Tọa đàm có sự tham gia của nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc, TS Mai Mỹ Duyên, NSƯT Hoa Hạ, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, tác giả Trương Huyền (Cao Đức Trường), soạn giả Đăng Minh, nghệ sĩ Bạch Long, NSƯT - nhạc sĩ Minh Tâm, TS-NSƯT Hải Phượng, tác giả Lê Nguyễn Trường Giang…
Nhiều ý kiến tại tọa đàm cho rằng nghệ thuật cải lương tuồng cổ của TP HCM qua tài năng của 2 gia tộc Minh Tơ, Huỳnh Long đã tạo được những thành tựu quý giá, đáng trân trọng. Khởi đầu từ việc vay mượn âm nhạc, trình thức vũ đạo của nước ngoài, NSND Thanh Tòng đã nghiên cứu công trình khoa học "Từ hát bội đến cải lương tuồng cổ" (1988-1989), đúc kết những mặt được và hạn chế của bộ môn này; định hình chất liệu riêng cho cải lương tuồng cổ Việt Nam, "tách" khỏi cải lương Hồ Quảng và tuồng tích của Trung Quốc, hình thành những kịch bản sử Việt như: "Câu thơ yên ngựa", "Tô Hiến Thành xử án", "Bức ngôn đồ Đại Việt", "Cánh nhạn mù sương"…
Nghệ sĩ Bạch Long phát biểu tại tọa đàm “Vai trò của cải lương tuồng cổ TP HCM từ năm 1975 đến nay”. (Ảnh: CHÂU NHẬT TÍN)
Năm 1981, Hội Sân khấu TP HCM đã tổ chức lớp tập huấn sáng tác kịch bản sử Việt. Sau đó, các cây bút sâu sắc như: Thanh Tòng, Bạch Mai, Bo Bo Hoàng, Bửu Truyện, Thanh Bạch (chồng nghệ sĩ Bạch Lê)… gây chú ý và thành danh. Lực lượng này đã cho ra đời rất nhiều kịch bản hay.
Theo tác giả trẻ Lê Nguyễn Trường Giang, anh đã viết 6 kịch bản sử Việt, rất cần sự hỗ trợ để quảng bá kịch bản đến khán giả yêu cải lương tuồng cổ. Đồng quan điểm, ông Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc Nhà hát Kịch IDECAF - nhìn nhận cần sớm có sự đầu tư cho kịch bản sử Việt. Song song với những kế hoạch hỗ trợ về kịch bản sử Việt, ông Tuấn còn đề xuất các cơ quan chức năng cần có cơ chế hỗ trợ giá thuê rạp cho việc công diễn các vở cải lương sử Việt.
"Khoản hỗ trợ này sẽ giúp các đơn vị xã hội hóa giảm đáng kể gánh nặng kinh phí cho việc thuê mặt bằng biểu diễn, tạo thuận lợi cho các vở sử Việt phục vụ công chúng" - ông Huỳnh Anh Tuấn nhấn mạnh.
Bình luận (0)