Năm năm sau ngày GS-TS Trần Văn Khê từ giã trần thế, ngôi nhà số 32 Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh, TP HCM) vẫn chưa thể thành không gian văn hóa mang tên ông và Quỹ Học bổng Trần Văn Khê vẫn còn là dự án dang dở. Vì sao vậy?
Người đi, nhà cũng đi theo
Trong sự kiện kỷ niệm 99 năm ngày sinh cố GS-TS Trần Văn Khê được Trường ĐH Văn Lang và nhóm thân hữu Trần Văn Khê tổ chức ngày 24-7, nhà báo Nguyễn Thế Thanh - nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, người trực tiếp thực hiện thủ tục pháp lý tiếp nhận tài liệu, hiện vật của GS-TS Trần Văn Khê - nhắc lại: "Bác Khê không có tham vọng chiếm giữ căn nhà cho riêng mình, mà chỉ mong muốn mang những tư liệu nghiên cứu về văn hóa dân tộc về nước, lưu trữ, để sau này những ai muốn nghiên cứu, tìm hiểu thì sử dụng. Nơi ở đó dù nhỏ hay lớn vẫn thuộc về nhà nước chứ không phải thuộc về bác Khê. Nơi bác Khê ở và từng tổ chức sinh hoạt văn hóa, không phải thuộc về nơi lưu niệm cá nhân mà là để tất cả những người yêu mến văn hóa dân tộc, âm nhạc truyền thống lui tới trình diễn. Thế nhưng, nguyện vọng đó vẫn không đạt sau 5 năm từ ngày bác Khê ra đi vĩnh viễn".
Theo báo cáo, 435 kiện sách, trong đó hơn 10.000 đầu sách, tạp chí liên quan đến nghiên cứu, giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam và âm nhạc thế giới cùng nhiều hiện vật liên quan như: sách nghiên cứu về âm nhạc thế giới; sổ tay ghi chép, phân tích những đối sánh âm nhạc giữa các nền văn hóa; nhạc cụ dân tộc trên thế giới... đã được GS-TS Trần Văn Khê tích lũy từ bên Pháp đưa về Việt Nam với mong muốn để các thế hệ trẻ quan tâm đến văn hóa, âm nhạc dân tộc có thể tham khảo.
"Mong đợi căn nhà 32 Huỳnh Đình Hai là không gian Trần Văn Khê nhưng hiện tại đã có những thay đổi, TP đã bố trí căn nhà làm công việc khác, sách vở của bác Khê được đưa về các thư viện TP lưu giữ, hiện vật của bác một phần gia đình giữ, một phần nằm trong kho lưu trữ của Bảo tàng TP HCM" - nhà báo Nguyễn Thế Thanh thông tin.
Những tâm hồn mộ điệu văn hóa dân tộc và kính trọng nhân cách, tài năng của GS-TS Trần Văn Khê đều ngỡ ngàng khi biết ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai, nơi GS-TS Trần Văn Khê sinh sống những năm cuối đời, điểm hẹn của những sinh hoạt văn hóa dân tộc trong suốt gần 10 năm, nay đã được trưng dụng vào việc khác.
"Chúng tôi không thể trả lời chính xác bao giờ có được không gian Trần Văn Khê mà chúng ta mong muốn gọi tên giản dị là nhà Trần Văn Khê. Chúng tôi vẫn chờ căn nhà 32 Huỳnh Đình Hai nhưng cuối cùng không thể chờ đợi được nữa" - nhà báo Nguyễn Thế Thanh bày tỏ.
TP đã tiếp quản căn nhà và tương lai sẽ được dùng vào việc gì vẫn chưa có văn bản chính thức. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, cho đến nay, di sản văn hóa, âm nhạc và những nghiên cứu của GS-TS Trần Văn Khê đang cần được thế hệ tiếp nối phát huy.
"Thế nhưng, di sản hữu hình là căn nhà, không gian lưu lại nhiều ký ức và tổ chức nhiều chuyên đề văn hóa dân tộc đã rơi vào lãng quên. Đó là một tổn thất lớn" - nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nói.
