Từ lúc được xuất bản lần đầu, năm 1968, tiểu thuyết "Người máy có mơ về cừu điện không?" (Triều Dương dịch, Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành, 2020) đã trở thành kinh điển của dòng sách khoa học viễn tưởng.
Câu hỏi bỏ lửng
Bối cảnh của "Người máy có mơ về cừu điện không?" được đặt trong thời hậu tận thế, khi con người lựa chọn sao Hỏa làm nơi sinh sống sau khi chiến tranh nguyên tử đã hủy diệt gần như toàn bộ sinh vật trên trái đất, chỉ còn những kẻ bên lề xã hội chấp nhận ở lại để săn lùng những con robot đang sống lẫn với con người.
Bìa sách “Người máy có mơ về cừu điện không?” xuất bản tại Việt Nam
Các con robot trong tiểu thuyết này đã đạt đến độ hoàn thiện về ngoại hình lẫn cảm xúc. Chỉ có một cách phân biệt được chúng qua bài kiểm tra mang tên Voigt-Kampff, thực chất chỉ là một loạt câu hỏi để đo được mức độ thấu cảm của đối tượng để xác định là người hay máy, mà thành công dựa trên sự bén nhạy của người thực hiện và nhất là anh ta phải tin vào sự hiện hữu với tư cách con người của mình. Chính điều này đã khiến nhân vật chính Rick Deckard rơi vào những mê cung chuyển dịch giữa ngờ vực và tin tưởng trước những người như máy và trước những cỗ máy đinh ninh mình là con người.
Thế giới mà Philip K. Dick tạo ra dẫu đặt trong những viễn tượng nhưng vẫn là mô phỏng của thế giới mà nhà văn đang sống, cái thế giới trước ông và giờ đây là thế giới của chúng ta. Ở đó, người hay máy cũng chỉ là những mẩu vụn trong cái vũ trụ hay hẹp hơn là trái đất này, đang vật lộn với bản năng tồn tại của chính mình. Trong viễn tượng đó, có những robot biết thưởng thức nghệ thuật, biết rung cảm trước cái đẹp và có những con người chỉ trông chờ những thiết bị điện tử, thậm chí ở những phạm trù như tín ngưỡng cũng chỉ kết nối được thông qua một chiếc hộp máy móc.
Tôn giáo trong tiểu thuyết này cũng được quy giản thành thứ tôn giáo được dẫn dắt bởi người không biết thực hay giả tên Mercer. Với một tôn giáo sinh ra vào kỷ nguyên robot, lẽ dĩ nhiên những con chiên của nó là chiên điện, thiên đường là sao Hỏa, còn robot là thiên thần. Để rồi đến cuối cùng, cả thứ tôn giáo đó cũng sụp đổ như một màn kịch tài tình, lừa đảo cả nhân loại, phơi bày ra cái giả tạm của thế giới người sống, đồng thời đặt câu hỏi hoài nghi về chính tồn tại của con người trong không gian là thực hay giả. "Người máy có mơ về cừu điện không?" là một câu hỏi bỏ lửng. Nhưng chúng ta, những con người, có thôi từ bỏ giấc mơ của mình chưa?
Nỗi băn khoăn thuộc kỷ nguyên mới
Chính vì những nan đề đó mà Philip K. Dick thường được người hâm mộ của mình tôn xưng là triết gia của dòng văn chương khoa học viễn tưởng. Ngay tên tác phẩm "Người máy có mơ về cừu điện không?" đã mang dáng dấp của một câu hỏi triết học.
Cùng nhân vật Rick dấn thân vào hành trình săn đuổi 6 con robot bị truy nã cũng là hành trình đi tìm con người trên mặt đất này. Không chỉ giữa những người máy mà còn tìm con người trong chính chúng ta, những người đang dần trơ lì như cỗ máy. Bộ câu hỏi kiểm tra Voigt-Kampff không chỉ dùng được cho người máy mà còn có thể áp dụng lên chính con người. Những câu hỏi mà ta sẽ phải tự hỏi mình để xem "nhân tính" chúng ta có hơn gì những cỗ máy mà ta cho rằng chúng không có nhân tính, không cảm xúc.
Con người trong thế giới của Philip K. Dick là con người đạt được sự tự tin tuyệt đối bởi cho rằng mình là giống loài thượng đẳng do tạo hóa sáng tạo nên. Họ truy đuổi những con robot như những con vật, vào thời điểm mà con người dường như tự tay hủy diệt nền văn minh, con người vẫn tự xem mình là loài độc tôn của trái đất.
Philip K. Dick viết "Người máy có mơ về cừu điện không?" trong bối cảnh thế giới đang bị ám bởi bóng ma chiến tranh lạnh, với những cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân giữa các cường quốc cùng mối đe dọa cứ treo lửng trên đầu về cuộc chiến tranh thế giới thứ 3. Ông biến một tiểu thuyết viễn tưởng thuần túy trở thành một tác phẩm không phải tiên tri về tương lai mà ghi nhận được nỗi hoang mang của thời đại hạt nhân nhà văn đang sống. Philip K. Dick đã dấn thêm một bước nữa đưa thể loại khoa học viễn tưởng thoát ra khỏi mặc cảm của thứ á văn học để hiện diện như một dụ ngôn của thế kỷ mới.
Nhà văn đặt "Người máy có mơ về cừu điện không?" ở mốc thời gian 1992 và giờ đây vào năm 2020, hậu thế có thể kiểm tra và thở phào vì những gì tác giả viết không thành hiện thực. Điều này không làm suy yếu sức hấp dẫn của tác phẩm, thậm chí khẳng định được tính phi thời của cuốn tiểu thuyết này. Bởi Philip K. Dick không viết tác phẩm như một dẫn nhập vào thế giới tương lai mà chính là cách thức tiếp nhận nỗi băn khoăn thuộc kỷ nguyên mới. Cũng là nỗi băn khoăn của thời đại chúng ta, khi phải đối diện với một tương lai bấp bênh, trong một thế giới mà con người đắm chìm trong công nghệ và bị chi phối bởi công nghệ, dẫn đến hành động phi nhân.
Philip K. Dick (1928-1982) là một trong những nhà văn hàng đầu của dòng văn chương khoa học viễn tưởng. Ông cũng là nhà văn khoa học viễn tưởng đầu tiên được đưa vào tủ sách Library of America - chỉ dành cho các tác phẩm của các tác gia vĩ đại có ảnh hưởng đến nước Mỹ.
"Người máy có mơ về cừu điện không?" là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông. Năm 1982, tiểu thuyết được chuyển thể thành phim điện ảnh, "Blade Runner", một thành công về thương mại và nghệ thuật, được Viện Phim Mỹ xếp vào danh sách 100 phim hay nhất.
Bình luận (0)