Trong buổi họp báo công bố giải thưởng Cánh diều 2018, ban tổ chức cho biết có khoảng 144 tác phẩm đăng ký tranh giải. Trong đó, phim truyện điện ảnh có 14 phim gồm: "Mùa viết tình ca", "Hồn papa da con gái", "Ống kính sát nhân", "100 ngày bên em", "Song lang", "Trạng Quỳnh", "Siêu sao siêu ngố", "Vu quy đại náo", "Chàng vợ của em", "Tháng năm rực rỡ", "Người bất tử", "Thạch thảo", "11 niềm hy vọng", "Nơi ta không thuộc về". Hầu hết các phim trên là do tư nhân sản xuất, chỉ có 2 phim "Thạch Thảo" và "Nơi ta không thuộc về" có yếu tố nhà nước.
Thiếu vắng phim "hot"
Lý giải vì sao tổng lượng phim điện ảnh Việt năm 2018 đến nay hơn 40 phim nhưng tham gia tranh giải chỉ hơn 10 phim, ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, cho rằng ban tổ chức thông báo đến từng công ty nhưng nhà sản xuất có gửi phim để tranh giải hay không là quyền của họ. Đạo diễn Lê Hồng Chương nói thêm rằng Hội Điện ảnh mở cửa và tôn trọng lựa chọn của nhà sản xuất. Trong danh sách trên, 2 phim "Siêu sao siêu ngố" và "Trạng Quỳnh" có doanh thu cao nhất khi được nhà sản xuất công bố vượt mốc 100 tỉ đồng. Phim "Song lang", "Tháng năm rực rỡ", "Người bất tử", "Chàng vợ của em" là những tác phẩm từng nhận nhiều lời khen về sự đầu tư, chỉn chu ở mặt nghề. Tuy nhiên, danh sách này vẫn thiếu 2 phim nổi đình đám trên thị trường từ đầu năm 2019 đến nay là "Hai Phượng" và "Cua lại vợ bầu". Cả 2 phim đang rượt đuổi vị trí dẫn đầu tốp 5 phim doanh thu cao nhất lịch sử phim Việt. "Hai Phượng" lại là phim thuần hành động Việt đầu tiên có được doanh thu kỷ lục sau sự thất thu của "Bẫy rồng", "Dòng máu anh hùng".
Phim “Song lang” tranh giải Cánh diều 2018. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
"Chúng tôi đã đưa "Song lang" tranh giải rồi nên không đưa thêm "Hai Phượng" vì nếu thế thì 2 phim cùng nhà sản xuất sẽ phải cạnh tranh lẫn nhau" - đại diện truyền thông của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cho biết. Dẫu vậy, sự thiếu vắng các phim đang gây sốt trên thị trường cũng là điều đáng tiếc vì làm giảm bớt sức hút lẽ ra có thể tận dụng cơ hội quảng bá cho giải thưởng.
Niềm tin và tiền
Cánh diều là giải thưởng hằng năm nhưng một năm tổ chức ở Hà Nội và một năm tổ chức ở TP HCM. Hầu như năm nào ban tổ chức giải cũng gặp khó về tài chính, tìm kiếm tài trợ. "Năm nay, chúng tôi chỉ có 860 triệu đồng để lo cho giải mà 500 triệu đồng đã và sẽ chi cho giải thưởng như làm cúp, in bằng... Các hoạt động ngoại giao, quảng bá giải, chúng tôi đều phải nhờ sự chung tay của công ty đồng hành" - ông Đặng Xuân Hải tiếp tục chia sẻ khó khăn kinh phí tổ chức cũng là điều ban tổ chức đau đầu mỗi mùa giải. Cũng chính vì điều này, ê-kíp thực hiện lễ trao giải các năm đều phải gói ghém, tận dụng "cây nhà lá vườn" để không tốn thêm chi phí. Trong lúc thị trường điện ảnh phát triển từng ngày, những tín hiệu tốt từ doanh thu được công bố lên hàng 100 tỉ đồng/ngày càng nhiều, thậm chí có phim cán mốc 200 tỉ đồng càng làm cho thị trường phim Việt sôi sùng sục.
