Trong sự kiện diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội đêm 3-9, nhân dịp ra mắt dịch phẩm mới nhất của mình, tiểu thuyết "Chết chịu" của nhà văn Pháp Louis-Ferdinand Céline, dịch giả Dương Tường đã nói lời tạm biệt với độc giả, khép lại gần 60 năm gắn bó với nghề dịch.
Có thể nói Dương Tường đã dành cả cuộc đời mình cho công việc dịch thuật. Dưới bàn tay ông, những tiểu thuyết nước ngoài được tái tạo trong tiếng Việt, giúp cho độc giả Việt Nam tiếp cận với những tác phẩm thuộc hàng kinh điển của văn chương thế giới như "Đồi gió hú" của Emily Brontë, "Cái trống thiếc" của Günter Grass, "Con đường xứ Flandres" của Claude Simon. Bước vào tuổi 80, cái tuổi mà nhiều người đã nghỉ ngơi từ vài chục năm trước, dịch giả Dương Tường vẫn miệt mài làm việc và cho ra đời bản dịch danh tác "Lolita" của Vladimir Nabokov... Chính tiểu thuyết "Lolita" làm ông lao đao một thời gian vì những tranh luận xung quanh chuyện dịch thuật nhưng dịch giả vẫn khiêm nhường, lặng lẽ với những dự án của riêng ông. Để hôm nay, ở tuổi 87, dịch giả Dương Tường cho ra mắt tác phẩm văn học dịch cuối cùng, cuốn tiểu thuyết tốn mất của ông 2 năm soi từng chữ bằng kính lúp. Dù tuyên bố đây là tác phẩm cuối, dịch giả Dương Tường vẫn đang cặm cụi hoàn chỉnh bản dịch tâm huyết nhất đời ông.
Dịch giả Dương Tường với phu nhân. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Tinh thần làm việc hăng say ấy chính là điều chính yếu tạo nên Dương Tường của hôm nay. Dường như ông tranh thủ từng giây phút hiện hữu trên đời, sao cho những phút giây không trôi qua hoài phí. Trong căn phòng nhỏ đầy ắp sách, nơi vừa là chỗ nghỉ ngơi và là phòng làm việc của mình, dịch giả chất chứa trong đấy không chỉ một mà là nhiều thế giới, từ nước Anh mù sương thời Victoria và nước Nga của các Sa hoàng đến nước Nhật hiện đại. Như thể trong căn phòng ấy, những Murakami Haruki, Roald Dahl đang đối thoại cùng ông. Dịch giả Dương Tường quan niệm: "Một bản dịch lý tưởng phải là một tác phẩm, trong đó người dịch là đồng tác giả". Cho nên, ta có thể thấy ở một số bản dịch, dấu ấn Dương Tường rất rõ như trường hợp tiểu thuyết "L’Étranger" của Albert Camus. Tiểu thuyết này đã có nhiều bản tiếng Việt, thông thường các dịch giả chọn dịch thành "Người xa lạ" hay "Kẻ xa lạ", chỉ có ông gọi nó là "Người dưng"...
Sinh năm 1932, cuộc đời ông vắt ngang 2 thế kỷ đầy thăng trầm biến động. Như nhiều trí thức thời buổi ấy, phần lớn kiến thức của ông tích lũy được đến từ việc tự học. Dịch đối với ông cũng là cách học, biết thêm một nền văn học, hiểu thêm về một vùng đất... Nhiều người thắc mắc tại sao ông luôn chọn dịch những tác phẩm khó, đồ sộ. Ở những tác phẩm như thế, dịch giả Dương Tường mới có cơ hội được thử thách bản thân, đồng thời trau dồi được kiến thức ngoại ngữ (Anh và Pháp).
Nếu chỉ kể đến sự nghiệp dịch giả của ông là còn thiếu sót, vì ngoài vai trò dịch giả, Dương Tường còn là nhà thơ với 5 tập thơ đã xuất bản (bao gồm 2 tập in chung). Đối với thơ, Dương Tường tìm tòi, cách tân, qua từng tập là từng thể nghiệm thơ, có thất bại, có thành công và không phải bao giờ cũng làm hài lòng số đông. Nhưng đó là cá tính thơ của Dương Tường, con người quyết không đi vào mòn sáo, luôn không yên ổn với chính mình mà liên tục đi tới, không mệt mỏi. Chỉ ở thơ, có lẽ ông mới sống trọn với con người mình, cho nên sẽ không có gì ngạc nhiên nếu như tác phẩm chuyển ngữ mà ông dành quỹ thời gian ít ỏi còn lại của mình để hoàn tất là một thi phẩm.
Vì thế, "lời tạm biệt" trong buổi giao lưu lần này chưa hẳn là kết thúc, bởi ông luôn là người thách thức những giới hạn. Như những lần ông bước qua những rào cản ngôn ngữ, qua những ranh giới của thơ ca, qua ngưỡng cửa thời gian.
Bình luận (0)