Điện ảnh Việt Nam mở đầu năm 2020 với thành công lớn của phim "Gái già lắm chiêu 3" do Bảo Nhân - Nam Cito đạo diễn. Sau đó là giai đoạn ảm đạm vì hai đợt bùng dịch Covid-19. Gần đây, phim "Ròm" của đạo diễn Trần Thanh Huy ra rạp, khuấy động lại phòng vé.
Phim điện ảnh mở hướng đi mới
Phim "Gái già lắm chiêu 3" gặt hái doanh thu 168 tỉ đồng, nối tiếp câu chuyện phần 2 khi chuyện tình nhân vật Ms Q (Ninh Dương Lan Ngọc đóng) và Jack (Lê Xuân Tiền đóng) tiến triển thêm một bước.
Cảnh trong phim “Gái già lắm chiêu 3”
Jack đưa Ms Q về quê ở Thừa Thiên - Huế dự sinh nhật bà nội (NSND Hồng Vân đóng) cũng như ra mắt gia đình. Tại đây, Ms Q vấp phải sự phản đối của mẹ Jack là bà Thái Tuyết Mai (NSND Lê Khanh đóng) - một ngôi sao đã lui vào hậu trường từ khi về làm dâu hào môn.
Phim quy tụ dàn diễn viên chất lượng, diễn xuất tốt. NSND Lê Khanh và NSND Hồng Vân có những phân đoạn đối diễn ấn tượng. Phim bị không ít điểm trừ ở phần kịch bản, lỗ hổng đường dây câu chuyện. Dù chưa thỏa mãn toàn bộ khán giả nhưng đây là tác phẩm được đầu tư công phu từ phía sản xuất.
Phim "30 chưa phải Tết" của đạo diễn Quang Huy và "Đôi mắt âm dương" của đạo diễn Nhất Trung cũng thu hút chú ý của công chúng. Trong đó, "30 chưa phải Tết" là tác phẩm điện ảnh Việt Nam đầu tiên khai thác chủ đề vòng lặp thời gian. Nhân vật Hân (Trường Giang đóng) mắc kẹt trong vòng lặp này cho đến khi tận dụng cơ hội để tìm hiểu và giải tỏa khúc mắc bao năm với cha mình. Kịch bản rối rắm, nhiều chi tiết thiếu hợp lý nên khán giả khó hiểu khi xem.
"Đôi mắt âm dương" thuộc thể loại kinh dị, thể loại hiếm hoi mạo hiểm ra rạp dịp Tết nguyên đán. Phim quy tụ dàn diễn viên diễn xuất tròn vai nhưng cũng gặp một số hạn chế về kịch bản.
Phim "Nắng 3: Lời hứa của cha" do Đồng Đăng Giao đạo diễn là tác phẩm tiếp theo trong loạt phim "Nắng", tập trung khai thác chủ đề gia đình. Kịch bản đôi lúc còn những chi tiết thiếu hợp lý, chưa thuyết phục hoàn toàn khán giả.
Không gặt hái doanh thu cao nhưng các phim: "Truyền thuyết về Quán Tiên" (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ), "Hoa hậu giang hồ" (đạo diễn Kay Nguyễn), "Bằng chứng vô hình" (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh) được đầu tư chỉn chu, tâm huyết từ việc chọn bối cảnh, diễn viên, góp phần tạo sự đa dạng cho thị trường phim Việt năm 2020.
Để vực dậy phòng vé, phim "Ròm" (đạo diễn Trần Thanh Huy) được tung ra ngay sau đợt dịch Covid-19 thứ hai. Phim khai thác chủ đề về nạn đánh đề, vay nặng lãi của những người lao động nghèo ở đô thị và cuộc sống vật lộn đầy gian truân trong thế giới "cò đề" của những đứa trẻ đường phố.
Cảnh trong phim “Ròm”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
"Ròm" kể câu chuyện rất chân thật, gần gũi đời thường, soi rọi được góc khuất trong cuộc sống người lao động nghèo khổ. Tuy nhiên, phim vẫn còn một số đoạn rời rạc; nhất là về cuối, một số chi tiết bị bỏ lửng khiến khán giả khó hiểu. Những đoạn cao trào chưa đẩy được cảm xúc đến tận cùng. "Ròm" chạm mốc doanh thu 30 tỉ đồng chỉ sau 3 ngày đầu công chiếu.
