Trường nghỉ học vì mưa bão, từ Nha Trang, Vũ đón tàu hỏa vào TP HCM. Dễ cũng hơn một năm rồi, chúng tôi - gồm tôi, Vũ và những người bạn mới có dịp gặp nhau. Thật ra, chúng tôi vẫn "nhìn" thấy nhau trên Facebook, nhưng cảm giác ấy sao so sánh với lúc này, khi được ngồi bên nhau. Được tận mắt nhìn thấy nét cười của bạn mình, tận tai nghe cái giọng có chút đơn đớt và nằng nặng của dân miền biển.
Năm ấy, Vũ vào TP HCM học trường sư phạm. Là dân Toán nhưng Vũ lại có thêm đam mê viết lách. Giống như tôi, Vũ cũng từng cộng tác đều đặn cho một tờ báo học trò lúc còn học cấp 3. Chính vì đam mê này đã kết nối chúng tôi lại với nhau. Trong thời gian ở TP phương Nam này, Vũ xuất bản được một số đầu sách, trong đó có một cuốn tên là Ở trọ Sài Gòn - cái tên như nói thay thân phận của rất nhiều người, trong đó có tôi.
Kết thúc 4 năm đại học, Vũ bắt đầu hành trình đi tìm việc làm. Nhưng cơ hội việc làm ấy không phải dễ dàng với một sinh viên tỉnh lẻ. Để sống qua ngày, Vũ đi dạy thêm, rồi viết cái này cái kia trong căn phòng trọ chật hẹp bên quận 10, TP HCM. Một phần vì gia đình, phần vì tìm việc không dễ nên khi cuốn sách kia ra mắt không lâu Vũ chuyển về Nha Trang, chấm dứt quãng đời ở trọ. Vũ rời TP HCM tháng trước, tháng sau thì Tuấn - một người bạn chung của tôi và Vũ cũng rời TP HCM để về quê, một tỉnh dưới miền Tây Nam Bộ, theo nghề dạy học.
Nghĩ đến Vũ, tôi chợt nhớ đến câu chuyện của mình.
Nhiều người trẻ thích uống cà phê bệt ở công viên 30-4 quận 1, TP HCM Ảnh: THẢO NGHI
Tôi vào TP HCM ngày 15-9-2009, ngay khi vừa tốt nghiệp đại học gần 3 tháng. Từ Hà Nội, tôi cùng một người bạn nữa lẳng lặng mua vé máy bay để vào một vùng đất mà mình chưa bao giờ đặt chân đến. Ngày ấy, tôi chỉ nghĩ rằng, mình còn trẻ, cũng nên biết đây biết đó rồi sau một thời gian lại quay về Hà Nội.
Thời gian đầu mới vào TP HCM, tôi gặp khá nhiều khó khăn khi đi tìm việc. Mặc dù vẫn cộng tác với nơi này nơi kia, còn được một người bạn cưu mang theo đúng nghĩa khi không lấy tiền nhà lẫn tiền ăn. Nhưng rồi cảm giác chênh vênh, lo lắng vẫn luôn thường trực vào mỗi sáng sớm thức dậy. Cuối cùng, sau một năm Nam tiến, tôi quyết định gom tất cả đồ đạc lẫn xe máy quay ngược ra Hà Nội. Cũng bởi lúc đó, tôi nhận được lời hứa hẹn về công việc tại một tòa báo.
Tuy nhiên, khi công việc không đúng như kế hoạch, lập tức tôi quay lại TP HCM. Nghe, đọc về sự bao dung, nghĩa tình của nơi này từ lâu nhưng phải đến lúc đó tôi mới thực sự thấm thía. Bởi tôi nhận ra một điều: thành phố này không từ chối bất kỳ ai, kể cả những người từng có ý định bỏ thành phố mà đi như tôi. Đó là sự bao dung, ấm áp mà không phải vùng đất nào cũng có.
Thời gian thấm thoát trôi, sau cái lần tôi rời đi rồi trở lại ấy, đến giờ tôi cũng đã có hơn 10 năm sống ở TP HCM.
Những năm đầu, cứ đến ngày 15-9, tôi cùng người bạn năm xưa lại gặp nhau, như là cách để nhớ về ngày chúng tôi đã cùng nhau đặt chân đến đất này. Thật lạ lùng, về sau này, có lẽ một phần vì công việc bận rộn nên mặc dù thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp nhau nhưng không ai còn nhắc về kỷ niệm ngày 15-9, hay phải vào gặp nhau vào ngày này nữa. Cũng có thể, cả tôi lẫn người bạn kia đều đã thấy mình thuộc về thành phố này. Đã hơn 10 năm rồi còn gì!
Lần tái ngộ với Vũ làm thức dậy trong tôi về những tháng ngày xưa cũ. Một đôi lần, có chủ đích hay tình cờ đi lạc vào góc đường Pasteur - Alexandre de Rhodes, tôi lại nhớ về Vũ và Tuấn, về những buổi chiều chúng tôi đã ngồi bên nhau nơi quán cà phê bệt. Đứa gọi ly nước ngọt, đứa ly cà phê sữa đá rồi ngồi hàng giờ bên góc đường mà nói chuyện trên trời dưới bể. Nhiều nhất vẫn là những câu chuyện liên quan đến bài vở, chuyện nhuận bút. Nghĩ lại, đó quả thực là những ngày "nghèo mà vui"!
Giờ thì những ngày đó không còn nữa, khi chúng tôi mỗi người đã ở mỗi nơi. Chỉ là mỗi lần đi qua góc đường Pasteur - Alexandre de Rhodes, lòng tôi không dưng mà cộm lên. Thay vào chỗ chúng tôi thường ngồi ngày trước là nhóm các bạn trẻ. Họ ngồi đó và nói cười râm ran như như chúng tôi ngày xưa. "Không biết trong số đó, ai sẽ sắp sửa rời xa thành phố này, họ có còn nhớ "những ngày ôi hè phố xôn xao" nữa hay không?".
Bất giác tôi tự hỏi, rồi cũng ngay lập tức, tôi vội vàng giũ bỏ ý nghĩ ấy ra khỏi đầu. Bởi có lẽ điều đó cũng không mấy quan trọng, khi thành phố này đã chứng kiến biết bao nhiêu người đến, đi rồi ở lại. Như tôi, như Vũ, như Tuấn. Miễn là trong lòng chúng ta vẫn còn một khoảng nào đó dành cho TP HCM. Chỉ cần vậy thôi!
Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"
Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải
Nhận bài dự thi từ ngày 10-4-2021. Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.
Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021)
Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.
Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)