Điện ảnh Việt vẫn trên đà tăng trưởng về số lượng lẫn chất lượng nhờ vào thị hiếu ngày càng nâng cao từ khán giả. Những phim quá kém chẳng thể mong cơ hội "ăn may" nhờ vào diễn viên tên tuổi hoặc chiêu trò quảng bá "bẩn" như trước. Ở truyền hình, lượng phim miền Nam dần tăng và miền Bắc tiếp tục có những tác phẩm tạo chú ý dư luận.
Chất lượng đi cùng doanh thu
Phim đầu tiên vừa đạt chất lượng lẫn doanh thu được nhắc đến trong năm 2018 là "Chàng vợ của em". Tác phẩm đánh dấu sự trở lại của bộ đôi Charlie Nguyễn - Thái Hòa kể từ sau thất bại "Fan cuồng". Mặc dù là tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết "Busy woman seeks wife" của nhà văn người Anh Annie Ashworth và Meg Sanders nhưng phim đậm chất Việt qua cách kể chuyện của đạo diễn dày dạn kinh nghiệm Charlie Nguyễn. Anh đã mang đến cho khán giả câu chuyện về phụ nữ trẻ hiện đại, tài năng, nhiệt huyết với công việc. "Chàng vợ của em" được khen ngợi ở những tình huống hài duyên dáng, không lố như các tác phẩm trước của Charlie Nguyễn.
Cảnh trong phim “Chàng vợ của em”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Dù không được như "Em chưa 18" nhưng doanh thu của "Chàng vợ của em" vẫn đạt hơn 86 tỉ đồng, góp mặt trong tốp 5 phim doanh thu cao nhất lịch sử phòng vé Việt.
Cảnh trong phim “Tháng năm rực rỡ”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Phim "Tháng năm rực rỡ" Việt hóa từ tác phẩm "Sunny" của Hàn Quốc do Nguyễn Quang Dũng đạo diễn cũng tạo dấu ấn riêng. Phim được đánh giá Việt hóa tốt. Phần âm nhạc xuất sắc của phim cùng bối cảnh Đà Lạt thơ mộng cũng góp phần đẩy cảm xúc khán giả lên cao. Đây cũng là phim có doanh thu cao, được hơn 84 tỉ đồng.
Cảnh trong phim “Gạo nếp gạo tẻ”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Phim không được đánh giá cao về chuyên môn bằng 2 phim trên nhưng lại thành công về doanh thu còn có: "Siêu sao siêu ngố" của đạo diễn Đức Thịnh và "Lật mặt: 3 chàng khuyết" của đạo diễn Lý Hải. Trong đó, phim "Siêu sao siêu ngố" doanh thu 106 tỉ đồng còn "Lật mặt: 3 chàng khuyết" doanh thu 85 tỉ đồng. Hai phim có thông điệp nhân văn về tình yêu, tình cảm gia đình, tình bạn bè... dù cách kể chuyện chưa nhiều sáng tạo. Điện ảnh Việt 2018 cũng có một số phim được khen ngợi về chuyên môn nhưng không đạt doanh thu như kỳ vọng như: "Song lang", "100 ngày bên em", "Nhắm mắt thấy mùa hè", "Ống kính sát nhân", "Mùa viết tình ca"...
Cảnh trong phim “Quỳnh búp bê”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Hiệu ứng tốt với công chúng
Sau thời gian dài bị game show lấn át, thị trường phim truyền hình Việt ở miền Nam đã có sự khởi sắc trở lại khi những phim được sản xuất trước đó lần lượt được phát sóng. Một số dự án mới cũng được triển khai thay thế cho thể loại sit-com (hài tình huống) từng nở rộ và được xem như giải pháp tình thế trong giai đoạn phim truyền hình sụt giảm mạnh. Những phim tạo được chú ý phải kể đến: "Gạo nếp gạo tẻ", "Mật mã hoa hồng vàng"... Phim Việt hóa "Gạo nếp gạo tẻ" của biên kịch kiêm đạo diễn Hoàng Anh thu hút nhiều sự chú ý với diễn xuất tốt của dàn diễn viên có nghề mà nổi trội là NSND Hồng Vân. Các lời thoại, bối cảnh, tình tiết của phim được Việt hóa mang đậm màu sắc Việt. Ở miền Bắc, những phim truyền hình có chất lượng vẫn được Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam (VFC) cho ra đời đều đặn. Dù không lặp lại cơn sốt "Người phán xử" năm trước nhưng các phim này vẫn có được sự thu hút riêng: "Quỳnh búp bê", "Tình khúc bạch dương", "Ngày ấy mình đã yêu".
Nếu "Gạo nếp gạo tẻ" là tác phẩm được đánh giá cao về chủ đề tình cảm gia đình xoay quanh các mối quan hệ vợ chồng, mẹ vợ và con rể... thì phim "Quỳnh búp bê" của đạo diễn Mai Hồng Phong lại thu hút bởi nội dung nóng bỏng về nạn buôn người, kinh doanh trên thân xác phụ nữ.
Phim "Mật mã hoa hồng vàng" của đạo diễn Quách Khoa Nam hợp khẩu vị khán giả miền Nam khi lột tả những góc khuất tình cảm gia đình. Nhiều người trong giới nhận định dù có những ý kiến khác nhau về cách quảng bá phim "kém sang" như "Gạo nếp gạo tẻ" hay từng phải tạm ngừng để chỉnh sửa cho phù hợp hơn như "Quỳnh búp bê" nhưng đều là những phim truyền hình xứng đáng cho đề cử Giải Mai Vàng lần này.
Nâng tầm bối cảnh
Kể từ sau phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", bối cảnh được nâng tầm hơn trong phim Việt. Một số phim dù không được đánh giá cao về nội dung hoặc diễn xuất nhưng lại khiến người xem không ngớt khen ngợi bởi phần bối cảnh đẹp lung linh. Đó là phim Việt hóa "Yêu em bất chấp" với bối cảnh đẹp của TP Đà Nẵng. Phim truyền hình như "Tình khúc bạch dương" cảnh rất đẹp ở Nga lẫn Việt. Phim "Nhắm mắt thấy mùa hè" là vẻ đẹp của thiên nhiên Nhật Bản. "Em gái mưa" khám phá góc lãng mạn của Đà Lạt...
Bình luận (0)