"Hiệu ứng truyền miệng" (mouth to mouth) không phải khái niệm quá mới với điện ảnh Việt. Sau giai đoạn ngôi sao điện ảnh là yếu tố quan trọng thu hút khán giả, giữ vai trò then chốt trong quảng bá, quyết định thắng bại phòng vé thì "hiệu ứng truyền miệng" được biết đến.
Đây là hình thức truyền miệng bộ phim từ người này sang người khác sau khi đã thưởng thức tại rạp như sự chia sẻ trải nghiệm của mình. Khác hẳn với các hình thức quảng bá thông thường như quảng cáo trên báo, truyền hình, tự tiếp thị sản phẩm qua mạng… thì truyền miệng giúp kích thích khán giả tìm đến trải nghiệm phim.
Cảnh trong phim “Nhà bà Nữ” (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Để đạt được "hiệu ứng truyền miệng" và hiệu quả tích cực phòng vé không dễ dàng, đòi hỏi phải có nhiều yếu tố cộng hưởng mà quan trọng nhất vẫn là chất lượng nội tại của chính tác phẩm. Nếu phim không đủ sức chinh phục khán giả thì khó tạo được "hiệu ứng truyền miệng" hoặc có thể tác động tiêu cực trở lại tác phẩm.
Trong năm 2022, một vài phim tạo được "hiệu ứng truyền miệng" tích cực là: "Nhà không bán", "Bẫy ngọt ngào", "Đêm tối rực rỡ". Các phim này sau khi tạo được "hiệu ứng truyền miệng" giúp "lội ngược dòng" từ tình trạng thua lỗ đến thu lợi nhuận ổn. Phim "Chuyện ma gần nhà" cũng tạo được "hiệu ứng truyền miệng" ban đầu nhưng sau đó chất lượng không đủ chinh phục khán giả dẫn đến hiệu ứng ngược.
Đến Tết Quý Mão, phim "Nhà bà Nữ" do Trấn Thành đạo diễn, đầu tư, tham gia diễn xuất và "Chị chị em em 2" của Vũ Ngọc Đãng cũng tạo được "hiệu ứng truyền miệng". Trong đó, "Nhà bà Nữ" tạo được hiệu ứng tốt nhất với hàng loạt thông tin, nhiều cuộc tranh luận diễn ra trên các diễn đàn, trang mạng xã hội.
Dù khen chê trái chiều, những cuộc tranh luận về phim vẫn tạo nên sự tò mò nhất định với khán giả chưa đến rạp thưởng thức. Những chia sẻ từ người đã xem phim trên các trang mạng xã hội cũng tạo được niềm tin để khán giả quyết định xem hay không xem phim này.
Đại diện nhà phát hành CGV cho biết phim "Nhà bà Nữ" tuy có những điểm khác với các phim hài thông thường dịpTết nhưng chủ đề về gia đình, tình yêu, sự cân đối giữa yếu tố chính kịch và hài kịch, sự gần gũi trong cách dẫn dắt và truyền tải của bộ phim đã giúp phần lớn khán giả có sự đồng cảm, cùng khóc cười với câu chuyện phim và các nhân vật.
Phim đã được truyền miệng rất mạnh mẽ trên mạng xã hội. Những câu thoại rất đời, cảnh phim nhiều tiếng cười hoặc đẫm nước mắt, khơi gợi nhiều ký ức và suy nghĩ nơi khán giả, đặc biệt là thế hệ gen Z, đã giúp bộ phim chiếm sóng trên mạng từ mùng 1 Tết và không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Những nỗ lực của dàn diễn viên trong việc tương tác với khán giả xuyên suốt Tết qua nhiều nội dung lan tỏa trên TikTok, Facebook cùng lịch trình giao lưu, quảng bá phim ở nhiều cụm rạp lớn suốt 6 ngày ở 3 thành phố lớn ở 3 miền cũng giúp phim luôn duy trì độ nóng.
Theo thống kê từ trang Box Office Việt Nam (trang thống kê phòng vé độc lập, có chênh lệch nhỏ), tính đến ngày 1-2, phim "Nhà bà Nữ" thu được hơn 292 tỉ đồng. Phim "Chị chị em em 2" hơn 67 tỉ đồng.
"Số lượng khán giả đến rạp dịp Tết năm nay có tăng nhẹ so với Tết Nhâm Dần. Đây là tín hiệu khả quan cho thấy khán giả vẫn dành sự ủng hộ cho rạp phim, đặc biệt là các tác phẩm phim Việt có chất lượng tốt" - ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung CGV Việt Nam, cho biết.
Bình luận (0)