Cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 trên chiến trường miền Nam là một trong những sự kiện có ý nghĩa chiến lược quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đã trở thành mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968-2018), Nhà Xuất bản Tổng hợp TP HCM vừa ra mắt bạn đọc 3 ấn phẩm mang tính ghi chép và nghiên cứu lịch sử đáng quan tâm:
"Tết!" - tác giả Don Oberdorfer, dịch giả Hà Nguyễn
Don Oberdorfer đến miền Nam Việt Nam từ năm 1965 với vai trò là phóng viên tờ The Washington Post. Một tháng trước khi xảy ra cuộc tấn công "Tết", ông có mặt ở Việt Nam dõi theo những diễn biến của cuộc tấn công. Cuối năm 1969, ông tiếp tục quay lại đây gặp gỡ nhiều nhân vật, thu thập thêm tài liệu và chấp bút viết bản thảo này ngay khi trở về Mỹ năm 1970. Cuốn sách xuất bản lần đầu năm 1971.
Bìa 3 cuốn sách của NXB Tổng hợp TP HCM
Chương đầu tiên của cuốn sách viết về cuộc tấn công vào Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn - trận đánh có ít người tham gia, ít thương vong nhưng lại gây chấn động dư luận Mỹ. Bảy chương tiếp theo viết về quá trình lên kế hoạch cho cuộc tổng tấn công; về cuộc chiến đấu ở Sài Gòn, Huế và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với những miêu tả vùng chiến sự ở miền Nam Việt Nam là những miêu tả về một cuộc chiến khác: cuộc chiến trong lòng nước Mỹ. Ở đó, người dân Mỹ bàng hoàng nhận ra lâu nay họ bị lừa dối bởi những lời tuyên truyền về "chiến thắng trong tầm tay". Sự kiện "Tết" đã làm họ thức tỉnh, ngày càng có nhiều nghị sĩ, nhà hoạt động chính trị đứng về phía người dân đấu tranh đòi chính quyền Tổng thống Johnson giảm bớt sự can dự của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
"Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 ở khu trọng điểm (Sài Gòn - Gia Định)" - tác giả: Hà Minh Hồng, Trần Nam Tiến
Tác phẩm là những khảo cứu chuyên sâu của PGS-TS Hà Minh Hồng và PGS-TS Trần Nam Tiến về chiến trường khu trọng điểm Sài Gòn - Gia Định (SG-GĐ), một hình thể chiến trường độc đáo và duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các chương của chuyên khảo trình bày một cách hoàn chỉnh về một không gian chiến trường và một hoạt động chiến tranh trong cuộc tổng tấn công; qua đó thể hiện khá rõ vai trò, vị trí của SG-GĐ, chỉ trong mấy ngày đầu Xuân, toàn bộ đô thành Sài Gòn và tất cả hậu phương an toàn nhất của địch đều bị tấn công, khiến thế và lực của địch trên chiến trường bị đảo lộn.
Cuốn sách giúp bạn đọc hiểu sâu hơn về chủ trương của Trung ương Đảng, yêu cầu Trung ương Cục miền Nam và Khu ủy SG-GĐ xây dựng kế hoạch tổng công kích theo Nghị quyết Quang Trung.
"Phụ nữ Sài Gòn - Gia Định và Nam Bộ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968" - nhiều tác giả
Đây là công trình của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tập hợp những bài nghiên cứu của nhiều tác giả chắt lọc từ tọa đàm năm 2013 với chủ đề "Phụ nữ SG-GĐ và khu Tây Nam Bộ trong Mậu Thân 1968"; từ lịch sử Đảng bộ các tỉnh, thành và ghi chép từ những nhân vật nữ trực tiếp tham gia Mậu Thân 1968.
Trong tổng tiến công và nổi dậy, cả miền Nam có hơn 2 triệu lượt phụ nữ vũ trang tham gia, giữ vị trí quan trọng trong chiến tranh du kích và tích cực đấu tranh với 3 mũi giáp công trên cả 3 vùng chiến lược.
Qua tác phẩm, nhiều tấm gương chiến đấu anh dũng của phụ nữ trong Tết Mậu Thân được vinh danh như: Đội nữ vũ trang tuyên truyền của cánh Hoa vận; tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng; đội quân tóc dài Bến Tre; hương sen Đồng Tháp; đội nữ pháo binh huyện Châu Thành tỉnh Cà Mau…
Bình luận (0)