Trân quý hiền tài
Gần 90 năm kể từ ngày rời xa quê hương, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo - "báu vật sống" của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ - đã có cái Tết Kỷ Hợi sum vầy bên người thân tại quê hương Đồng Tháp.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh năm 1918 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là phường 1, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Ông là nhà nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc dân tộc, trong đó có loại hình đờn ca tài tử; được xem là "quốc gia chi bảo" của đất nước với công lao rất lớn trong gìn giữ và làm cho đờn ca tài tử vang xa trên thế giới.
Năm 1972, ông cùng giáo sư Trần Văn Khê diễn tấu ghi âm đĩa "Nhạc tài tử Nam Bộ" cho hãng Ocora và UNESCO tại Paris - Pháp. Ông cũng được Chính phủ Pháp tặng Huy chương Nghệ thuật và Văn học.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (Ảnh do gia đình nhạc sư cung cấp)
Còn ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, được ví là "kiến trúc sư trưởng" đất sen hồng bởi ông bắt đầu sự nghiệp là một kiến trúc sư, học cao học quản lý kinh tế. Ông Lê Minh Hoan có nhiều đóng góp trong việc dẫn dắt, kiến tạo động lực phát triển vùng đất sen hồng bằng những chương trình, đề án mang tính đột phá, riêng có của Đồng Tháp. Đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật, ông luôn trân quý những giá trị bắt nguồn từ cội rễ của dân tộc, trong đó có nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ - một bộ môn được thế giới vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Vào một ngày, khi còn ở TP HCM, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo bất ngờ đón tiếp ông Lê Minh Hoan đến thăm. Nhìn thấy những bảng vàng vinh danh, từ trong nước đến nước ngoài ở nhà nhạc sư, ông Lê Minh Hoan cảm thấy thật áy náy và nặng lòng. Vì vậy, "tỉnh Đồng Tháp mong nhạc sư và gia đình nhận trước lời tri ân của lãnh đạo tỉnh cũng như của bà con Đồng Tháp" - ông Lê Minh Hoan đã nói.
Cuộc trò chuyện hôm ấy đã mở lối về quê hương sau 90 năm của người con xa xứ để cái Tết năm nay vỡ òa niềm hạnh phúc cho những ai trân quý đời sống văn hóa của một miền quê đã sản sinh ra rất nhiều nhân tài.
Nhạc sư năm nay đón Tết cùng với con cháu tại ngôi nhà do tỉnh Đồng Tháp vận động một số doanh nghiệp và gia đình cùng nhau đóng góp xây dựng. Căn nhà có diện tích khoảng 200 m2, nằm bên dòng kênh xanh, mát rượi, yên tĩnh ở TP Cao Lãnh. Điều bất ngờ hơn là nhà của Bí thư Lê Minh Hoan cũng cách đó không xa. Mỗi sáng, ông xách giỏ đi chợ, mua cá, mua rau đều ghé đến biếu nhạc sư bằng tấm lòng kính trọng.
Theo ông Lê Minh Hoan, trong bộn bề cuộc sống, có những sợi dây ràng buộc giữa danh và lợi, giữa giàu và nghèo, giữa lợi ích riêng và giá trị chung, mỗi người có lúc không tránh khỏi so đo hơn thiệt. Hãy gặp nhạc sư để tự mình cởi bỏ những sợi dây vô hình đó. Những ai cho rằng mình đã đủ kiến thức hãy lắng đọng nghe lời nhạc sư: "Điều tôi biết chỉ là hạt cát, điều tôi chưa biết mới là đại dương". Những ai bon chen để được "ăn trên - ngồi trước", "bề trên - phận dưới" hãy nghe lời tự sự: "Tôi tự ví mình như người cộng tác với người đương thời, nơi nương tựa của hậu thế, sẵn sàng chia sẻ những gì đã học, đã biết cho tất cả mọi người, bất phân già trẻ, màu da".
