Ấy vậy mà khi thổi đến châu Á "Avengers: Endgame" phải chịu dừng lại không chỉ trước 1 mà là 2 bộ phim nội địa: "Detective Conan: The Fist of Blue Sapphire" của Nhật Bản và "Miss & Mrs. Cops" của Hàn Quốc. Điều này góp phần vực dậy tinh thần cho những nhà làm phim trong nước, không nên dễ bị hù dọa bởi những cái mác bom tấn quốc tế.
Nhưng nói đi cũng nói lại, để đối đầu với một siêu phẩm Hollywood được chờ đợi hàng năm trời, nhà sản xuất của 2 bộ phim kia cũng đã có những tính toán. Riêng nhà sản xuất của phim "Conan" không chỉ thủ hòa mà còn giành thắng khi cho ra mắt bộ phim ngay lúc "Avengers: Endgame" đang ở cực điểm doanh thu cũng như độ phủ sóng truyền thông.
Không hề e dè trước đối thủ, các nhà làm phim "Conan" còn tạo một sự kiện quảng bá liên kết 2 bộ phim "Avengers: Endgame" và "Detective Conan: The Fist of Blue Sapphire" bằng cách tạo ra một trang web có thông tin cơ bản của cả 2 bộ phim. Thêm nữa, nếu thông điệp truyền thông của các nhà làm phim Hollywood là "siêu phẩm 10 năm" thì "Conan" chính là người bạn đồng hành với khán giả hơn 20 năm nay. Không ai thuộc thế hệ 8X, 9X thậm chí là thế hệ sinh từ năm 2000 trên khắp thế giới cũng như Việt Nam mà không biết bộ truyện tranh "Thám tử Conan" của họa sĩ Aoyama Gosho.
Poster phim “Detective Conan: The Fist of Blue Sapphire”
Đi ra từ truyện tranh, những bộ phim hoạt hình chuyển thể và cả phim live-action (phim do người đóng), "Conan" trở thành một thương hiệu toàn cầu, cũng là niềm tự hào của nền văn hóa truyện tranh Nhật Bản bên cạnh Doraemon, Naruto hay "Bảy viên ngọc rồng"... Việc ra mắt tới phần 23 của loạt phim "Thám tử Conan" chẳng những các nhà làm phim không e sợ khán giả nhàm chán mà còn tự tin về chất lượng của nó, khi giữ vững phong độ qua từng năm chứ không trồi sụt như các phần tiếp theo mà khán giả thường thấy ở các phim Hollywood.
Tự tin về văn hóa của chính mình, các nhà sản xuất Nhật không sợ thua những đối thủ phương Tây trên sân nhà. Trái lại, họ làm cuộc "phản công" ngay trên kinh đô Hollywood khi mới đây bộ phim "Pokémon: Detective Pikachu" gây nên cơn sốt phòng vé trên toàn cầu. Đi ra từ trò chơi điện tử, Pokémon hay thường được biết đến ở Việt Nam với tên gọi "Bửu bối thần kỳ" dần khẳng định sức lan tỏa của mình khi bộ phim hoạt hình cùng tên ra đời vào cuối thập niên 1990 đến này đã có hàng ngàn tập phim và chưa có dấu hiệu dừng lại.
"Pokémon: Detective Pikachu" là một phim Hollywood 100% với sự tham gia diễn xuất của ngôi sao Ryan Reynolds. Công bằng mà nói thì kịch bản phim này nhạt nhẽo, thiếu đột phá so với những phim hoạt hình Pokémon đã ra đời trước đó. Nhưng hiệu ứng của nó thì không nhỏ chút nào. Sức hấp dẫn của bộ phim không phải từ diễn viên được yêu thích mà chính nhờ nhân vật Pikachu, phải nói dù được dự đoán là không hay như hoạt hình nhưng khán giả vẫn kéo đến rạp để xem lần đầu tiên Pikachu xuất hiện trong một bộ phim người đóng thế nào.
Cuối tháng 5 này, hãng phim hàng đầu thế giới Warner Bros hợp tác cùng hãng Lengedary để cho ra đời bộ phim "Godzilla: King of the Monsters". Nhân vật chính là con quái vật xấu xí đến từ nước Nhật: Godzilla. Xuất hiện lần đầu trên màn ảnh vào năm 1954, sau 65 năm, Godzilla đã trở thành "biểu tượng" toàn cầu. Năm 1996, nhân vật hư cấu này giành giải thưởng Thành tựu trọn đời MTV và được trao một ngôi sao trên đại lộ danh vọng ở Hollywood vào năm 2004 bên cạnh các tên tuổi nổi tiếng của ngành công nghiệp điện ảnh.
Mỗi đất nước đều có nền văn hóa đáng tự hào của riêng mình, nền văn hóa đó cho phép nó tự đề kháng trước những cuộc đồng hóa khác. Các trường hợp tiêu biểu trong lĩnh vực điện ảnh ở trên chỉ nói được phần nào về niềm tự hào của từng dân tộc trước những đối thủ lớn, trong thời buổi thế giới ngày càng phẳng hơn, người ta sợ hãi mình đánh mất bản sắc và bị hút trọn vào phía trung tâm.
Bình luận (0)