Ông tên thật là Lâm Nghĩa, sinh năm 1944 tại Sài Gòn. Sự ra đi của ông đã để lại sự tiếc nuối cho giới nghệ nhân đờn ca tài tử Nam Bộ trong mùa giỗ Tổ sân khấu năm nay.
Nhạc sĩ đàn tranh Lâm Nghĩa
Anh Lâm Bảo Minh, con trai của nhạc sĩ Lâm Nghĩa, cho biết cha của anh điều trị tại Viện Điều dưỡng quận 8 nhưng do tuổi cao sức yếu, dù được sự tận tình chăm sóc của các bác sĩ chuyên khoa, ông đã qua đời trong sự thương tiếc của gia đình và nghệ sĩ sân khấu cải lương.
"Tiếng đàn tranh của ông rất nỉ non, uyển chuyển, dìu dặt đã đưa tôi đến với nghề diễn viên với nhiều ước mơ cháy bỏng. Nghe tiếng đàn của thầy tôi có cảm giác như gặp luồng gió mát trong buổi trưa hè, được uống một trái dừa ngon..." – NSƯT Ngọc Huyền đã tâm sự.
Tiếng đàn tranh của nhạc sĩ Lâm Nghĩa trên sân khấu cải lương đã đem khán giả rứt khỏi cuộc sống quay cuồng của một xã hội công nghệ hóa, để cùng ông bước vào thế giới thanh âm nhiều cảm xúc.
Ông theo nghề đàn tranh từ nhỏ, có ngón đàn điêu luyện khi thể hiện các bài bản đờn ca tài tử Nam Bộ. "Điều đáng nói là nhạc sĩ Lâm Nghĩa là người Việt gốc Hoa, ông sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, nhưng vì yêu nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ mà theo học đàn tranh rồi gắn bó với nhiều đoàn hát" – NSƯT Diệu Hiền đã kể khi hay tin ông đột ngột qua đời.
Nhạc sĩ Lâm Nghĩa tích cực tham gia các phong trào truyền bá âm nhạc dân tộc nhạc cho nghệ sĩ trẻ
Vốn thủy chung với ngón đàn tranh nên nhạc sĩ Lâm Nghĩa đã có nhiều sáng tạo độc đáo trong cách chơi đàn, để những kinh nghiệm đó trở thành giáo trình giảng dạy cho nhiều học trò của ông trên sân khấu cải lương. Khi Cục Nghệ thuật Biểu diễn Bộ VH, TT và DL tổ chức các đợt tập huấn diễn viên cải lương, ông đều được mời tham gia giảng dạy.
Ông đàn cho nhiều đoàn hát lớn như: Hương Mùa Thu, Kim Chưởng, Sài Gòn 1, Minh Tơ, Văn Công TP… Những năm sau này khi còn khỏe, ông là nhạc sĩ gắn bó với chương trình "Đêm rằm ca hát" của Khu Dưỡng lão Nghệ sĩ TP HCM.
Gia cảnh của nhạc sĩ Lâm Nghĩa nghèo khó, các nghệ sĩ lão thành đã từng san sẻ những phần quà gồm gạo, thực phẩm của mạnh thường quân biếu, ông nhất quyết không nhận. Ông thường tâm sự rằng, cây đàn tranh cũng chỉ là một nhạc cụ dân tộc như rất nhiều nhạc cụ khác, cần phải được bảo tồn.
Nhạc sĩ Lâm Nghĩa và Thanh Tùng (đoàn cải lương Thanh Nga)
Theo ông, hầu hết các khán giả nước ngoài trong nhiều chương trình hòa tấu nhạc cụ dân tộc có sự tham gia của ông, họ đều rất thích thú khi nghe những thanh âm mà nhạc cụ dân tộc Việt Nam cất lên. Từ đó, ông cho rằng, rào cản giữa khán giả với các thể loại âm nhạc của nước ngoài không phải về văn hóa mà chính là cách nghĩ của mỗi người. Do vậy khi con người tiếp cận với âm nhạc với suy nghĩ cởi mở, sẽ không còn thấy bất kỳ sự khác biệt nào.
Hơn 60 năm gắn bó với đàn tranh, nhạc sĩ Lâm Nghĩa đã sống trọn vẹn với niềm đam mê. Khi ông nghèo túng lâm bệnh, đông đảo nghệ sĩ sân khấu, khán giả mộ điệu đã đến thăm và giúp đỡ. Mỗi lần nghệ sĩ đến thăm ông đều khóc. Ông luôn nhớ về sàn diễn cải lương và lớp học mà ông đã truyền nhiều đam mê cho các học trò.
Tang lễ của nhạc sĩ Lâm Nghĩa diễn ra tại nhà riêng: 1288/1 A Lê Văn Lương, ấp 2, xã Phước Kiểng, Nhà Bè, TP HCM.
Lễ tẩm liệm nhạc sĩ Lâm Nghĩa được tổ chức lúc 19 giờ ngày 19-9, lễ viếng từ 20 giờ ngày 19-9. Lễ động quan lúc 8 giờ ngày 21-9, sau đó đưa đi hỏa táng tại Nghĩa trang Đa Phước.
Bình luận (0)