Phim "Mắt biếc" do Victor Vũ đạo diễn khép lại năm 2019 bằng những tranh cãi sôi nổi, trở thành tâm điểm trên các diễn đàn mạng sau khi ra mắt khán giả vào ngày 20-12, trở thành phim ăn khách cuối năm 2019. Phim "Chị chị em em" do Kathy Uyên đạo diễn cũng góp phần kết thúc năm gây sự chú ý. Nhưng cả hai phim, dù ăn khách vẫn không làm thay đổi những băn khoăn của người trong giới về một tương lai tốt hơn của điện ảnh Việt khi bước sang năm 2020 - năm bản lề xây dựng công nghiệp điện ảnh.
Sự thống trị phòng vé của "Mắt biếc" và "Chị chị em em" trong tuần qua khiến thị trường sôi động trở lại, không thua giai đoạn nửa đầu năm 2019 với "Hai Phượng", "Cua lại vợ bầu" đạt doanh thu gần 200 tỉ đồng... Nhưng nếu tính cả năm 2019 với khoảng 44 phim ra rạp, số lượng tác phẩm thắng doanh thu chỉ chiếm gần 1/3. Khi lý giải sự chênh lệch này, nhiều người trong giới phân tích do điện ảnh Việt năm 2019 vẫn có không ít phim được xem là "thảm họa" về chất lượng như: "Táo quậy", "Xóm trọ 3D: Cung tâm kế", "Cậu chủ ma cà rồng", "Tìm chồng cho mẹ", "Người lạ ơi"... Ngoài các phim quá tệ về chất lượng không có khán giả, thị trường vẫn có phim chất lượng ổn nhưng doanh thu không đột phá vì thiếu hấp dẫn: "Thưa mẹ con đi", "Anh thầy ngôi sao", "Hoa hậu giang hồ", "Anh trai yêu quái"...
Cảnh trong phim “Mắt biếc”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
"Chúng ta thấy rõ phim Việt đang tiến triển nhưng chưa thấy tiến lên, chưa có đột phá đặc biệt" - PGS-TS Trần Luân Kim nhận xét. Nhà sản xuất kiêm diễn viên Trương Ngọc Ánh cho rằng thị trường có nhiều tín hiệu tích cực, đa dạng nhưng một bộ phim thành công cần nhiều yếu tố: kịch bản hay, dàn dựng tốt, diễn viên giỏi nghề, quảng bá hiệu quả… bất kể ở thể loại nào. Thị hiếu khán giá rất khó lường và số lượng phim thắng thấp hơn thua, doanh thu cao nhưng chất lượng chưa tương xứng hoặc ngược lại đang là vấn đề quan ngại của điện ảnh Việt năm 2019. Phim "Hai Phượng" thắng lớn về doanh thu nhưng khâu kịch bản lại có vấn đề. Phim "Mắt biếc" ăn khách một phần nhờ truyện của Nguyễn Nhật Ánh từng ăn khách, trong khi điện ảnh Việt đang bế tắc về khâu kịch bản.
Bà Dương Cẩm Thúy - Chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM - cho biết TP đang chuẩn bị hoàn thành dự thảo phát triển điện ảnh thành ngành công nghiệp văn hóa, lấy ý kiến góp ý từ phía các cơ quan, ban ngành liên quan. TP HCM có nhiều thế mạnh về điện ảnh là trung tâm sản xuất phim điện ảnh hiện nay, hệ thống phát hành cho đến nguồn nhân lực làm nghề tập trung tại đây có đủ cơ sở để thực hiện điều đó. Về mặt pháp lý, đây cũng là mục tiêu tổng quát trong Quyết định 199 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Nhưng để có thể đưa điện ảnh trở thành ngành công nghiệp, những việc cần làm không hề nhỏ, từ vấn đề nguồn nhân lực phải chuyên nghiệp đồng bộ hóa các khâu, cơ sở vật chất hiện đại, tuân thủ quy tắc lao động... "Tôi thấy việc cần làm từ phía cơ quan quản lý để đưa điện ảnh thành ngành công nghiệp văn hóa là phải đào tạo nhân lực đồng bộ từ biên kịch, đạo diễn, quay phim, họa sĩ, thiết kế... cho đến xây dựng trường quay, trung tâm chiếu phim, trung tâm kỹ thuật điện ảnh..." - bà Dương Cẩm Thúy đề xuất. Bởi sẽ khó có thể phát triển điện ảnh thành ngành công nghiệp nếu các khâu của hoạt động điện ảnh còn cảnh nửa chuyên nghiệp nửa nghiệp dư như hiện nay.
Bình luận (0)