Đó là nhận định của giới chuyên môn trước xu thế cạnh tranh ngày càng quyết liệt của các sàn diễn cải lương. Bởi nam diễn viên thường được gọi là kép giữ vai trò quan trọng. Tài năng của họ đã được phát huy khi có vai diễn hay, chạm đến trái tim khán giả.
Cải lương đa dạng về diễn xuất
Sau Liên hoan Sân khấu thủ đô, nhiều nam diễn viên cải lương đã tạo dấu ấn đẹp cho hành trang nghệ thuật. Nghệ sĩ (NS) Võ Minh Lâm với vai Lê Tư Thành (vở "Đêm trước ngày hoàng đạo"), "ca trong diễn, diễn trong ca" ứng biến ngoạn mục. Vai này anh gần như có mặt đủ các cảnh, đầy sức nặng tâm lý nhưng anh diễn nhẹ nhàng, thư thái, xử lý bài ca cổ rất độc đáo. Cũng trong vở diễn này còn có Nguyễn Minh Trường hóa thân xuất thần vai Nguyễn Trãi, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cho vở diễn chính sử mà Sân khấu Mới Đại Việt đã đầu tư, chăm chút.
Từ trái qua: Nghệ sĩ Hoàng Quốc Thanh vai Lê Văn Duyệt, Nguyễn Minh Trường vai Nguyễn Trãi, NSƯT Kim Tiểu Long vai vua Minh Mạng, NSƯT Thành Lộc trong vai “Nữ tướng”, Võ Minh Lâm vai Lê Tư Thành... là những ứng viên của Giải Mai Vàng 28
NSƯT Kim Tiểu Long vai vua Minh Mạng, NS Hoàng Quốc Thanh vai Lê Văn Duyệt và diễn viên trẻ Trọng Nhân vai Hoàng Tôn Đán (vở "Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên") là 3 vai diễn hay, thu hút người xem với nhiều cung bậc tình cảm thú vị. Xoay quanh những âm mưu thâu tóm vương quyền, nội dung vở diễn là chất xúc tác mạnh mẽ, khơi nội lực diễn xuất để mỗi nam diễn viên đưa sáng tạo của mình vào diễn xuất. Sự trưởng thành của Hoàng Quốc Thanh qua vai diễn này, cũng như trước đó là Vua quỷ trong vở "Nàng Xê Đa", đã cho thấy anh rất tinh tế trong diễn xuất, làm chủ cảm xúc của nhân vật.
Diễn viên Hoàng Hải với vai Lan Lăng Vương trong vở "Lan Lăng Vương nhập trận khúc" do chính anh làm bầu, đầu tư để lần đầu được thỏa mãn với vai kép chính, là một cố gắng đáng ghi nhận qua bản dựng đầy sinh động của đạo diễn Chí Linh. NS Điền Trung năm nay có vai người cha trong vở "Ai là thủ phạm" (Sân khấu Sen Việt) được đánh giá vươn xa khi thể hiện nhân vật với sự biến hóa tính cách độc đáo.
NS Minh Hải (Nhà hát Cải lương Việt Nam) trong lần vào TP HCM lưu diễn anh đã để lại nhiều tình cảm đối với công chúng khi thể hiện vai Nguyễn Tất Thành trong vở "Nợ nước non" (đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên). Vai diễn thể hiện rõ chí khí, cốt cách của vị lãnh tụ vì nước, vì dân. Cảm xúc của vai diễn thật đầy đặn, chạm đến trái tim khán giả bằng phong cách diễn xuất chững chạc, thiện nghệ.
Trong đợt quảng bá HCV Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2022, ba nam nghệ sĩ chiếm lĩnh cảm tình công chúng với Khánh Tuấn (vai Sâm vở "Tiếng vọng hang hòn"), Võ Thành Phê (vai Niễng trong vở "Sông dài") và Hải Linh (vai ông bầu trong vở "Miền nhớ" - tác giả Lê Duy Hạnh).
Bản lĩnh trong kịch nói
Không đa dạng trong diễn xuất thì khó mà vào được các vai đủ sức nặng để cuốn hút người xem. Nhận định này luôn có một ngôi sao sân khấu đủ sức minh chứng bởi năm nào anh cũng có vai hay và được giới chuyên môn đánh giá cao, đó là NSƯT Thành Lộc với nhiều hóa thân trong vai "Nữ tướng" (vở "A lô, lộ hàng" - Sân khấu IDECAF). Anh vẫn giữ vai trò "thủ lĩnh" trong diễn xuất, dung nạp cho vai diễn nhiều chất liệu từ cuộc sống, để độ tinh tế chiếm lĩnh các tuyến kịch và tạo sức hút mãnh liệt.
Trên sân khấu Hoàng Thái Thanh, vai ông Lê Trí của NSƯT Thành Hội là tâm điểm chú ý trong năm khi sàn diễn này đã nỗ lực dàn dựng vở mới, trong điều kiện hoạt động gặp nhiều khó khăn. Bù lại nhân vật đủ sức chinh phục khán giả khi đến với vở "Mùi của hạnh phúc" và cảm nhận sâu sắc về thông điệp của vở kịch, nơi NSƯT Thành Hội đã tạo nên dư âm đẹp, giúp người xem hiểu rõ hơn về một tình yêu đích thực cần và đủ cho một đời người thông qua vai diễn đầy cá tính của ông.
NS Chánh Trực có vai diễn khá thú vị trong vở "Giã từ thần men" (chùm kịch "Sướng quá xuân" - Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM). Vai diễn của anh nhẹ như không, cứ duyên dáng đi vào lòng người xem, để lại nhiều suy ngẫm cho khán giả trước nạn nghiện rượu, gây biết bao hệ lụy cho gia đình, xã hội.
Diễn viên Hoàng Phi (Sân khấu Kịch Sài Gòn phẳng - Nhà hát Thế giới trẻ) năm nay có vai chàng trai trong vở "Bật công tắc là yêu" (tác giả Lê Hoàng, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu) được xem là vai hay, có nhiều đất diễn, được anh chăm chút, tạo ấn tượng mạnh đối với khán giả thích kịch của tác giả Lê Hoàng. Anh đào sâu tính cách nhân vật, khắc họa đậm nét một cá tính độc đáo, luôn để lại nhiều suy ngẫm trong diễn xuất rất thông minh của mình.
Trên Sân khấu Kịch Phú Nhuận, hai nam NS có vai hay trong vở "Thương thì thương thế thôi" (cảm tác từ tác phẩm "Đời như ý" của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư), đó là Xuân Trang (vai ông Dương) và Tuấn Anh (vai Hai Đời). Cả hai đã mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả khi sống chân thật với vai diễn của mình.
Bình luận (0)