Sân khấu Lệ Ngọc, một trong những sân khấu tư nhân (hay còn gọi là xã hội hóa) phía Bắc có chuyến lưu diễn phương Nam, từ ngày 25-6 đến 5-7 tại Nhà hát TP HCM, với 17 suất diễn, khiến nhiều đơn vị nghệ thuật phải trầm trồ. Bởi, trong giai đoạn sàn diễn đang gặp nhiều khó khăn, nhà nước còn phải hỗ trợ kinh phí cho 12 đơn vị nghệ thuật quốc doanh ở thủ đô hoạt động sau giãn cách xã hội thì Sân khấu Lệ Ngọc đã "Nam tiến" một cách đầy tự tin, kiêu hãnh.
Tâm huyết và lòng tin
Theo Giám đốc điều hành Sân khấu Lệ Ngọc - ông Nguyễn Thế Vinh - chuyến lưu diễn tại TP HCM lần này là một áp lực lớn đối với chúng tôi, vì đây là đất kịch, có nhiều sân khấu xã hội hóa thành công. Thế nhưng với tâm huyết và lòng tin về sức hấp dẫn của các vở diễn mình đã dàn dựng, Sân khấu Lệ Ngọc mạnh dạn thực hiện chuyến lưu diễn này.
Cảnh trong vở “Cây tre thần” của Sân khấu Lệ Ngọc. Ảnh: THÁI MINH
Chủ đề Sân khấu Lệ Ngọc chọn cho chuyến lưu diễn lần này là "Tìm về văn hóa cội nguồn" sẽ công diễn 3 vở: "Cây tre thần" (tác giả: Lê Thế Song, phóng tác từ truyện dân gian, đạo diễn: NSƯT Bùi Như Lai), "Thị Nở - Chí Phèo" (tác giả: Lê Chí Trung, chuyển thể từ truyện ngắn "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao, NSND Lê Hùng đạo diễn), "Hoa sen lửa" (tác giả: Chu Thơm, đạo diễn: Nghệ sĩ Thanh Lê).
Tham gia chuyến lưu diễn vào Nam lần này có các diễn viên: NSND Lệ Ngọc, nghệ sĩ Văn Hải, Anh Đào, Thanh Bình, Lâm Cương, Hương Thủy, Diệu Linh, Huy Hoàng, Đức Tâm, Tùng Linh...
Sân khấu Lệ Ngọc còn cho biết sẽ dàn dựng vở "Tình bạn và công lý" (tác giả: Minh Nguyệt, đạo diễn: Hàn Quang Tú), về đề tài công an chống tội phạm cùng với "Hoa sen lửa" sẽ tham gia liên hoan sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân" năm 2020, dự kiến diễn ra tháng 7, tại Hà Nội. Lệ Ngọc và LucTeam là hai sân khấu tư nhân đang ăn nên làm ra tại đất kịch Hà thành.
Muốn được làm nghề đúng nghĩa
Khi nhìn thấy các sân khấu xã hội hóa phía Nam hoạt động hiệu quả, một số nghệ sĩ phía Bắc quy tụ lại thành lập sân khấu tư nhân với mong muốn hoạt động đúng nghề, sống bằng tiền bán vé. Tất nhiên, muốn thay đổi thói quen đi xem nghệ thuật bằng vé mời đã thành nếp của khán giả thủ đô là không dễ ngày một ngày hai.
Sau khi tham khảo các sân khấu xã hội hóa phía Nam, một số sân khấu tư nhân ở Hà Nội đã khởi động, tuân thủ tiêu chí "sản phẩm tốt, giá vé tốt": Sân khấu Lệ Ngọc và sân khấu LucTeam.
Khi sân khấu Lệ Ngọc ra đời từ tháng 9-2016, NSND Lệ Ngọc đã đi theo hướng đa dạng kịch mục, phục vụ nhiều đối tượng khán giả: Từ kịch thiếu nhi, kịch độc diễn đến kịch chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới và Việt Nam. Bà đã mời nhiều đạo diễn giỏi tham gia dàn dựng. Đáng chú ý là tác phẩm "Kim Tử" của tác giả Tào Ngu (Trung Quốc), bà bầu Lệ Ngọc mời cả đạo diễn Singapore Chua Soo Pong sang dàn dựng. Nhiều vở diễn của sân khấu này đã đoạt giải thưởng tại các liên hoan sân khấu quốc tế ở Trung Quốc, Singapore, Philippines, Hàn Quốc…
Riêng sân khấu LucTeam, do NSƯT Trần Lực sáng lập cùng các học trò từ Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, đã tạc dấu ấn sâu đậm qua các vở: "Quẫn", "Cơn ghen của Lọ Lem", "Nữ ca sĩ hói đầu". Dùng phương pháp biểu hiện ước lệ để thổi vào kịch hôm nay luồng gió mới, sân khấu này đã cuốn hút khán giả trẻ đến với mình. NSƯT Trần Lực đã từng bày tỏ chỉ có cách năng động, tìm hiểu khán giả cần gì ở sàn diễn, nghệ sĩ mới tìm được tiếng nói chung. NSND Lệ Ngọc cho biết quá trình gầy dựng sân khấu riêng dẫu gặp nhiều khó khăn nhưng tâm huyết và biết hướng đến công chúng thì khán giả không bỏ mình, nhất là khi từng vai diễn, vở diễn được đầu tư, biểu diễn nghiêm túc.
Dù chưa có rạp diễn cố định như các đoàn quốc doanh nhưng sân khấu Lệ Ngọc và LucTeam luôn được khán giả ủng hộ.
"Giải pháp tồn tại chính là dàn dựng đúng vở diễn công chúng đang cần. Từ hình thức cho đến nội dung đều phải đạt chuẩn. Chúng tôi có lợi thế không bị cạnh tranh nhiều như đồng nghiệp phía Nam cho nên thời gian đầu tư cho tác phẩm rất ổn. Tiêu chí "từ nhuần nhuyễn đến thăng hoa" được đặt lên hàng đầu. Diễn viên phải thuộc và thấm lời thoại. Âm nhạc, cảnh trí, không gian mỹ thuật đều đặt hàng riêng, không cắt dán, sao chép, vay mượn nên mỗi vở đều có gam màu riêng, chạm vào cảm xúc như chính sự tôn trọng nghề của nghệ sĩ lan tỏa đến khán giả" - NSƯT Trần Lực giải thích.
Còn với NSND Lệ Ngọc, tiêu chí dàn dựng vở phải đạt yếu tố giải trí song vẫn giữ được sự định hướng. "Sân khấu Lệ Ngọc vẫn "chạy tốt" sau 2 năm ra đời, dù có sự hỗ trợ của Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, song chúng tôi vẫn xác định phải có chiến lược kinh doanh riêng" - NSND Lệ Ngọc cho biết.
Cần có cơ chế đặc biệt
Những nỗ lực không ngừng và niềm đam mê của các nghệ sĩ sân khấu xã hội hóa phía Bắc, cụ thể qua chuyến lưu diễn vào Nam của sân khấu Lệ Ngọc, đã tạo nên không khí tươi mới cho sàn diễn xã hội hóa.
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái đã từng đề nghị cơ quan quản lý sớm có cơ chế đặc biệt cho sân khấu xã hội hóa để ổn định và phát triển. Nên chăng cần có đãi ngộ đúng mức cho các sân khấu xã hội hóa vẫn bám sàn diễn, dù khó khăn vẫn không giảm nhân công, nghệ sĩ, để tiếp sức cho đội ngũ sáng tạo yên tâm với nghề.
Bình luận (0)