Phóng viên: Chương trình "25 năm showbiz" của anh sẽ được tổ chức tối 25-12 tại Sân khấu Phúc An Khang, quận 1, TP HCM. Có người nói show đánh dấu chặng đường đam mê với nghề múa nhưng trái tim anh lại trao cho nghề đạo diễn?
- Đạo diễn NGỌC HIỀN: Người trong nghề và khán giả khi nhắc đến tôi vẫn gắn với thương hiệu vũ đoàn ABC. Trong đêm này, tôi sẽ ra mắt quyển sách "Đạo diễn chương trình ca múa nhạc". Đây là công trình nghiên cứu có tính lý luận, thực tiễn và chuyên sâu mà tôi đã đúc kết từ kinh nghiệm làm nghề và quá trình học tập, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Sách phản ánh nhiều góc nhìn khác nhau về nghề đạo diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp. Hai lĩnh vực biên đạo và đạo diễn hỗ trợ nhau và đều chiếm hết niềm đam mê, trái tim của tôi.
Theo anh, sách có thể đưa vào ứng dụng một cách hiệu quả?
- Tôi viết sau kết quả nghiên cứu nên những trải nghiệm đó cần thiết với những người thích mày mò sáng tạo, tìm tòi thông điệp mới. Tôi đã từng theo học đạo diễn tại Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM, rồi tham gia bảo vệ luận văn thạc sĩ, sau đó là người đầu tiên của ngành nghệ thuật múa TP bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, nên mục đích của tôi là hướng tới việc tìm ra chìa khóa sáng tạo cho việc ứng dụng hiệu quả, thiết thực nhất trong công tác đạo diễn chương trình ca múa nhạc.
Đạo diễn Ngọc Hiền. (Ảnh: DƯƠNG HOÀNG SƠN)
Là người đi lên từ một diễn viên múa, biên đạo rồi sáng tác kịch bản múa và là đạo diễn nhiều chương trình nghệ thuật ca múa nhạc trong nước và quốc tế. Anh còn hối tiếc điều gì?
- 25 năm là một trải nghiệm đáng quý, tôi đã được Tổ nghề yêu thương, đến nay vẫn có thể đóng góp nên không thấy hối tiếc điều gì. Có chăng là mình không còn quá trẻ để có thêm nhiều đóng góp hơn nữa và tiếc là nghề múa chưa tìm được sự bảo trợ, đầu tư đúng mức theo kịp sự phát triển của xã hội hiện nay.
Các chương trình nghệ thuật ca múa nhạc mà anh tham gia dàn dựng đều có phong cách riêng. Bí quyết để đạt thành công của anh là gì?
- Tôi luôn học và quan sát để tích lũy. Tôi thường tìm cách tiếp cận và lý giải logic những vấn đề liên quan đến nghệ thuật, để từ đó nhìn ra cả hai mặt ưu điểm và hạn chế để khi cần thì mang nó ra xài.
Theo anh, làm thế nào để có thể xây dựng được một cộng đồng dancer vững mạnh ở Việt Nam và thay đổi định kiến của dư luận về nghề múa?
- Cần lắm sự phát triển của Hội Nghệ sĩ múa TP HCM để tập hợp và phát triển nguồn nhân lực về đạo diễn, biên đạo, âm nhạc, tác giả kịch bản và diễn viên múa. Bên cạnh đó, sự tác động về ý thức làm nghề từ công tác đào tạo sẽ giúp các bạn làm nghề thêm tự tin và có thể đóng góp tốt hơn cho nghề. Sự phấn đấu của từng cá nhân thông qua việc học và các tác phẩm có giá trị sẽ là minh chứng giúp thay đổi định kiến về nghề múa nói riêng và người làm nghệ thuật nói chung.
Qua những dấu ấn nghệ thuật đạt được từ nghề biên đạo và đạo diễn, anh được giới chuyên môn đề cao tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, trách nhiệm và đầy cảm hứng đam mê với nghề. Bài học nào anh trân quý nhất sau quá trình 25 năm cống hiến?
- Những kinh nghiệm, bài học được tôi đúc kết đều có giá trị thiết thực. Tôi nhớ ơn các thầy cô, những người truyền năng lượng tích cực cho tôi, tạc vào tâm trí tôi ý nghĩa quảng bá các không gian văn hóa vùng miền, các tỉnh, thành trong cả nước.
