Ô mai vốn là một vị thuốc bắc, có nguồn gốc từ các khách trú người Hoa khi đến Việt Nam nhiều thế kỷ trước. Có thuyết cho rằng một quý bà phố cổ nhân lúc khách đến chơi đã mang ra một đĩa ô mai để nhấm nháp với trà nóng, hai vị hậu quá hợp nhau sau một bữa cơm. Thế là thành thói quen và lâu dần, chỉ cần vài thập niên đã thành tiêu chuẩn. Mấy chục năm đời sống đạm bạc đã khiến những thứ từ chỗ là thời trang thành cái nếp sinh hoạt. Nhiều khi chính nhờ sự chậm chạp thay đổi mà các ký ức truyền thống được bảo toàn.
Món ô mai gồm nhiều nguyên liệu khác nhau, có mặt trong các bàn tiếp khách mỗi nhà khi Tết đến và cả trong những cái lọ ăn dỗ trẻ con ở các hàng xén, hàng nước chè. Nghĩa là phổ khách hàng khá rộng và hoàn cảnh của nó cũng không cứng nhắc trong một phạm vi cụ thể nào nữa. Ở miền Nam, nó được gọi là xí muội, phát âm theo cách đọc của người Quảng Đông; trong khi người miền Bắc gọi bằng cách đọc Hán Việt, quả mơ đen. Cách gọi và cách dùng cũng thể hiện sự chuyển hóa về mặt nghi thức và từ chương của cư dân. Vốn chữ Hán nhập nội ở miền Bắc vẫn như gắn với ngôn từ văn sách trường quy nên hầu hết được gọi bằng từ Hán Việt, cho dù con phố bán nhiều thuốc bắc nhất là phố Lãn Ông vốn tên cũ là Phúc Kiến. Trong khi ở miền Nam, các từ vựng này được gọi bằng phiên âm các thứ tiếng trong đời sống thường nhật của những người Hoa vùng Quảng Đông hay Phúc Kiến.
Thật ra, ô mai không chiếm vị trí gì đặc biệt trong đời sống Hà Nội nhưng nó xuất hiện đúng chỗ, hơi bí ẩn. Ăn ô mai ở Hà Nội là điểm nhấm nhót, dĩ nhiên không phải thứ ăn lấy no nhưng cũng không phải vị phổ cập. Từ một thứ quả mơ sấy khô đã có hàng bao nhiêu thứ quả khác mà không xuất hiện nơi đâu: ô mai sấu, khế, hồng bì, thậm chí táo mèo (thứ quả bé nhỏ chát sin sít trên rừng mang về).
Trong khi phở hay bún chả mau chóng định vị được chỗ đứng của những kẻ khổng lồ trong không gian ẩm thực thì ô mai chiếm vị trí của một người tí hon. Có thể sống cả năm chẳng ăn một quả ô mai cũng không sao nhưng nhất thiết sẽ dây dưa với phở hay bún. Đi nước ngoài cũng khá dễ gặp quán phở còn ô mai thì chắc là rất hãn hữu. Ngay như các cửa hàng đồ Tết, cũng gọi chung là bánh mứt kẹo, chứ ô mai gần như là thứ phụ, chỉ mua khi đã hoàn tất các món ngọt ngào kia. Mặc dù ô mai rất thân cận với mứt, nói đến mứt là đã nghĩ ngay đến một cái Tết rộn ràng nhưng ô mai không được cái vị thế hoa hậu thân thiện đó.
Về hình thức, những món ô mai không bắt mắt theo kiểu rực rỡ bày biện tiệc tùng. Trong khi những món quà bánh có ảnh hưởng phương Tây phụ thuộc một phần vào thành phẩm bày biện, kiểu các món bánh phải có lớp kem bắt đẹp trên bề mặt thì ô mai đa phần nhăn nheo và có màu thẫm lại, ai không biết nhìn sẽ thấy rất khả nghi. Những quả ô mai không có cái mùi thanh mát, ngọt sắt hay thơm nồng nàn kiểu mứt quả Ả Rập hay trà Ấn Độ. Nó là tổng hợp mùi của những thứ vị được hãm rất kỹ và phơi sấy trong điều kiện không cao sang gì.