Nhưng trước sự phát triển thần tốc này, giải thưởng tôn vinh người làm nghề điện ảnh vì sao vẫn luôn trong tình trạng khốn khó từ số lượng phim tham gia cho đến kinh phí. "Tôi nghĩ do nhiều người thiếu niềm tin với giải và nghĩ đưa phim tham gia cũng chưa chắc được vinh danh nên thôi, chẳng tốn công sức làm gì" - biên kịch Thanh Hương nhận định.
Trong khi đó, theo ý kiến đạo diễn Nguyễn Phương Điền, nhiều tác phẩm được trao giải anh em trong nghề không phục. Một số năm, giải trao có tính chất "mặt trận", ai cũng có giải kiểu như sợ mất lòng các đơn vị tham gia. Thậm chí, ban tổ chức còn dùng giải pháp trao đồng giải để các phim đều được vinh danh. Thêm vào đó, sân khấu tổ chức năm nào cũng có sạn, gây tranh cãi sau lễ trao giải, khiến người nhận giải cũng mệt mỏi chẳng kém.
"Cánh diều là giải của hội nghề nghiệp, mỗi năm tổ chức một lần trong khi còn có giải lớn hơn là Liên hoan Phim Việt Nam 2 năm/lần. Cả 2 đều nhằm tôn vinh những người làm việc trong lĩnh vực điện ảnh nhưng Liên hoan Phim Việt Nam quy mô lớn hơn, kinh phí do nhà nước hỗ trợ, không quá vất vả tìm tài trợ tổ chức giải. Tôi nghĩ, đó cũng là một phần lý do người ta không mặn mà với Cánh diều mà sẽ để dành phim tranh giải Liên hoan Phim Việt Nam, giải thưởng giá trị hơn. Tôi thấy sẽ rất khó có giải pháp cho tình hình này" - nhà báo Cát Vũ nhận định.
Theo bà, nguồn tiền ổn định là yếu tố tiên quyết để cải thiện tình hình giải thưởng Cánh diều. Ngoài ra, việc thẩm định chính xác để trao giải cho các tác phẩm, thuyết phục người trong giới cũng rất quan trọng. Những nỗ lực và mong muốn của hội đáng ghi nhận nhưng nếu không thể giải quyết được 2 vấn đề trên thì rút lại thành giải thưởng của riêng hội viên, người làm nghề tôn vinh nhau là đủ. Đồng quan điểm này, nhiều người trong giới cho rằng Hội Điện ảnh Việt Nam nên thay đổi cơ cấu tổ chức chấm giải và trao giải, xây dựng niềm tin, tôn vinh đúng tài năng, Cánh diều chắc chắn không đứng ngoài guồng quay phát triển của điện ảnh Việt hiện nay.
Lễ trao giải thưởng Cánh diều 2018 diễn ra tối 12-4 tại Nhà hát Quân đội khu vực phía Nam (140 Cộng Hòa, phường 4, quận Tân Bình, TP HCM), trực tiếp truyền hình trên VTV2. Trong khuôn khổ giải thưởng, tọa đàm “Sáng tác điện ảnh, phim truyền hình 2018” được tổ chức. Đặc biệt, những phim truyện điện ảnh tranh giải được chiếu miễn phí cho khán giả ở TP HCM và Hà Nội thưởng thức. Tại TP HCM, các phim được chiếu ở rạp Cinestar và BHD Star Quang Trung từ ngày 8 đến 10-4. Ở Hà Nội, các phim được chiếu ở Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương. Khán giả nhận vé mời xem phim tại các rạp trên từ ngày 6-4. Theo ban tổ chức, phim “Nơi ta không thuộc về” chưa công chiếu nhưng đã được Bộ Quốc phòng duyệt. Nếu đến ngày trao giải, phim vẫn chưa có giấy phép phổ biến rộng rãi thì sẽ dừng tranh giải.
Bình luận (0)