Chưa có sự đột phá ở những vòng thi trước nhưng Lê Thị Diệu Hiền đã được Hội đồng Giám khảo chuyên môn đánh giá tốt qua vai nàng tiên vì yêu mà cãi lệnh trời, xuống hạ giới tìm hạnh phúc trong trích đoạn "Nàng tiên Mẫu Đơn" tại vòng chung kết xếp hạng.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê (trái), Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM và nhà báo Dương Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP HCM, trao giải cho thí sinh Lê Thị Diệu Hiền
Hội đồng Giám khảo chuyên môn và khán giả đều tiếc cho thí sinh Đỗ Thị Ngọc Huyền (dự thi với trích đoạn "Truyện cổ Bát Tràng") vì ban huấn luyện chọn trích đoạn quá nặng tâm lý trong một cuộc thi vinh danh bài vọng cổ. NSƯT Kim Phương, một giám khảo trong cuộc thi năm nay, cho rằng nhân vật có tâm lý quá nặng, chuyển biến nội tâm liên tục nên thí sinh phải dồn sức diễn mà không chú tâm khai thác nội lực từ làn hơi để ca cho đúng chữ đờn, không bị chao đảo, không mẻ nhịp.
Theo NSND Bạch Tuyết, công đoạn quan trọng của thí sinh là phải được phân tích tâm lý nhân vật thật thấu đáo. Cụ thể, thí sinh Tống Thị Yến Nhi dự thi với trích đoạn "Trắng hoa mai", diễn vai cô công chúa vì quá được cưng chiều mà hư hỏng, gây nên tội ác chứ bản chất không phải là người hiểm độc. Trong cách diễn, thí sinh đã thiếu sự ngây thơ qua từng ánh mắt, lời ca khi vô tình gây nên tội ác chỉ vì bị từ chối tình yêu từ một chàng thư sinh nhân nghĩa.
NSND Bạch Tuyết từng cho rằng sân khấu cải lương vốn được xem là bộ môn nghệ thuật bác học. Dù xuất phát điểm của những người làm cải lương có thể khác nhau nhưng tựu trung vẫn là hướng tới những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Tính nhân văn sâu sắc của bộ môn nghệ thuật này được nuôi lớn bằng giai điệu ngũ cung, được tích tụ từ nhiều tinh hoa của các bộ môn nghệ thuật, để trong "cải cách hát ca theo tiến bộ" luôn gửi gắm nhiều thông điệp, đồng thời thách thức bản lĩnh người làm nghề. Vì thế, bà và các nghệ sĩ thế hệ vàng của sân khấu cải lương luôn tâm niệm góp phần nâng niu viên ngọc quý của nghề, trong đó có việc trả lại đúng vị thế chuẩn mực của bài vọng cổ.
Cuộc thi Chuông vàng vọng cổ năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Hai vòng thi sơ tuyển và tuyển chọn lần đầu tiên đều diễn ra theo hình thức trực tuyến. Trong khi đó, trường quay hạn chế người xem nên không khí các đêm thi cũng giảm nhiệt. Tuy nhiên, ban tổ chức đã có nhiều nỗ lực để thu hút khán giả. Sân khấu thiết kế khá đẹp và bắt mắt. Mỗi đêm thi còn có phần livestream của các nghệ sĩ khách mời để tăng tương tác, từ đó vỡ òa hạnh phúc khi ban tổ chức nhận được hàng ngàn bình luận của người xem trong và ngoài nước.
"Thí sinh cố lên thì chúng tôi, thế hệ đã về chiều của sân khấu cải lương, cũng cố lên. Chính điều này đã truyền ngọn lửa đam mê, thắp sáng mãi tình yêu dành cho bài vọng cổ" - NSND Minh Vương nhấn mạnh.
Bình luận (0)