Nhìn tổng thể, sân khấu TP HCM đang có sự khởi sắc với sự sáng đèn của 9 sân khấu là mảnh đất rộng để diễn viên kịch và cải lương phát huy tài năng làm nghề. Nếu chất lượng những vai diễn trước đây còn đậm - nhạt thì năm 2019, mỗi sân khấu đều có vai diễn hay để công chúng chọn lựa tranh Giải Mai Vàng lần thứ 25 này.
Đa dạng trong diễn xuất
Đạo diễn Trần Minh Ngọc nhận định diễn viên kịch năm 2019 đã hướng đến sự đa dạng trong cách diễn, nhân vật của họ cuốn hút người xem nhờ vào tài diễn xuất của họ. Sân khấu IDECAF có nghệ sĩ Thành Lộc với vai trò lĩnh xướng trong diễn xuất. Bốn vai diễn mới của anh gồm: nhân viên bảo vệ trong vở "Cái đẹp đè bẹp cái nết", My Ly trong vở "Mơ giấc tình tình", Lĩnh trong vở "Gươm lạc giữa rừng hoa" và Ma Lanh Lê Lẫn trong vở "Truy tìm thủy long kiếm".
Nghệ sĩ Hoài Linh trong vở “Giấc mộng đêm xuân”
Mỗi vai diễn của nghệ sĩ Thành Lộc cho thấy sự tinh tế trong diễn xuất, để tính cách, tâm lý nhân vật thăng hoa và gieo cảm xúc đến khán giả. Đạo diễn Trần Minh Ngọc nhận xét: "Thành Lộc vào vai hết sức nhẹ nhàng, hóa thân thành công tính cách của nhân vật. Vai kịch nào Thành Lộc cũng biết cách làm cho nó thú vị. Mỗi vai diễn hội đủ những tố chất cần thiết để hóa thân và để lại cảm xúc".
Nghệ sĩ Hữu Châu trong vở “Mơ giấc tình tình”
"Năm nay, NSƯT Hữu Châu làm tôi xúc động hơn vì anh có các vai diễn ấn tượng như: Trưởng phòng hành chính trong vở "Cái đẹp đè bẹp cái nết", Ma Le Lê Lộn trong vở "Truy tìm thủy long kiếm", vị thần cai quản trong vở "Mơ giấc tình tình". Vai diễn nào anh cũng muốn khán giả hiểu rõ hơn tầm cao tư tưởng của tác phẩm, nên cách diễn có chiều sâu, chất chứa nỗi niềm da diết về thân phận con người trước thiện - ác, đúng - sai qua từng vai kịch, dù đó là vai phụ" - đạo diễn Ca Lê Hồng nhận xét.
Nghệ sĩ Thành Lộc trong vở “Mơ giấc tình tình”
Nghệ sĩ Kim Xuân có thêm vai diễn hay, đó là Hồng Tâm trong vở "Gươm lạc giữa rừng hoa". Nhà báo Cẩm Liên cho rằng đó là một vai đáng nể, không quá bi lụy trong cách tìm sự đồng cảm từ khán giả nhưng qua nét diễn của Kim Xuân đã thể hiện được cá tính gai góc của nhân vật, cố che giấu thủ đoạn để được sống với người mình yêu, rứt khỏi gia đình, để lại nỗi đau, sự tổn thương cho người chồng.
Nghệ sĩ Trọng Phúc và nghệ sĩ Thanh Ngân trong vở “Giấc mộng đêm xuân”
Trên sân khấu Kịch Phú Nhuận, nghệ sĩ Hồng Vân và Hoàng Sơn đã để lại ấn tượng đẹp với 2 vai diễn trong vở "Gác cũ". Đạo diễn Ca Lê Hồng nói bà bất ngờ với sự đa dạng hóa trong cách thể hiện nhân vật của 2 nghệ sĩ này. Hồng Vân diễn vai bà vú rất xúc động, còn Hoàng Sơn vào vai đạo diễn Nhật Nam hết sức tinh tế. Hai diễn viên này hỗ trợ cho dàn diễn viên trẻ của sân khấu Kịch Phú Nhuận, làm cho vở diễn "Gác cũ" thêm sinh động, thu hút khán giả.