Sau 25 năm hoạt động, hiện nay ABC do anh dẫn dắt được xem là một trong những vũ đoàn "hot" và đắt sô nhất trong thị trường giải trí. Anh có tự hào về điều này?
- Trên thực tế, ABC không chỉ là một thương hiệu đơn thuần mà còn được biết đến với nhiều "nhánh" khác: ABC 1, ABC 2, ABC Kids, ABC Thiên Thần, ABC Candy; cũng như nhiều hoạt động trong lĩnh vực thời trang, chụp ảnh, giảng dạy nhảy múa. Đây là vũ đoàn gắn bó với các chương trình "Duyên dáng Việt Nam", "Khát vọng trẻ" và live show của các ca sĩ: Đàm Vĩnh Hưng, Lam Trường, Cẩm Ly, Quang Dũng, Lệ Quyên... và sắp tới là lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 26 - 2020 của Báo Người Lao Động tổ chức tại Nhà hát TP tối 14-1-2021. Có câu "lớn thuyền lớn sóng" nên trong lễ kỷ niệm 25 năm gắn bó với nghề múa, tôi muốn ngày hội cho vũ đoàn sẽ nhắc nhở nhau sống chan hòa, đoàn kết và tử tế với nghề, xứng với thương hiệu đã 25 năm được công chúng yêu mến.
Cùng thăng hoa dưới ánh đèn sân khấu với các ca sĩ nhưng người vũ công luôn mang những câu chuyện buồn, vì nghề múa vẫn bị cho là minh họa. Anh trăn trở điều gì hiện nay về nghệ thuật múa?
- Nghề nào cũng có khó khăn nhưng nếu thiếu tình yêu đủ lớn để mạo hiểm, kiên trì thì sẽ không sống được với múa. Trong tương lai, tôi sẽ mở rộng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm cá nhân được tích lũy qua quá trình làm nghề đến các trường đào tạo nghệ thuật và góp sức vào sự phát triển các chương trình nghệ thuật của TP. Để đạt được nhiều thành tựu trong nghệ thuật múa, chúng ta không chỉ giới hạn mình trong những thể loại sở trường mà còn phải luôn trau dồi, học hỏi thêm các thể loại nhảy múa khác. Tôi mừng là ngày càng có nhiều vũ công trẻ đang hết mình học hỏi và trau dồi về tư duy biên đạo, đạo diễn sân khấu và có nhiều bạn khao khát trở thành giáo viên dạy nhảy múa.
Hiện nay, nhiều khán giả chán ngán về các bài biểu diễn nhảy múa vì hiện tại đa phần chỉ xem nhảy múa trên truyền hình, trên các game show? Anh nghĩ gì về điều này?
- Đó là thiệt thòi của nghệ thuật múa, bởi vì truyền hình hay game show chỉ phản ánh một phần rất nhỏ về nội lực hiện nay của các vũ đoàn múa ở Việt Nam. Có khá nhiều chương trình nghệ thuật về nhảy múa chất lượng cao bên ngoài mà khán giả chưa có cơ hội tiếp cận và cũng chưa thật sự tìm hiểu đến. Lớp vũ công trẻ ở Việt Nam hiện rất tài năng, họ phá vỡ rào cản, không còn giới hạn ở phạm vi trong nước mà bắt đầu vươn ra thế giới. Tôi tin nếu họ được đào tạo sẽ góp phần tạo nên một cuộc cách mạng lớn để xây dựng cộng đồng múa vững mạnh và thay đổi cái nhìn của xã hội về nghệ thuật múa.
Đạo diễn Ngọc Hiền. (Ảnh: DƯƠNG HOÀNG SƠN)
Lời khuyên của anh dành cho các vũ công trẻ hiện nay với tư cách người anh cả?
- Tôi không dám khuyên, chỉ có thể nói một cách chân thành, thay vì phát triển nghề để đi đường dài, hiện nhiều vũ công ham chạy show để kiếm tiền, bỏ mặc chất lượng nghệ thuật nên nhiều khi tiết mục múa trong các chương trình lớn bị phê bình do không được đầu tư, tập luyện, chất lượng nghệ thuật ngày càng đi xuống. Hệ lụy này đã gây nhàm chán cho khán giả.
Đành rằng "cát-sê" múa không đủ để trang trải cuộc sống nhưng đã mang cái nghiệp thì phải tạo cái đạo. NSND Bảy Nam đã từng nói người làm nghệ thuật không phải là cái nghề mà là cái đạo, đạo hướng người ta đến cái đẹp.
Bình luận (0)