NSƯT Thanh Tuấn cùng đồng nghiệp
* Phóng viên: Điều gì khiến ông trăn trở sau chuyến lưu diễn vở "Thầy Ba Đợi"?
- NSƯT Thanh Tuấn: Nhiều năm qua, sân khấu cải lương chỉ bám vào các sự kiện, còn sàn diễn thì thưa thớt. Người ta chê cải lương sến là có lý do. Sến ở đây xin hiểu theo nghĩa có những con "sâu làm rầu nồi canh". Đi ngược lại tôn chỉ của tiền nhân là "cải cách hát ca theo tiến bộ, lương truyền tuồng tích sánh văn minh". Một số nghệ sĩ vẫn diễn ẩu tả, ăn mặc phục trang lòe loẹt. Ra Hà Nội gặp và nghe những ý kiến phê bình chính xác của khán giả mới biết họ yêu quý nghệ thuật cải lương lắm, nhưng xem một vài sô diễn kém chất lượng, họ không đến rạp nữa.
* Nhưng không lẽ là một danh ca, nghệ sĩ đàn anh đi trước, ông không góp phần chấn chỉnh?
- Nhiều năm qua tôi gắn bó với CLB âm nhạc tài tử Thầy Năm Tú, một CLB lấy tên của người xây rạp hát cho cải lương đầu tiên tại Mỹ Tho, Tiền Giang.
NSƯT Thanh Tuấn có nhiều trăn trở với bộ môn nghệ thuật cải lương
* Điều gì khiến ông tích cực gắn bó với sân chơi đờn ca tài tử và đặt ra nhiều phương án tổ chức để chương trình cổ nhạc ngày càng hay hơn?
- Tôi hoan nghênh các nghệ sĩ trẻ đã đưa hoạt động này vào kế hoạch tổ chức giao lưu – biểu diễn hằng tháng. Để khán giả yêu thích ca cổ, các CLB đội nhóm đờn ca tài tử có nơi sinh hoạt. Hiếm hoi tại TP HCM có một sân chơi dành cho khách mộ điệu khi đến với Trung tâm văn hóa Bình Tân. Bản thân tôi là nghệ sĩ thì phải hết lòng nâng niu, tiếp sức để gìn giữ bộ môn nghệ thuật được thế giới vinh danh di sản văn hóa phi vật thể.
* Vì sao ông không tham gia công tác giảng dạy?
- Tôi chưa bao giờ nhận mình là thầy của ai cả. Chỉ có các em thích thì theo tôi thôi. Tôi vui vì có hẳn một trào lưu làn hơi ca của Thanh Tuấn với các nghệ sĩ như Ngân Tuấn, Chiêu Tuấn, Linh Tuấn, Dũng Tuấn, Hiển Tuấn, Thanh Thanh Tuấn, Minh Tuấn, Hoài Tuấn… Và tôi thường giáo huấn các em trực tiếp trên sàn diễn khi có cơ hội đứng chung sân khấu hoặc tham gia chấm thi các cuộc thi tuyển chọn giọng ca cải lương. 50 năm đi hát của tôi đúng là có nhiều bài học quý, từ cách luyến láy, ngân nga, sắp câu văn để thẩm thấu tính văn học của bài ca, bên cạnh đó sắp sao cho tròn với cách luyến, ngân của mình. Lỗi chính tả trong phát âm tiếng Việt của bài ca cổ rất quan trọng, nên dù ca giọng miền Nam nhưng phát âm phải chuẩn. Phần đông nghệ nhân ca và diễn viên cải lương trẻ đều bị mắc phải từ ch, tr, x, s… nên nghe câu ca chưa nhận xét hay dỡ đã thấy khó chấp nhận. Phong trào đờn ca tài tử có lớn mạnh, có đúng chuẩn hay không chính là loại dần những hạt sạn này, mà bổn phận người nghệ sĩ đi trước, có trách nhiệm nhắc nhỡ, đôn đốc, khắc phục để các em tiến bộ.
Luôn tận tâm, tận lực với công việc của mình
* Bây giờ người ta hay tổ chức đờn ca tài tử trong nhà hàng, khách sạn. Sân chơi này theo ông, có phát triển được không?
- Các địa phương ĐBSCL thì thích đờn ca tài tử trong không gian ẩm thực, có thức ăn dân dã, rượu nồng và bạn quý. TP HCM có hơn 300 CLB đờn ca tài tử ở khắp các quận, huyện, vùng giáp ranh với các tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Nai… nên thế mạnh của sân chơi này chính là mời cho được những đội mạnh về giao lưu. Chính nơi này sẽ là nơi để các đạo diễn sân khấu, các biên tập về cổ nhạc của đài truyền hình kiếm hạt giống mới. Tôi mừng muốn khóc khi thấy nhiều em trẻ đã đờn rất sành những nhạc cụ dân tộc như: sến, kìm, bầu, sáo trúc, ghi ta phím lõm… và nghệ nhân ca từ tóc trắng bạc phơ, tuổi cao đi đứng khó khăn nhưng vẫn đến tham dự để ca với những em thiếu nhi tuổi 12, 13. Hạnh phúc lắm!
Ông bảo nếu được chú trọng, cải lương sẽ không bao giờ chết được
* 50 năm nghiệp cầm ca, hẳn ông sẽ làm gì đó?
- Một đêm diễn để tri ân khán giả mộ điệu nhân dịp 50 năm theo nghiệp. Bạn bè tôi, thế hệ nghệ sĩ vàng giờ tuổi cao, sức yếu. Anh Thanh Sang, anh Thanh Tòng đột ngột ra đi; cô Kim Giác lại trở bệnh nặng; chị Út Bạch Lan, Ngọc Hương, Mai Lan cũng đã qua đời… Kép già như tôi và Minh Vương giờ đếm từng suất diễn. Nên tổ chức liveshow của mình cũng là dịp để qui tụ anh chị em nghệ sĩ cùng thế hệ gặp nhau, cùng bày tỏ lòng tri ân với khán giả mộ điệu. Hiếm có thế hệ nghệ sĩ nào như chúng tôi, trải qua 40 - 50 năm vẫn còn được yêu mến, còn được đứng trên sân khấu nên mình phải nâng niu.
Bình luận (0)