tim trong sáng là được. Bồ đoàn đỏ, truyện ngắn của An Thư, có yếu tố huyền ảo, truyền tải được vấn đề sâu sắc của thời đại. Hạnh phúc của mỗi người được hay mất hôm nay phải chăng là hậu quả của cái thiện hay cái ác từ trong quá khứ? Truyện ngắn Mẹ của Lê Thanh Huệ, truyện ngắn Hoa bỏng trắng của Bích Hạnh… đều là những truyện ngắn gợi nhiều trăn trở, nhiều xúc cảm…
VCNN 9 trích in Gánh gánh gồng gồng, hồi ký của Xuân Phượng, một tác phẩm phi hư cấu, lôi cuốn người đọc bằng sự thật trần trụi, tươi rói của cuộc đời, xứng đáng với Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 2020.
VCNN 9 có sự góp mặt của nhiều nhà thơ: Nguyễn Quang Thiều, Lệ Thu, Lê Khánh Mai, Trúc Linh Lan, Nguyễn Quang Hưng, Phạm Trung Tín, Lệ Bình, Lê Tuân, Nguyễn Hưng Hả, Lê Thanh Hùng, Trần Mai Hường, BT. Thanh Nga, Dương Ngọc Khánh, Hoàng Kim Vũ, Hồ Quốc Thái, Phạm Thúy Vĩnh cùng 4 nhạc phẩm của Nguyễn Hoàng Dũng, BT. Thanh Nga... Các tác giả đã không ngừng tìm tòi đổi mới thi pháp như thơ Nguyễn Quang Thiều, với bài Dưới trăng và một bậc cửa. Đặc biệt tập thơ Nhịp điệu châu thổ mới, của Nguyễn Quang Thiều vừa được xuất bản ở Tây Ban Nha, có bài thơ dài 7 chương nói về đám tang của bà nội tác giả. VCNN 9 trích in chương 3 trong bài thơ dài nói trên, kèm theo tranh: Biến tấu từ nhịp điệu châu thổ mới, màu nước trên giấy của Nguyễn Quang Thiều.
VCNN 9 có nhiều bài thơ hay, biểu hiện nhiều cung bậc cảm xúc, muôn màu muôn vẻ của cuộc sống hiện tại, số phận con người trong chiến tranh... như trang thơ Lệ Thu với những bài: Lời của mắt, Hà Nội trong ta, Chiếc khăn tay màu trắng. Trang thơ Lê Khánh Mai với: Ký ức ga Hàng Cỏ, Tiếng vọng, Người đàn bà đi tìm tiếng chuông, Ba mươi tháng Tư, Tản mạn với trời xanh mây trắng, Khi người ta già. Trang thơ Lê Tuân hàm chứa nhiều suy tư, triết lý về thân phận con người với những bài: Đi đâu và để làm gì, Nào có mang về được đâu, Nhỏ hơn bình thật chút thôi, Những có cũng từng chưa có, và bài Thi hài nào không lạnh…
Nhà văn Triệu Xuân đã và đang trải qua hai năm rưỡi kiên cường chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo… Là người chủ biên bộ sách Văn Thơ chọn lọc (đã xuất bản hai tập) và Văn Chương Ngày Nay, Triệu Xuân đã vượt lên nỗi đau bệnh hiểm, say sưa, tỉ mỉ từng câu chữ để hoàn thành ấn phẩm VCNN 9. Ban biên tập có nhã ý đăng một số bài về văn chương, sự nghiệp của nhà văn Triệu Xuân như là thể hiện nghĩa tình của nhà văn với đồng nghiệp và bạn đọc. Người đọc sẽ cảm động với những bài: Sống và viết của Triệu Xuân - "Một ánh đèn trong vạn tấm lòng" của Nguyễn Thị Tịnh Thy. Đỗ Quyên (Canada) viết về website chuyên nghiệp về văn học nghệ thuật www.trieuxuan.info; bài của Nguyễn Trường về đời văn Triệu Xuân: Người thích làm mới văn chương từ truyền thống; TS Phạm Ngọc Hiền viết về tác phẩm Triệu Xuân Sống & Viết…
Bình luận (0)