Vai Lụa của diễn viên Lan Phương trong vở "Nốt ruồi máu" là một vai diễn cá tính, mà theo đạo diễn Trần Minh Ngọc: "Dù Lan Phương từng thể hiện nhiều vai hay nhưng với vai tính cách của một cô gái xấu xí, muốn trở thành ngôi sao trên sân khấu đã bất chấp thủ đoạn, đòi hỏi diễn viên có nội lực thật sự và sự tập trung cao độ mới lan tỏa tính tư tưởng của vở diễn đến khán giả thông qua số phận nhân vật. Lan Phương đủ lực hút khán giả qua diễn xuất tự tin của mình".
Trên sân khấu Hoàng Thái Thanh, nghệ sĩ Ái Như đã có thêm vai người mẹ thật xuất sắc, đó là vai bà Tư trong vở kịch "Bông hồng cài áo". "Đây là lần đầu tiên nghệ sĩ Ái Như đảm nhiệm 2 hình ảnh bà mẹ trong một vở diễn: Bà Tư bán tàu hũ và bà mẹ điên loạn vì bị mất con. Áp lực hơn vì những vai diễn này đã in đậm dấu ấn trong lòng khán giả với khả năng hóa thân xuất sắc của nghệ sĩ Bảy Nam và nghệ sĩ Kim Cương. Tuy nhiên, với sự nhạy cảm và tinh tế của mình, chị đã khắc họa hình ảnh 2 bà mẹ hết sức chân thật và đầy xúc cảm. Nỗi đau của bà mẹ nào cũng khiến khán giả rưng rưng. Có thể nói, với 2 vai bà mẹ trong "Bông hồng cài áo", Ái Như lần nữa nối dài những hình ảnh người mẹ rất đẹp, rất xúc động của mình trên sân khấu Hoàng Thái Thanh"- nhà báo Linh Đoan nhận xét.
Vai Kính của nghệ sĩ Thái Quốc trong vở "Lạc dòng" cũng được giới chuyên môn đánh giá cao. Theo nhà báo Linh Đoan: "Kính trong "Lạc dòng" là một trong những vai diễn để Thái Quốc chứng tỏ thực lực của mình. Đó là người đàn ông ruồng bỏ tình yêu để chạy theo ma lực của đồng tiền để rồi bị đồng tiền dẫn dụ, biến mình trở thành kẻ bạc nhược, ăn bám, tâm hồn bị lạc dòng đến mức bất chấp tất cả, gây ra những hậu quả khủng khiếp chỉ vì tiền, vì lợi ích cá nhân".
Nhiều vai phụ tỏa sáng bất ngờ
Lâu nay, khán giả chỉ quan tâm đến nhân vật chính do đào, kép chánh thể hiện trên sân khấu cải lương nhưng năm nay còn có nhiều vai phụ tỏa sáng bất ngờ.
Vở "Chuyện tình Khau Vai" của sân khấu mới Đại Việt có nhiều vai hay. Vai nàng Út của Quế Trân đã làm khán giả thổn thức. Vai chàng Ba của Quang Khải mang lại nhiều cảm xúc đẹp. Võ Minh Lâm gây ấn tượng với vai Cố Sầu gai góc, mạnh mẽ. Lê Tứ, vai người cha, truyền tải nhiều thông điệp đẹp đến người xem về sự hối lỗi, ăn năn. Trên sân khấu Nhà hát Trần Hữu Trang, vở "Giấc mộng đêm xuân" của đạo diễn Trần Ngọc Giàu đã cho nghệ sĩ Thanh Ngân thêm dấu ấn ca diễn đậm nét qua nhân vật cô Hai Xuân và nghệ sĩ Trọng Phúc với vai Tuấn. "Thích thú lắm khi xem cả hai ca diễn đúng chuẩn mực của bài vọng cổ, đồng thời thể hiện rõ sự khao khát được chạm tay đến hạnh phúc của 2 nhân vật chịu nhiều khổ sầu trong tình yêu. Trên hết, cả hai đã diễn đúng tâm trạng người nghệ sĩ yêu thánh đường sân khấu, dù khổ đau vẫn không bỏ nghề" - nghệ sĩ Thoại Miêu nhận xét.
