NS Bình Tinh cho biết thời gian qua, nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống đang gặp nhiều khó khăn trong cách tiếp cận công chúng trẻ. Trước thực trạng khán giả không mặn mà với nghệ thuật dân tộc, đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long trong năm 2021 sẽ chọn hướng đi mới, đó là sáng tác, dàn dựng và biểu diễn các vở tuồng ca ngợi nhân vật anh hùng trong lịch sử dân tộc.
Để bảo tồn, gìn giữ những tinh hoa của môn nghệ thuật này, thương hiệu Huỳnh Long sẽ đưa các vở diễn lịch sử Việt Nam đến với người xem, trong đó đối tượng chính hướng đến là khán giả trẻ và lan tỏa cảm hứng sáng tác, dàn dựng cho đội ngũ làm nghệ thuật chuyên nghiệp hiện nay.
"Sự phát triển của xã hội kéo theo nhiều loại hình giải trí phát triển mạnh mẽ, trong khi tuồng cổ vẫn phải giữ vững các yếu tố truyền thống, rất khó để làm mới. Tuy nhiên, qua các vở diễn sân khấu lịch sử mới đây, chúng tôi rất phấn khởi vì có được sự đồng hành của đông đảo NS trẻ và khán giả trẻ yêu thích" - NS Bình Tinh cho hay.
Nghệ sĩ Bình Tinh (bên trái) và Nhật Khánh trong vở “Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng giang”
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, chương trình biểu diễn tương tác "Tìm về những giá trị văn hóa truyền thống" của gia đình Huỳnh Long đã mang lại tín hiệu mới cho sân khấu cải lương thời gian gần đây. Trong đó, soạn giả Bạch Mai đã sáng tác những kịch bản dựa theo sử liệu như: Hai Bà Trưng, Trần Quốc Toản, Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân, Hoàng Hoa Thám... và dành đất diễn cho các diễn viên trẻ.
NSƯT Ca Lê Hồng cho biết khi lần đầu tiên xem trích đoạn Trần Quốc Toản ra quân, bà ngạc nhiên và thích thú. "Soạn giả Bạch Mai rất tinh tế, khi thông qua những tích truyện, trích đoạn cải lương lịch sử đã giúp các diễn viên trẻ phần nào hiểu hơn về lịch sử đất nước, hiểu những giá trị giáo dục, lòng yêu nước. Bên cạnh đó, việc để khán giả trẻ tương tác với NS cũng như tham quan hậu trường chuẩn bị của NS, đã giúp các em có những kiến thức cơ bản về quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật cải lương tuồng cổ" - NSƯT Ca Lê Hồng nhận xét.
Còn NS Nhật Khánh, người thể hiện vai Ngô Quyền, tâm sự: "Khi xem những trích đoạn lịch sử, các em đã mạnh dạn giao lưu với NS, đặt những câu hỏi tìm hiểu ý nghĩa của các trích đoạn. Đây là tín hiệu vui cho sàn diễn năm 2021 của gia tộc Huỳnh Long, mà NS Bình Tinh đang gánh vác trọng trách đưa 120 suất diễn vào học đường tại các trường THCS, THPT và ĐH".
NSND Trần Minh Ngọc nhận xét: "Với diễn xuất hấp dẫn, các vở diễn đã nhận được phản hồi tích cực khi khán giả trẻ hào hứng ủng hộ. Ðây là cách quảng bá hiệu quả, góp phần xây dựng lực lượng khán giả trẻ, giúp các em có cơ hội tiếp xúc và thêm yêu mến loại hình nghệ thuật này, từ đó có ý thức hơn trong việc tìm hiểu, nghiên cứu và quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật cải lương tuồng cổ".
Ngoài lịch diễn cố định hằng tuần phục vụ sân khấu học đường, hai điểm diễn cố định của đoàn Huỳnh Long là Sân khấu Kim Ngân (Trung tâm Văn hóa quận Bình Thạnh) và Sân khấu Trịnh Kim Chi (Trung tâm Văn hóa Hậu Giang, quận 6).
Bình luận (0)