Sáng 28-10, tiếp tục Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Một nội dung được nhiều đại biểu thảo luận là Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV đã không còn việc xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” đối với nhạc sĩ như quy định hiện hành.
Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (Hà Nội) - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội - cho biết nhạc sĩ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm sáng tạo. Nhạc sĩ không phải nghệ sĩ biểu diễn nhưng phải khẳng định họ vẫn là nghệ sĩ, là người gián tiếp quan trọng tạo ra các sản phẩm sáng tạo đến với công chúng, giống như các đạo diễn, quay phim, họa sĩ, âm thanh, biên đạo…
"Nếu các nhạc sĩ bảo đảm được các tiêu chí, tiêu chuẩn số lượng giải thưởng uy tín, số năm công tác, đóng góp cho ngành văn hóa nghệ thuật thì họ phải được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú"- ĐB Dương Minh Ánh nói.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng với nhạc sĩ, Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước là giải thưởng cho tác phẩm. Còn danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú là danh hiệu cho sự nghiệp.
"Nếu thấy được điều đó thì sẽ thấy rằng, một nhạc sĩ có một tác phẩm đột biến sẽ được Giải thưởng HCM. Nhưng nếu họ tham gia hoạt động văn hóa nghệ thuật xuất sắc, xứng đáng nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú thì họ cũng được phong tặng như vậy"- ĐB Trí đề xuất.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí cũng lấy ví dụ trong ngành y. Nếu một thầy thuốc có công trình nổi tiếng có thể đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc giải thưởng Khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, họ vẫn có thể được phong tăng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú khi được ghi nhận những cống hiến trong sự nghiệp của mình.
Bình luận (0)