Tấm màn nhung mở ra là cả một tuổi thơ của Trần Quế Sơn ùa về. Anh mặc bộ bà ba nâu chàm, mang guốc mộc đứng sau bức tranh trúc, làm người kể chuyện đưa người xem lạc bước vào cõi quê xa xăm. Nơi đó có tiếng suối róc rách, tiếng chim ríu rít cùng tiếng đờn cò kèn lá của ông ngoại, đan xen là giọng cười trong trẻo của mấy thôn nữ xã Quế Hiệp và tiếng ba mẹ anh gọi í ới giữa buổi hoàng hôn chập choạng: "Tám ơi, về ăn cơm bớ Tám" đậm rặt chất xứ Quảng.
Nhạc sĩ Trần Quế Sơn trong vai người kể chuyện
"Bàn chân bước người đi về một thuở/Lá phân vân bờ bến cát sương rung/Trời khuya khoắt phiêu du trăng bỡ ngỡ/Người đi đâu sông nước lạnh vô cùng…", tác giả ca khúc "Thưa các em miền Nam" đang được khán giả yêu thích bộc bạch về mối lương duyên với Bùi thi sĩ thật kỳ lạ, hiếm thấy: "Tôi yêu và kính trọng cố thi sĩ Bùi Giáng không chỉ vì ông là dịch giả của rất nhiều sách như: "Cõi người ta", "Dưỡng chất trần gian", "Mùi hương Xuân sắc", "Ngộ nhận", "Hoàng tử bé"... mà còn là tác giả của những tập thơ: "Mưa nguồn", "Đêm ngắm trăng", "Như sương", "Lá hoa cồn", "Màu hoa trên ngàn". Có khi cả mấy tháng trời tôi chẳng sáng tác được ca khúc nào nhưng cũng có khi chỉ vài mươi phút đã xong một bài. Năm 2011, tôi như thể được cụ Bùi Giáng nhập. Trong khoảng 10 ngày mà tôi cảm phổ thơ ông gần 20 ca khúc. Tôi yêu thơ ông vì thơ ông tất cả đều có tính nhất quán, thơ mộng, đầy sáng tạo, tâm hồn thánh thiện, bát ngát, giàu tình yêu thương với con người và thiên nhiên".
Các ca khúc "Chào nguyên xuân", "Người yêu của tôi", "Gót son lấp vùi", "Nghìn buổi chiều", "Thôn nữ"… mà nhạc sĩ Trần Quế Sơn lấy cảm hứng từ những bài thơ đầy "bí hiểm" của Bùi Giáng được các nghệ sĩ: Hoàng Nguyên, Trúc Lai, Uyên Nguyên biểu diễn trong tiếng nhạc trầm bổng của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM, dàn hợp xướng Saigon Choir, nhóm bè Cadillac… giữa một không gian quê hương bàng bạc, căn nhà tranh vách đất đầy chất thi họa.
Đêm tri âm "Cõi quê" đầy cảm xúc, thấu cảm thơ - nhạc. Ảnh: TRÀ CỦ LỦ
Nhân vật "bí ẩn" của đêm nhạc "Cõi quê" được giữ kín đến phút chót là giọng ca nồng nàn Siu Black. Khác với phong cách rực lửa quen thuộc, Siu Black đã khiến khán phòng chòng chành, lắng đọng trong những giai điệu, ca từ nhẹ nhàng của "Hạt sương và cọng cỏ" trong trẻo bằng tình yêu thuần khiết, đầy khát khao của chị.
Dịp này, Trần Quế Sơn còn công bố thêm những ca khúc mới của anh như: "Hạt sương và cọng cỏ", "Con cóc", "Con rùa", "Nàng tiên của đời anh"… Đan xen trong đêm nhạc "Cõi quê", khán giả còn được dịp nghe lại nhiều ca khúc đã làm nên một tên tuổi Trần Quế Sơn vững chãi trong âm nhạc: "Vì anh đấy thôi", "Thôn nữ", "Một thời dấu yêu", "Tình quê", "Yêu cái mặn mà", "Cắt tóc", "Tre Việt Nam"… Đặc biệt, với tiếng hát Tùng Dương, Trần Quế Sơn đã cho khán giả nhiều giây phút lắng đọng với một tình mẹ cha bao la và sự hiếu thảo của những đứa con dành cho đấng sinh thành trước ngày Vu lan bằng ca khúc "Cõng mẹ đi chơi" đong đầy cảm xúc. Điều không có trong kịch bản là đạo diễn Tuấn Lê bất ngờ đưa hình ảnh thật người mẹ tảo tần của Trần Quế Sơn xuất hiện trên màn hình đã khiến anh ngồi bật khóc như đứa trẻ…
Đêm "Cõi quê" khép lại đan xen giữa mộng và thực, khoảnh khắc con người được trở về cõi yêu thương nguồn cội, ngắm nhìn trần gian bằng tất cả sự thánh thiện, hiền lành và thơ mộng nhất trong những xúc cảm thơ nhạc rất thật và đời giữa Bùi Giáng và Trần Quế Sơn, như cố gắng xoa dịu đi khổ đau, mất mát bủa vây cuộc trăm năm dâu bể phận người.
Trần Quế Sơn, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tốt nghiệp chính quy Khoa Sáng tác Nhạc viện TP HCM, từng nhận nhiều giải thưởng lớn: Giải nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2004 (ca khúc "Tre Việt Nam"), giải ba Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2005 (ca khúc "Mưa gió biên cương"), giải nhất Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2004 (ca khúc "Cõng mẹ đi chơi").
Bình luận (0)