Đồng Tháp đang dày công tạo dựng và làm lan tỏa hình ảnh địa phương. Đó là đóa sen dưới đồng trên phố; là con gà Cao Lãnh "chân xanh, mắt ếch", là mênh mông mùa nước nổi, là xanh ngát những vườn cây, là bạt ngàn Tràm Chim, là rực rỡ làng hoa… Tất cả điều đó sẽ là không đủ một khi lãng quên những bậc "tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ", những người mở đất và giữ đất, những người làm rạng danh mảnh đất sen hồng.
"Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là một trong những người đã kết tinh tài hoa thành giá trị. Và giá trị đó mãi sẽ là hình ảnh vươn xa của Đồng Tháp. Vậy thì, mỗi người hôm nay đang ở ngay trên mảnh đất này sao không trân quý những giá trị do những bậc tiền bối tạo lập và truyền lại? Sao không vượt qua cái tôi để sống tốt hơn, yêu thương nhau hơn, cùng nhau gìn giữ và phát huy những báu vật tiền nhân trao cho để rồi tiếp tục trao lại cho thế hệ mai sau" - ông Lê Minh Hoan chia sẻ.
Tiếng đờn còn ngân mãi
Không chỉ trao tặng ngôi nhà để nhạc sư sinh sống cùng con gái, tỉnh Đồng Tháp còn xây dựng một không gian Nhà trưng bày Nguyễn Vĩnh Bảo - "Giai điệu và cuộc đời" của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo tại TP Cao Lãnh. Nơi này vốn là "Nhà thầy thuốc Lư" - tức nhà riêng của bác sĩ Lư, một trong những địa chủ lớn ở Cao Lãnh trước đây. Những hình ảnh, hiện vật của hơn 80 năm đúc kết nay được trưng bày trong không gian này.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sống vô cùng giản dị. Những ngày về quê hương Đồng Tháp, ông có thêm nhiều niềm vui vì ngoài những học trò và người yêu thích hòa đờn cùng ông, nhạc sư đã có thêm nhiều bạn trẻ là sinh viên lui tới nhà để tìm hiểu về âm nhạc dân tộc. Cả một cuộc đời nghiên cứu về âm nhạc và dạy đàn, đóng đàn, không chỉ sử dụng thành thạo các loại đàn ở vùng đất Nam Bộ, nhạc sư còn có công cải tiến các loại nhạc cụ dân tộc. Từ quá trình nghiên cứu, tự tìm đọc các tài liệu âm nhạc, ông đã mày mò cải tiến thành công đàn tranh 16 dây thành đàn tranh 17, 19, 21 dây vào những năm 1950 và mới đây nhất là đàn tranh 25 dây với kích thước và âm vực rộng hơn. Đến nay, đàn tranh do nhạc sư cải tiến đã được áp dụng rộng rãi trong giới sáng tác và biểu diễn âm nhạc truyền thống.
Bên cạnh việc cải tiến đàn, ông còn sáng tạo phương pháp ký âm nhạc ngũ cung (hò, xự, xang, xê, cống) truyền thống theo ký hiệu như nhạc phương Tây, giúp những ai muốn học nhạc cụ truyền thống có thể tự học và dễ tiếp thu. Ngoài ra, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo còn kiêm cả nghệ nhân đóng các loại đàn như: tranh, bầu, kìm, gáo...
"Tôi hãnh diện là người con của Đồng Tháp. Làm gì tôi cũng nhớ tôi là người Đồng Tháp chứ không phải nhớ tên mình là Vĩnh Bảo. Cái tên mình người ta có thể quên được nhưng Đồng Tháp thì không".
Nhạc sư Vĩnh Bảo và tác giả
Xuân về, đông đảo thanh thiếu niên đã đến tham quan, tham dự các chương trình đờn ca tài tử Nam Bộ, các buổi nói chuyện chuyên đề về âm nhạc dân tộc. "Mỗi phút giây trôi qua như mùa Xuân đã mang về thêm niềm tin mới, rằng thế hệ trẻ sẽ chung tay giữ gìn cội nguồn văn hóa nghệ thuật, từ việc trân quý những di sản nơi quê hương mình được sinh ra" - nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo tâm sự.
Bình luận (0)