Ủy ban này có trọng trách điều hành, kết nối, sáng tạo, tổ chức và vận hành các festival, chương trình giao lưu sân khấu quốc tế của Hiệp hội Sân khấu thế giới
Phóng viên: Ở cương vị chủ tịch IFCPC/ITI, ông nghĩ đến điều gì đầu tiên?
- Đạo diễn LÊ QUÝ DƯƠNG: Tôi nghĩ tới những con đường di sản văn hóa và sáng tạo nghệ thuật đa dạng, độc đáo sẽ được mở ra và giao thoa, gặp gỡ để con người đến từ nhiều nền văn minh và bản sắc khác nhau được trực tiếp chia sẻ và đồng hành bên nhau vì những mục tiêu chung.
Vì sao sân khấu Việt Nam vẫn chưa đạt được nhiều thành quả trong giao lưu quốc tế?
- Bởi vì những con đường giao lưu và hội nhập quốc tế vẫn chưa thật sự được khai thông, những cánh cửa hợp tác và sáng tạo vẫn chưa mở rộng.
Có 3 lý do khiến sân khấu của chúng ta còn gặp nhiều khó khăn trong giao lưu hợp tác quốc tế. Thứ nhất, là lĩnh vực đào tạo. Chừng nào hệ thống giáo trình giảng dạy tại các trường đào tạo sân khấu chưa được hoàn thiện, bổ sung và cập nhật thì chừng đó sân khấu của chúng ta còn tụt hậu. Đã tụt hậu thì không thể hội nhập.
Thứ hai, là cơ chế quản lý và vận hành đời sống sân khấu. Chúng ta dường như mới có những phong trào sân khấu chỉ tập trung cho các hội thi, hội diễn, liên hoan; chưa thật sự tập trung phát triển những sáng tạo nghệ thuật hướng tới khán giả. Bằng chứng là chúng ta có rất nhiều nghệ sĩ sân khấu với những danh hiệu nhưng nhà hát lại không sáng đèn.
Đạo diễn Lê Quý Dương và các diễn viên Hàn Quốc tại Đại hội Sân khấu thế giới lần thứ 36 ở TP Fujairah - Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. (Ảnh: TOM JOHNSON)
Thứ ba, là quan niệm còn rất thiên vị và lệch lạc giữa sân khấu nhà nước và sân khấu tư nhân, giữa sân khấu trong nước và sân khấu quốc tế; một không khí sáng tạo sân khấu bình đẳng trong nước đã khó thì giao lưu hội nhập quốc tế càng khó hơn.
Với cương vị mới, ông sẽ làm gì để tiếp tục giao lưu, quảng bá sân khấu Việt ra thế giới?
- Ngay từ khi còn là sinh viên theo học chuyên ngành đạo diễn tại Úc, tôi đã làm nhiều dự án giao lưu hợp tác sân khấu giữa Việt Nam và quốc tế. Cương vị mới sẽ giúp tôi có tầm nhìn toàn diện và sâu sắc hơn, thẩm thấu các giá trị sân khấu của dân tộc để đồng nghiệp và khán giả quốc tế hiểu đất nước và con người Việt Nam với những tầng cảm xúc được chắt lọc và tinh tế hơn.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng bạn bè đồng nghiệp và khán giả quốc tế vô cùng trân trọng, thích thú và tò mò khi tiếp cận với sân khấu Việt Nam. Không phải họ chỉ muốn xem một tác phẩm sân khấu thuần túy mà còn muốn tìm những con đường cảm xúc, mở ra những cánh cửa nhận thức mới để hiểu và đến với con người và đất nước của chúng ta trên nhiều lĩnh vực hợp tác khác nhau. Tôi sẽ nỗ lực kết nối để không bỏ lỡ những cơ hội này.
Theo ông, để có được nguồn kịch bản hay, mô hình trại sáng tác kịch bản mà ta vẫn sử dụng trong những năm qua liệu có phải thay đổi?
- Sân khấu Việt Nam đáng tự hào với tên tuổi của nhiều nhà viết kịch lớn trên khắp cả nước. Tuy nhiên, để có nhiều kịch bản hay hơn nữa, cần nhìn nhận, đánh giá khách quan, công bằng và có các phương pháp đào tạo, động viên, khích lệ mới đối với đội ngũ các nhà viết kịch trẻ hôm nay. Yêu cầu để có một kịch bản sân khấu hay đòi hỏi những nguyên tắc rất riêng. Các mô hình trại sáng tác hiện nay rất cần thay đổi toàn diện và bổ sung nhiều phương pháp mới. Cần có các chương trình đào tạo chuyên sâu về kỹ năng cho các nhà viết kịch trẻ nhiều triển vọng.
Cần cơ chế đặc thù nào để sân khấu Việt Nam có thể giao lưu, lan tỏa với sân khấu quốc tế trong thời gian tới?
- Những nguyên tắc đã trở thành thông lệ trong giao lưu sân khấu và các festival quốc tế là sự phối hợp và đồng hành. Có hai hình thức hợp tác. Hình thức thứ nhất mang tính kinh doanh thương mại có lợi nhuận. Hình thức thứ hai là giao lưu hợp tác phi lợi nhuận.
Điều cần ở đây chính là có cơ chế cả về nhân sự, tài chính và sản phẩm nghệ thuật đặc thù để xây dựng các chương trình có đủ điều kiện tham gia các sân chơi sân khấu quốc tế chuyên nghiệp rộng lớn.
Ông đang ôm ấp dự án nào cho sân khấu Việt Nam trong năm 2023?
- Hiện tại một số festival sân khấu quốc tế lớn tại châu Phi, châu Âu và châu Á đã đặt vấn đề mời tiết mục của sân khấu Việt Nam tham dự. Tôi rất mong muốn sân khấu của chúng ta sẽ nhận được sự quan tâm chung của nhà nước, hội chuyên ngành, các nhà hát công lập và ngoài công lập, các nhóm và kể cả cá nhân nghệ sĩ sân khấu để không bỏ phí những cơ hội này.
Ông có niềm tin như thế nào khi trong "Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030" có nhắc "Việt Nam sẽ phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP"?
- Tôi nghĩ niềm tin phải dựa trên những cơ sở đánh giá và phân tích thực tiễn hết sức khách quan, minh bạch và chính xác. Trong lĩnh vực sân khấu nói riêng, văn hóa - nghệ thuật nói chung, tôi có niềm tin mạnh mẽ chiến lược này có thể thực hiện được vào năm 2050.
Bất cứ một nền công nghiệp nào cũng cần yếu tố chuyên nghiệp. Muốn chuyên nghiệp thì phải chuyên môn hóa rất cao. Muốn chuyên môn hóa cao thì phải có con người. Con người luôn là đòi hỏi trung tâm và tạo nên giá trị cốt lõi nhất.
Bình luận (0)