Phim truyền hình khởi sắc
Cũng chịu không ít sức ép từ đại dịch Covid-19 nhưng phim truyền hình Việt Nam có một năm khởi sắc với nhiều tác phẩm chất lượng.
"Những ngày không quên" (NSƯT Danh Dũng và Trịnh Lê Phong đạo diễn, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam - VFC sản xuất). Phim tái hiện đời sống ở thành thị và nông thôn trong giai đoạn dịch bệnh để kêu gọi nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng.
Phim "Đừng bắt em phải quên" của đạo diễn Vũ Minh Trí quy tụ dàn diễn viên tên tuổi: NSND Như Quỳnh, NSƯT Kim Oanh, NSƯT Hoàng Hải, Quách Thu Phương, Quỳnh Kool, Thanh Sơn… Phim xoay quanh câu chuyện gia đình của Ngân (Quách Thu Phương đóng) - Luân (Hoàng Hải đóng), mối tình của Ngọc (Quỳnh Kool đóng) và thầy giáo Duy (Thanh Sơn đóng). "Những ngày không quên" bị chê nhiều ở giai đoạn đầu về tình tiết vô lý, xa rời thực tế nhưng lại thu hút khán giả ở cuối phim. Đây là trường hợp khá lạ vì đa phần phim truyền hình Việt hay rơi vào tình trạng "đầu voi, đuôi chuột".
Khai thác về cuộc sống giới trẻ hiện đại, khát vọng khởi nghiệp, phim "Nhà trọ Balanha" của đạo diễn Nguyễn Khải Anh, Việt hóa từ tác phẩm Hàn Quốc "Welcome to Waikiki" của đài JTBC. Phim quy tụ được dàn diễn viên trẻ, đẹp với những tình tiết hài hước; đan xen vào câu chuyện khởi nghiệp là chuyện tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình. Trong khi đó, phim "Tình yêu và tham vọng" do Bùi Tiến Huy đạo diễn, làm lại từ phim Trung Quốc có tên "Thế lực cạnh tranh", càng về cuối càng nhạt nhòa. Nữ chính Diễm My 9X bị chê diễn xuất nhưng bù lại dàn diễn viên nam mà nhất là Nhan Phúc Vinh, Mạnh Trường được đánh giá cao về diễn xuất nội lực.
Tác phẩm đầu tư chỉn chu, tâm huyết và được xem là một trong những ứng cử viên khá nặng ký của đề cử Giải Mai Vàng lần thứ 26-2020 là "Cát đỏ" của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Phim lấy bối cảnh ở vùng cồn cát Bình Thuận, xoay quanh số phận của 3 người phụ nữ: Đủ, Nhớ và Nhan. Các nhân vật được khắc họa chân thật từ lời thoại cho đến cách sinh hoạt. Dù sống nghèo khó ở vùng đầy nắng, cát, họ vẫn tràn đầy yêu thương, muốn vượt lên số phận để đạt được hạnh phúc, tình yêu.
Cùng khai thác chủ đề về tình cảm gia đình, cả hai phim "Mẹ ghẻ" của đạo diễn Trương Dũng và "Dâu bể đường trần" của đạo diễn Xuân Phước đều chinh phục khán giả bằng câu chuyện đậm chất vùng Tây Nam Bộ. Bên cạnh các dòng phim khác thì màn ảnh nhỏ 2020 còn có các phim dòng chính luận được đánh giá cao như "Lựa chọn số phận" của đạo diễn Mai Hồng Phong, "Sinh tử" của đạo diễn NSND Khải Hưng và NSƯT Mai Hiền.
Các phim mới tiềm năng
Ra mắt khán giả màn ảnh nhỏ chưa lâu nhưng 2 phim "Vua bánh mì" phiên bản Việt của đạo diễn Nguyễn Phương Điền (phát sóng trên THVL1 từ ngày 22-9) và "Trói buộc yêu thương" (phát sóng trên VTV3 từ ngày 21-9) của đạo diễn Lê Hùng Phương tạo được sức hút lớn với khán giả. Cả hai phim được đánh giá là "bom tấn" của truyền hình Việt và cũng có nhiều khả năng cạnh tranh trong đề cử Mai Vàng năm nay.
Bình luận (0)