Nó cũng không phải kiểu tươi nồng xộc lên như mắm tôm hay những món đồng nội miền Bắc. Nó thấp thoáng vị phương Bắc xa xôi nhưng cũng đã bản địa hóa đến mức độ thành quà vặt. Cùng họ với ô mai, dĩ nhiên trong hệ thống các nước đồng văn như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản, các biến thể rất phổ biến. Có khi người ta ăn ô mai với cơm hoặc kết hợp với bánh trái. Vì thế, trông đợi việc tách bạch đâu là phần Việt, không chỉ trong ô mai mà rộng ra các món ăn, là điều bất khả thi. Chúng ta chắc chỉ có thể nói rằng cách ăn và cách phối hợp của ta có nét riêng. Mà trên thế gian này, mọi nỗ lực chống đồng hóa cũng đồng thời kèm theo cách bản địa hóa hoặc một thuật ngữ đương đại hơn glocalisation (bản địa hóa toàn cầu hóa, nghĩa là quá trình biến các yếu tố toàn cầu hóa sao cho mang tính địa phương). Nhưng với mỗi cư dân bản địa, nếm một món ăn là họ đã gắn với khung cảnh địa lý, thời tiết và con người ở nơi đó. Ăn một quả ô mai thời thơ ấu trong một hàng quà rong trước cổng trường một ngày mùa đông giá rét, người ta nhớ về một Hà Nội cũ kỹ nơi có ngôi trường chật chội, một đám bạn nhỏ chầu chực xung quanh để được chia phần và tiếng trống trường báo hiệu hết giờ ra chơi…
Trong cái bàn nước tiếp khách ngày Tết, khay đựng ô mai là thứ cả năm mới mang ra dùng lúc này. Nó tại vị giữa cái bàn như một điểm nhấn màu đen hay nâu (nói chung là không bắt mắt và trầm lắng nhất), bên cạnh các khay bánh kẹo rực rỡ hay mứt - thứ họ hàng vui tươi hơn bội phần của ô mai. Nhưng vị mặn của nó cân lại các thứ ngọt đến phát hoảng của bánh mứt, kẹo. Nó có gì đó phản chiếu một nét tính cách người Hà Nội, một chút khe khắt, có phần khó hiểu nhưng lắm khi điểm đúng một cái huyệt cũng khá duyên dáng. Tuy vậy, cái thói công nghiệp hóa món thủ công này cũng đã khiến cho ô mai vài thập niên gần đây ngâm tẩm nhiều hóa chất, làm người ta thấy càng khả nghi hơn. Sự phát đạt trong kinh doanh các món "gia truyền" cũng làm cho ô mai không còn là thứ chỉ ăn ngày Tết mà có quanh năm. Trẻ con bây giờ có nhiều món quà hấp dẫn để ăn hơn, từ các loại bimbim cho đến fast food.
Trong bức tranh thập cẩm món, ô mai cố gắng mở rộng phạm vi nguyên liệu, có cả những thức quả xa lạ hoặc kết hợp các công năng y học thiết thực như ngậm ho, giữ ấm. Người Hà Nội bây giờ cũng thế, cố gắng định vị mình trên một cái bàn uống nước như những quả ô mai bí ẩn cũ kỹ bên cạnh các thời trang hút mắt hơn bội phần. Chua cay, mặn ngọt và dĩ nhiên, chỉ nên nhấm nháp.
Có một câu được hỏi mãi: Bản sắc Hà Nội là những gì? Hà Nội giống như một gói giá trị hay khiến người ta băn khoăn...
Bình luận (0)