Hàng loạt kịch bản "Siêu thị cười" gần đây gắn với tên Lê Văn Tĩnh, dù ông đã ở tuổi 83. Ông là thầy của nhiều thế hệ diễn viên gạo cội mà ngày nay họ đều là những trụ cột của các sân khấu xã hội hóa. Sức lao động nghệ thuật của ông thật đáng nể, vẫn miệt mài dạy học, dàn dựng sân khấu, cặm cụi sáng tác, biên chỉnh kịch bản cho kịch, phim truyền hình và kiêm công việc… bán than.
Cuộc đời lắm thăng trầm
Tìm đến thăm ông trong con hẻm nhỏ ở Bến Bình Đông, quận 8, hỏi thăm hàng xóm không ai biết ông là đạo diễn, chỉ biết ông là "ông già bán than nhân hậu lắm". Ông cười nói: "Ai đến mua than mà than nghèo túng là tôi tặng luôn, khỏi tính tiền. Riết rồi bà con thương. Có hôm đang viết về một cảnh đấu lý giữa nhân viên và giám đốc tham nhũng, ý tưởng dâng cao trong đầu, tự dưng có tiếng kêu ơi ới, ông ơi bán cho con 2 ký than, vậy là phải nuôi lại ý tưởng từ đầu sau khi đi cân… than".
Đạo diễn Lê Văn Tĩnh tặng hoa chúc mừng học trò Thành Lộc sau thành công của vở nhạc kịch “Tiên Nga” Ảnh: LOUIS WU
Ông kể vậy để nghe chơi chứ tuyệt nhiên không than thở gì về cuộc sống hiện tại, bởi ông hạnh phúc khi đi qua bao thăng trầm dâu bể của đời mình. Đời ông nghèo, chỉ giàu mỗi việc trao đi những kiến thức mà ông có được cho các thế hệ học trò. Họ chắc cũng ít biết đến chuyện ông đã từng gạt nước mắt chở đống sách quý mang từ Bungary về, sau thời gian tu nghiệp đại học đạo diễn, bán để có tiền mua gạo. Cũng không ai biết con trai ông vì không có tiền đóng học phí phải đi trường khác để học trong nỗi xót xa của ông. Ông kể có những lần trong túi có vỏn vẹn 9.000 đồng, biết người thanh niên đi bên cạnh có ý định móc túi, ông móc tiền ra chia làm đôi, tặng anh chàng một nửa. Người thanh niên cầm tiền bỏ chạy nhưng sau đó suy nghĩ thế nào đã quay lại dúi tiền vào tay ông nói lời xin lỗi. Ông nói mình học được đức tính thấy người khác sai dùng sự nhân ái để cải huấn họ là từ người cha liệt sĩ. Ông kể: "Cha tôi sống nhân hậu lắm, nửa đêm biết có người lẻn vào nhà ăn cắp gà. Ông bật đèn khóa cửa lại. Tên trộm quỳ lạy vì tưởng ông sẽ đánh cho một trận đòn nhưng cha tôi nói mẹ tôi làm thịt con gà, nấu cháo mời tên trộm ăn. Người đàn ông ốm yếu ăn hết tô cháo, nước mắt đầm đìa. Cha tôi khuyên từ nay nên bỏ nghề ăn trộm, chứ gặp người khác họ đánh bị thương thì khổ. Tôi học ở cha tôi lòng nhân ái nên đối với học trò, dùng muôn vàn tình thương xóa bỏ những lỗi lầm".
Người thầy đáng kính
Gian nan giữa đời thường nhưng trong sự nghiệp ông là người thầy đáng quý của nhiều thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng. Vừa rồi, ông đến xem vở nhạc kịch "Tiên Nga" của học trò - NSƯT Thành Lộc, ông nói ông vui quá về mất ngủ cả đêm. Cứ nghĩ về chàng trai trẻ Thành Lộc ngày nào, giờ uy tín trong nghề, làm rạng danh thầy, rạng danh dòng tộc.