Vũ Luân và Tú Sương đã có 2 vai diễn nổi bật trên sân khấu cải lương xã hội hóa: Hứa Tiên và Bạch Tố Trinh. Trong vở "Thái hậu Dương Vân Nga" của sân khấu Kim Ngân, nghệ sĩ Chí Linh để lại ấn tượng sâu sắc với nhân vật Lê Hoàn. Vở "Bao Công và sát thủ hoa hồng" của đạo diễn Chí Linh đã tạo thêm cơ hội để Võ Minh Lâm được công chúng yêu mến qua vai Triển Chiêu.
Với các vở diễn tuồng cổ của sân khấu Huỳnh Long, nghệ sĩ Bình Tinh tiếp tục tạo được sự yêu thích qua các vai diễn như: Xuân Liên trong vở "Mai trắng se duyên", Phi Giao trong vở "Xử án Phi Giao", Trương Hồng Loan trong vở "Loạn chiến Phụng Hoàng cung", Lưu Kim Đính trong vở cùng tên, Sở Vân trong vở "Tân anh hùng náo"… Nghệ sĩ Ngọc Giàu nhận xét Bình Tinh ngày càng chứng tỏ nội lực, thâm nhập vào tính cách các vai đào võ, đào văn rất tinh tế. Đáng khen là khi vận dụng vũ đạo vào vai diễn, Bình Tinh vẫn giữ được chất giọng, để thể hiện bài vọng cổ ngọt ngào.
Nhìn chung, các vai diễn ít nhiều khái quát được thân phận con người trong cuộc sống đương đại; tôn vinh được cái đẹp ở ý chí phấn đấu và hơn hết là hình thức diễn xuất thuyết phục người xem.
Những vai hài đáng nhớ
Trên sân khấu Kịch Thế Giới Trẻ, có nhiều vai diễn hài tạo được tiếng cười. Vở "Shipper tình yêu" (tác giả: Nguyễn Thu Phương, đạo diễn: Ngọc Hùng) có vai Kim của Khả Như, vai ông Luân của Tiểu Bảo Quốc, vai Thới Đen của Hoàng Phi. Vở "Người vô hình" (tác giả và đạo diễn: Bùi Quốc Bảo) có vai Tuấn của Hoàng Phi, vai Liễu của Puka, vai bà Năm của Phương Lan. Vở "Ngôi làng ma" (tác giả: Phan Ngọc Liên, đạo diễn: Ngọc Hùng) có vai Bang của Quang Tuấn, vai Nak của Diệu Nhi. Vở "Thanh Xà, Bạch Xà ngoại truyện" (tác giả: Nguyễn Bảo Ngọc, đạo diễn: Ngọc Hùng) có vai Thanh Xà của diễn viên Hải Triều, Bạch Xà của diễn viên BB Trần, vai Tiểu Xà của diễn viên Minh Dự.
Trên sân khấu cải lương, vở "Giấc mộng đêm xuân", nghệ sĩ Hoài Linh thể hiện vai anh bếp rất duyên dáng. Trong vở "Chuyện tình Khau Vai", nghệ sĩ Linh Trung diễn vai thầy cúng đem lại tiếng cười thú vị cho khán giả.
Trên sân khấu Kịch Sài Gòn, nghệ sĩ Hữu Nghĩa cũng mang lại nét hài hước thú vị qua các nhân vật: ông Năm trong vở "Áo cho người chết", Minh trong vở "Quỷ linh chi"...
- Đề cử trên mobile vào link: https://nld.com.vn/de-cu-giai-mai-vang-2019.htm
- Đề cử trên máy tính, vào link: https://maivang.nld.com.vn/de-cu-giai-mai-vang-2019.htm
Bình luận (0)