Từ phải sang: NSND Kim Cương, TS Nguyễn Nhã, nhà báo Nguyễn Thế Thanh tại tọa đàm “Những bài học văn hóa từ GS-TS Trần Văn Khê” nhân kỷ niệm 99 năm ngày sinh của ông. Ảnh: THÀNH DANH
Nghèo không gian văn hóa, tại ai?
Nhìn ra miền Trung nghèo khó, nếu tính cả 3 khu lưu niệm: Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị và Tố Hữu thì tỉnh Thừa Thiên - Huế là địa phương đang dẫn đầu về những không gian văn hóa gắn với danh nhân. Từ tháng 3-2019, tỉnh Quảng Trị khởi công xây dựng Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên tại thôn An Xuân, xã Cam An, huyện Cam Lộ, được thiết kế mô phỏng theo lối kiến trúc nhà rường truyền thống, mái lợp ngói, 3 gian rộng lớn. Tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng một không gian văn hóa vinh danh một nhân vật độc đáo: tác giả "Dạ cổ hoài lang", đó là nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ngay như Đồng Tháp, chính quyền tỉnh cũng đã tạo dựng một không gian văn hóa đàng hoàng cho nhạc sư Vĩnh Bảo khi ông còn sống.
Xây dựng không gian văn hóa gắn với danh nhân là hoạt động có ý nghĩa tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tại một trung tâm văn hóa lớn như TP HCM. Nhưng dường như vấn đề này chưa được các cơ quan chức năng coi trọng?
Việc giải quyết tranh chấp ngôi nhà cổ của cụ Vương Hồng Sển (tọa lạc tại số 9/1 Nguyễn Thiện Thuật, phường 14, quận Bình Thạnh), mang tên "Vân Đường Phủ" - một di sản văn hóa vô giá, từ năm 1996 khi cụ qua đời đến nay để có thể tạo dựng nên không gian văn hóa Vương Hồng Sển vẫn là bài toán khó đối với chính quyền TP. Công trình nhà cổ trăm năm tuổi này đã rệu rã theo năm tháng, có nguy cơ bị xóa sổ.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - một tài năng âm nhạc - vẫn chưa có không gian Trịnh Công Sơn tại TP HCM, sau khi ông qua đời từ năm 2001 đến nay.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nói: "Có một điều các cơ quan hữu trách cần lưu ý là tri ân danh nhân văn hóa không chỉ đơn thuần đặt tên họ vào một không gian cụ thể nào đó, mà phải biết khai thác để đời sống của không gian đó tác động đến thế hệ trẻ trong việc góp phần gìn giữ cội nguồn. Chúng ta có mà không giữ, làm nghèo đi không gian văn hóa của chính chúng ta, đó là điều cần khắc phục ngay".
Việc làm ý nghĩa
NSND Kim Cương bày tỏ vui mừng khi Trường ĐH Văn Lang ngỏ lời cùng nhóm thân hữu của GS-TS Trần Văn Khê sẽ tổ chức không gian mang tên ông tại trường, đồng thời đứng ra thành lập Quỹ Trần Văn Khê để xét trao tặng cho những nghiên cứu sinh, những nghệ nhân đang học tập, đạt thành tích và có triển vọng tiến xa trên con đường âm nhạc học. Những bạn bè yêu mến cũng sẽ có nơi tổ chức tưởng nhớ ông vào ngày sinh và ngày mất hằng năm, cũng như phục hồi những chuyên đề văn hóa, âm nhạc dân tộc trong không gian này.
Các nhà chuyên môn cũng hy vọng không gặp trở ngại khi Trường ĐH Văn Lang bắt tay khởi động Quỹ Trần Văn Khê và xây dựng không gian văn hóa mang tên ông. Đối với thế hệ trẻ, việc làm này có ý nghĩa lưu giữ và phát huy những giá trị tinh thần mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Nói theo lời NSND Kim Cương: "GS-TS Trần Văn Khê không mất đi, vì tinh thần của ông mãi mãi tồn tại với văn hóa Việt...".
Bình luận (0)