Còn với NSƯT Thành Lộc, anh trân quý những bài học của thầy Lê Văn Tĩnh. "Hồi đó thầy chỉ quăng cho tôi một con thú nhồi bông, bảo phải tưởng tượng ra mọi thứ, rồi tự diễn, khóc cười với nó. Những gợi ý của thầy đã làm sáng ra những suy nghĩ để người diễn viên vận dụng sáng tạo trong diễn xuất. Thầy là người vẽ ra trong đầu học trò những trăn trở, khao khát để vươn tới sự chuyên nghiệp trong nghề".
Sống gần gũi người lao động, các bài học về diễn xuất của đạo diễn Lê Văn Tĩnh đã giúp học trò khai thác sâu những mối quan hệ về nhân tình thế thái. Từ đó, họ cũng chú tâm đến việc điều chỉnh suy nghĩ, hành động và cách ứng xử để sống nhân ái hơn mỗi ngày.
Ông là một kho tàng về việc dàn dựng hài, biến những cay cú thành giễu cợt nhưng hết sức có trách nhiệm. Ông đào sâu hiệu quả tâm lý hơn là hiệu quả nhìn, nghe, nên vai diễn của bất kỳ nghệ sĩ nào được ông phân tích đều cảm thấy như trong cơn khát được trao sợi dây để tự kéo nước mát từ giếng sâu lên.
"Đời tôi thua học trò, không làm được những vở diễn hoành tráng trên những sân khấu hiện đại. Nhưng những vở nho nhỏ từ kịch truyền hình đến kịch hài luôn là mảng trời riêng đầy khao khát sáng tạo của riêng tôi. Cái cần nhất trong mỗi vở diễn là đi vào chiều sâu tâm lý công chúng, vào những vấn đề xã hội. Tác phẩm nghệ thuật phải đưa ra những liều thuốc "trị bệnh xã hội". Tôi thích đề tài dân gian vì đó là cách dễ "vào" suy nghĩ người xem hơn".
Ở tuổi ngoài 80, ông vẫn đứng trên bục giảng, học trò ông ở thế hệ đầu hiện nay đã có cháu ngoại, cháu nội. Ngày họp mặt truyền thống của Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM) ông xúc động vì tất cả học trò bao thế hệ vây quanh ông, khoanh tay cúi đầu, họ đều là ngôi sao sáng của sân khấu và điện ảnh cả nước.
9 tuổi đã vào chiến khu
Thời trẻ, đạo diễn Lê Văn Tĩnh từng tham gia kháng chiến. Năm 1944, khi lên 9 tuổi ông đã theo cha vào chiến khu. Cha ông - Lê Văn Thiệu - một cán bộ Việt Minh hoạt động ở tỉnh Ninh Thuận, hy sinh trong một trận càn của địch, chính ông đã chạy băng rừng 5 km về báo hung tin cho cơ sở cách mạng. Sau khi chôn cất cha, ông không chịu về nhà mà ngồi bên mộ cha khóc rồi ngủ thiếp đi vì quá mệt. Được tin có đồng chí mình hy sinh, đêm khuya, bộ đội chủ lực tìm đến thấy ông đang ngủ say liền kêu dậy để cõng ông về nhà. Nhưng ông nhất quyết đòi đi theo bộ đội. Vào đơn vị, ông được giao nhiệm vụ giao liên và trinh sát. Ông dùng lời ca tiếng hát của mình để giúp vui cho bộ đội sau mỗi trận đánh.
Tập kết ra Bắc, ông được phân công về Đoàn Văn công Khu 5. Rồi sau đó ra nước ngoài tu nghiệp 6 năm về đạo diễn. Sau khi về nước, ông làm công tác quản lý nhiều đoàn văn nghệ như: Bông Hồng, Phước Chung. Năm 1979, ông về dạy tại Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM). Ông đã viết và dựng hàng trăm vở kịch, cải lương như: "Quẫn", "Hôn lễ đảo chìm", "Người con gái Sài Gòn", "Lý Ngư vọng nguyệt", "Di hận chiến tranh", "Cái bóng"... Đặc biệt, vở cải lương "Bản tình ca quê mẹ" đã đoạt HCV Liên hoan Sân khấu - Cải lương toàn quốc năm 1992.
Bình luận (0)