Sau thời gian nghiên cứu thị trường giải trí Việt Nam, Sony Pictures quyết định đầu tư kinh doanh thị phần nhạc thiếu nhi tại đây. Sony Pictures và công ty đối tác tại Việt Nam cũng đã có chiến lược kinh doanh nhiều hứa hẹn. Theo đó, một chuỗi chương trình dài về thị trường nhạc thiếu nhi sẽ ra mắt trong thời gian tới, không chỉ để phục vụ khán giả thiếu nhi tiềm năng mà còn mang khát vọng đột phá tạo mới mẻ cho thị trường nhạc Việt trong tương lai gần.
Xây nền tảng cho lợi ích của tương lai
Kênh kinh doanh của Sony Pictures muốn nhắm đến là YouTube. Nếu nhiều ông lớn khác đầu tư cho mảng nhạc số, sản xuất các chương trình người lớn thì Sony Pictures hướng đến thị phần nhạc thiếu nhi vì như bày tỏ của đại diện đơn vị này: "Chúng tôi hướng đến cả hai mục tiêu là xây dựng nền tảng của tương lai để thu lợi và làm người tiên phong khai phá những điều mới mẻ trên mảnh đất màu mỡ này".
Tiết mục biểu diễn trong live show nhạc thiếu nhi của Nguyễn Văn Chung "Gia đình nhỏ hạnh phúc to", diễn ra mới đây
Chưa biết chiến lược đầu tư kinh doanh của một trong những "ông trùm" đến từ Hollywood này sẽ mang lại hiệu quả ra sao nhưng mục tiêu mà họ đề ra xem chừng khó thực hiện ngắn hạn bởi theo bày tỏ của vị đại diện công ty đối tác của Sony Pictures tại Việt Nam: "Cố tình đi ngược sở thích, thị hiếu của khán giả hiện nay, chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ thất bại. Trong khi mục đích cuối cùng của chúng tôi vẫn là kinh doanh". Đơn vị này còn tiết lộ kết quả khảo sát của công ty cho thấy ngay cả khán giả tiểu học cũng tìm kiếm những ca khúc hit (ăn khách) của người lớn để thưởng thức chứ không phải là ca khúc thiếu nhi hợp lứa tuổi. Sự phát triển của công nghệ hiện đại khó ngăn cản sự tiếp cận của khán giả nhí với dòng chảy âm nhạc thời thượng.
Các nhà chuyên môn lo ngại nếu Sony Pictures tại Việt Nam vẫn chạy theo thị hiếu khán giả như hiện tại thì chẳng nên kỳ vọng có sự thay đổi gì về thị trường nhạc thiếu nhi như mong muốn của chúng ta.
Đất màu, người Việt bỏ hoang
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung khẳng định: "Thiếu nhi nghe, hát nhạc người lớn là do định hướng sai lầm của chính người lớn. Nếu được định hướng đúng, hẳn tình trạng thiếu nhi nghe, hát ca khúc người lớn đã không tràn lan và gây bức xúc như hiện tại".
Siêu mẫu Xuân Lan than thở khi đảm nhiệm vai trò bầu sô cho ca sĩ nhí Khánh Ngọc: "Các em nhỏ rất cần ca khúc mới để nghe, ca sĩ nhí cũng cần ca khúc mới để hát, nhưng không có. Không lẽ cứ hát mãi những bài cũ từ hàng chục năm trước, có khi không còn phù hợp". Mai Lâm, bầu sô bé Bảo An, nói: "Tìm ca khúc nhạc trẻ thì dễ nhưng tìm nhạc sĩ viết nhạc cho thiếu nhi để biểu diễn bây giờ quá khó".
Không thiếu những ca khúc thiếu nhi hay nhưng theo nhạc sĩ Minh Châu, phần lớn các ca khúc này đều đã lâu năm. Để khán giả thiếu nhi tiếp cận với những ca khúc này thì người sản xuất phải kỳ công làm mới, trong khi khâu làm mới hiện đang thiếu.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, với sự phát triển như hôm nay, khán giả dù là thiếu nhi cũng có những chuẩn mực nhất định trong thưởng thức. "Ai cũng nghĩ làm nhạc thiếu nhi chỉ cần viết vài câu đơn giản thôi là xong! Đơn giản nhưng vẫn phải tinh tế, có ý nghĩa, mang tính giáo dục, định hướng các giá trị chân - thiện - mỹ và phải được chuyển tải qua những giai điệu dễ thương, ca từ nhẹ nhàng, không sáo rỗng như kiểu hô khẩu hiệu! Cái khó nằm ở đó" - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung phân tích. Vậy nên, theo anh, dù là sản phẩm âm nhạc dành cho thiếu nhi cũng cần có những đầu tư đầy sắc màu về cả phần nhạc lẫn hình ảnh mới gây được chú ý.
Điều này cũng lý giải nhiều công ty đào tạo ca sĩ nhảy vào đầu tư kinh doanh thị phần nhạc thiếu nhi thời gian qua đã bỏ cuộc ngay khi dự án còn trên giấy. Nếu khai thác triệt để tài năng nhí theo kiểu tận thu (cứ cho hát nhạc người lớn) thì không sống được lâu nhưng nếu đầu tư kiểu bài bản (như mô hình đầu tư của các công ty nước ngoài đang nhảy vào Việt Nam) thì con đường dẫn đến thành công là rất dài. Đó là lý do ai cũng nhận thấy thị phần nhạc thiếu nhi rất màu mỡ nhưng cũng lắm rủi ro. Muốn khai thác kinh doanh được phải có chiến lược dài lâu, có đủ nguồn lực lớn để luôn tạo nên sự mới mẻ.
Nhu cầu mang tính thời đại
Công chúng Việt Nam không có thói quen trả tiền mua nhạc, lại càng không có nhu cầu mua vé đến xem thưởng thức âm nhạc khi họ đang được cung cấp đến mức thừa mứa qua sóng truyền hình và các kênh trực tuyến trên mạng. Tuy nhiên, dù nghe, xem miễn phí nhưng nhu cầu thụ hưởng của công chúng ngày càng cao. Không chỉ người lớn, trẻ em cũng đòi hỏi thưởng thức theo những chuẩn mực nhất định mang tính thời đại. Theo kết quả nghiên cứu từ một số công ty sản xuất chương trình truyền hình và đào tạo ca sĩ nhí hiện nay, khán giả nhí cũng đòi hỏi những chương trình có đầu tư cao về chất lượng, không chỉ là hình thức sân khấu mà còn là nội dung chuyển tải đến khán giả. Vì vậy nếu vẫn giữ tư duy cũ, sản phẩm làm ra không tìm được sự đồng cảm ở các em.
Bình luận (0)