Anh Tý xúc động kể cha của anh bệnh viêm phổi 5 năm, thời gian gần đây chuyển sang bệnh gan. Cách đây vài ngày, thấy ông khó thở, gia đình đã đưa vào BV An Bình để điều trị. "Khi thấy bệnh trạng của ba tôi ngày một yếu, do tuổi già không đủ sức đề kháng, gia đình đã xin bệnh viện cho ông được về nhà điều dưỡng và ba tôi đã qua đời tại nhà riêng" - anh Tý chia sẻ.
Danh cầm Ba Tu
Gia đình danh cầm Ba Tu cho biết tang lễ sẽ được tổ chức tại nhà riêng: 791/26 Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7, TP HCM. Lễ truy điệu sẽ được tổ chức 7 giờ ngày 23-7 và sẽ đưa đi an táng tại quê nhà: huyện Cần Đước, Long An.
Nhạc sĩ, danh cầm Ba Tu tên thật là Trương Văn Tự, sinh năm 1936. Ông được xem là báu vật của nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) và sân khấu cải lương.
Danh cầm Ba Tu, nghệ sĩ hài Thúy Nga và các nghệ nhân thực hiện bức tượng sáp của ông vào ngày 25-8-2016
Những năm gần đây, dù đã hơn 80 tuổi, ông vẫn lên sàn diễn cùng thế hệ nghệ nhân đờn, nghệ nhân ca hòa tấu, độc tấu nhiều loại nhạc cụ. Đặc biệt, ông vẫn dạy học trò theo ý nguyện, truyền thụ ngón đờn kìm độc nhất vô nhị để nâng bước thế hệ nhạc công trẻ phát triển nghề.
Với ngón đờn tinh hoa bậc nhất, ông đã hoàn thành công trình nghiên cứu về ĐCTT Nam Bộ: độc tấu đờn kìm với bộ đĩa 20 bản tổ nhạc tài tử cho tỉnh Long An - quê hương ông - để bảo tồn nguồn gốc, sự sáng tạo của loại nhạc cụ này trong đời sống ĐCTT hôm nay.
GS-TS Trần Văn Khê, khi còn sống, mỗi lần hội ngộ với danh cầm Ba Tu, ông đã nhận xét ngón đờn Ba Tu nhấn chữ xang nức nở đến đổ hột như người có tâm sự kể về những trạng thái của mình bằng hơi thở, con tim. Ba Tu đờn bản vọng cổ có nhiều chữ nhạc rất mới, tạo nét duyên dáng. Các thể điệu Bắc hùng tráng, Nam - Oán của ngón đờn đó rất mùi mẫn. Kỹ thuật nhấn nhá, chạy chữ, chẻ, xốc nhịp vô cùng kịch tính.
Danh cầm Ba Tu và đạo diễn Triệu Trung Kiên
Những năm kháng chiến chống Pháp, danh cầm Ba Tu lên Sài Gòn gia nhập Đoàn cải lương Tiếng Vang Thủ Đô đi lưu diễn khắp nơi. Những năm 1960, ông là nhạc trưởng của ban cổ nhạc trên sân khấu các đoàn Phước Thành, Minh Tơ. Sau năm 1975, ông vẫn giữ vị trí độc tôn với ngón đờn kìm trứ danh của Đoàn Cải lương Sài Gòn 3 và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho đến lúc nghỉ hưu.
Giới nghệ nhân đờn ca tài tử Nam Bộ và các nghệ sĩ nhiều thế hệ đã bàng hoàng xúc động khi biết tin danh cầm Ba Tu qua đời. Ông là tấm gương sáng đối với các thế hệ hậu bối đang tiếp tục giữ gìn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ - di sản phi vật thể đại diện của nhân loại đã được thế giới vinh danh.
Danh cầm Ba Tu và NSƯT Quế Trân
Bình luận (0)