xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Độc đáo nghệ thuật xiếc tre "Teh Dar"

THANH HIỆP

Ba suất biểu diễn mới đây của chương trình nghệ thuật xiếc tre với vở "Teh Dar" tại Nhà hát Thành phố (TP HCM) đã chật kín người xem. Vở "Teh Dar" đưa người xem đến với vùng đất Tây Nguyên đầy mê hoặc và cảm xúc

Nhóm tác giả Tuấn Lê, Nhất Lý, Nguyễn Lân Maurice, biên đạo Ngô Thanh Phương cùng 15 nghệ sĩ trình diễn xiếc và 5 nghệ sĩ diễn tấu nhạc từ các dân tộc Ê Đê, K’ho, Jrai và Bahnar đã có những chuyến đi khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu trong nhiều năm để xây dựng nên tác phẩm nghệ thuật độc đáo này.

Giàu bản sắc dân tộc

"Teh Dar" trong tiếng K’ho được hiểu là đi vòng tròn và trong văn hóa của tất cả dân tộc Tây Nguyên, mọi hoạt động sinh hoạt cộng đồng đều mang hình ảnh này. Ở đó, từ lễ hội đâm trâu, hoạt động cúng tế thần linh, cầu mùa màng, sinh hoạt cưới hỏi... đều được thể hiện sinh động trong nhịp đi với hình ảnh vòng tròn.

Theo ê-kíp sáng tạo và vận hành tác phẩm, để có được sản phẩm "Teh Dar" gây mê hoặc người xem, cả ê-kíp đã hành trình đến Langbiang (cách TP Đà Lạt 12 km) thuộc địa phận huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Langbiang được ví như "nóc nhà" của Đà Lạt. Họ đã ở cùng dân bản địa, ngắm nhìn thiên nhiên, trải nghiệm mọi mặt đời sống, văn hóa của người dân nơi đây, từ đó mà có được những cảm hứng sống động cho từng vai diễn.

Độc đáo nghệ thuật xiếc tre Teh Dar - Ảnh 1.

Văn hóa Tây Nguyên được thể hiện sống động qua chương trình “Teh Dar” (Ảnh: LUNE PRODUCTION)

Ê-kíp thực hiện đã sử dụng hơn 20 loại nhạc cụ dân gian của các dân tộc Tây Nguyên. Đó là tiếng rền của dàn cồng chiêng; tiếng vang dội của trống voi; tiếng thúc giục của các loại trống nhỏ; đến kipa, đàn goong, đing năm, T’rưng, tù và, lục lạc... Tất cả đã cuốn hút khán giả trong từng giai điệu.

Để tạo hiệu ứng đồng bộ, mượn âm nhạc và hình thể làm ngôn ngữ, vở diễn hạn chế tối đa lời thoại. Độc đáo hơn là dùng cấu trúc "phi tuyến tính" - không theo trình tự thời gian để kể về câu chuyện của "Teh Dar". Các diễn viên đã sử dụng kỹ thuật trình diễn chủ yếu là bằng hình thể, kết hợp đạo cụ dân gian để lột tả những mảng khác nhau trong đời sống và văn hóa của con người Tây Nguyên.

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng cái tên "Teh Dar" mang hàm ý minh chứng cho những bước chuyển tiếp trong vòng tròn, dấu chân của đồng bào Tây Nguyên còn tiếp nối để giữ mãi văn hóa, truyền thống, tính dân tộc của con người, vùng đất mà họ sinh sống. Vòng tròn của sự sống và văn hóa của dân tộc Tây Nguyên sẽ còn tiếp diễn.

Thủ pháp dàn dựng tinh tế

Khán giả và giới chuyên môn rất vui vì hoạt động văn hóa nghệ thuật tại TP HCM đã có thêm một tác phẩm nghệ thuật mới và rất độc đáo. NSND Trần Minh Ngọc cho rằng sự xuất hiện của "Teh Dar" minh chứng cho thông điệp hoạt động nghệ thuật và du lịch của TP HCM đã trở lại.

NSND Kim Cương 3 lần xem "Teh Dar" đều tấm tắc khen ngợi. Như các vở "Làng tôi", hay "À ố show", "Teh Dar" là một loại hình nghệ thuật biểu diễn kết hợp nhiều thể loại: xiếc, đi thăng bằng, nhào lộn, tung hứng... và múa đương đại. "Độc đáo nhất là âm nhạc sống động, cất lên hồn phách của miền đất Tây Nguyên. Tre, nứa là đạo cụ và cũng là vai diễn song hành với sự vận động, thăng hoa cảm xúc của diễn viên" - NSND Kim Cương phân tích.

Với chất liệu văn hóa dân tộc, cộng với thủ pháp dàn dựng tinh tế, vở nhận được rất nhiều lời khen ngợi không chỉ dành cho phần âm nhạc, nghệ thuật xiếc hấp dẫn mà còn dành cho bố cục không gian đương đại rất mới mẻ. Chính sự sáng tạo đó đã cuốn hút khán giả và du khách, khi truyền tải đến họ tình yêu thiên nhiên, tự hào về văn hóa cội nguồn qua tác phẩm này.

Các nhà chuyên môn cho rằng cách làm mới của nghệ thuật trình diễn "Teh Dar" đã tạo ra hình thức "xiếc kể chuyện". Sử dụng toàn bộ đạo cụ chính là tre kết hợp với âm nhạc, tiếng động, tái dựng sinh hoạt văn hóa người Việt, "Teh Dar" đã đưa khán giả vào không gian huyền ảo những khu rừng già ẩn chứa cả cái chết lẫn sự tái sinh. Ở đó còn có những giai điệu lãng mạn khi thể hiện những đêm trăng hò hẹn tình yêu đôi lứa...

Khán giả đã vỗ tay tán thưởng cho thủ pháp dàn dựng hút hồn bởi màn nhào lộn mạo hiểm, táo bạo, cho thấy những chàng trai, cô gái đầy sức sống, phóng khoáng, tự do trong từng bước đi vòng tròn và điệu nhảy mạnh mẽ.

Hòa nhịp cùng các diễn viên là những chiếc gậy tre dài ngắn, thúng nhỏ, thúng to trở thành món đạo cụ - tất cả đều có ngôn ngữ và dẫn dắt khán giả vào thế giới của văn hóa bản địa. Người xem còn nhìn ngắm những trang phục thổ cẩm, họa tiết hình xăm trên cơ thể diễn viên.

Nhiều khán giả bồi hồi, pha lẫn sự thích thú khi xem các diễn viên sử dụng mặt nạ gỗ - vật tín ngưỡng trong nhiều lễ hội, lễ cúng của người Ê Đê. Chiếc mặt nạ đội phía sau đầu mang những nét tính cách khác nhau, phản ánh tâm tưởng hướng thiện của đồng bào Tây Nguyên.

Trong bối cảnh sau đại dịch, các sân khấu đối mặt với khó khăn, để chào đón du khách đến với TP HCM thì loại hình nghệ thuật xiếc tre đã đủ sức hấp dẫn. Từ nay đến tháng 9-2022, “Teh Dar” sẽ được diễn mỗi tháng 3 suất ở Nhà hát Thành phố (TP HCM) và từ tháng 10-2022 sẽ biểu diễn thường xuyên ở Trung tâm Biểu diễn Lune Hội An (Hoi An Lune Center, tỉnh Quảng Nam).
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo