Quentin Tarantino được giới chuyên môn nhìn nhận là "đạo diễn rất quái", tác phẩm mới nhất của ông "Once upon a time in Hollywood" (Chuyện ngày xưa ở Hollywood) là thông điệp gửi đến Hollywood đầy ẩn ý. Lấy bối cảnh thời kỳ chuyển giao của điện ảnh Mỹ làm chủ đề, đạo diễn Quentin Tarantino muốn nói rằng ở bất kỳ đâu, xã hội rộng lớn hay bó hẹp trong cái thế giới diễn xuất "Hollywood" đầy ám ảnh danh vọng, con người cần thấu hiểu "thời thế" là gì. Ngôi sao của hôm nay cũng sẽ hết thời ngay trong ngày mai, thế nên, thái độ sống mới là thứ quyết định tất cả.
Thập niên 1950 và đầu những năm 1960, điện ảnh và truyền hình Mỹ vẫn là thế giới của những ngôi sao Hollywood kiểu cũ. Đó là các diễn viên có vẻ đẹp cổ điển, sáng màn hình với những vai diễn người hùng màn bạc. Chìm ngập hào quang, những ngôi sao tưởng chừng không bao giờ tắt không nhận ra rằng xã hội vẫn đổi thay từng ngày, Hollywood cũng thế. Một làn sóng mới đã thổi hơi thở hiện đại, trẻ trung vào Hollywood, biến nó thành Hollywood mới (New Hollywood).
Cảnh trong phim “Once upon a time in Hollywood”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Quentin Tarantino không phải là người duy nhất có những hồi ức về Hollywood một thời. Bộ phim kể về câu chuyện tình yêu của Sebastian (Ryan Gosling) - chàng nhạc công piano lãng tử với khát khao hồi sinh sự thuần khiết cho dòng nhạc Jazz và Mia (Emma Stone) - cô gái trẻ với mơ ước khẳng định bản thân dưới ánh đèn sân khấu trong bộ phim "La La Land" (chiến thắng 6 giải thưởng Oscar danh giá năm 2017) tạo nên những bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn. Ở đó không chỉ đơn thuần là bản tình ca dành cho những người mộng mơ mà còn là "bức thư" bày tỏ tình cảm của đạo diễn Damian Chazelle dành cho các tác phẩm nhạc kịch kinh điển những năm thập niên 1950. "La La Land" tràn ngập những cảm xúc hoài cổ. Giới chuyên môn gọi đó là phép mầu Hollywood của những năm 1950 được hồi sinh trên màn bạc thế kỷ XXI.
Trước đó, bộ phim đoạt 5 giải Oscar lần thứ 84, "The Artist" (Nghệ sĩ), của đạo diễn Michel Hazanavicius, với sự tham gia diễn xuất của hai diễn viên Jean Dujardin và Bérénice Bejo cũng lấy bối cảnh Hollywood trong khoảng thời gian 1927 đến 1932, tập trung vào mối quan hệ giữa một nam diễn viên ngôi sao của thời kỳ phim câm đang xuống dốc và một nữ diễn viên trẻ mới nổi nhờ sự xuất hiện của phim nói, cả hai đã trải qua mối quan hệ vừa hài hước vừa xúc động nhưng vô cùng lãng mạn. Đi ngược với xu thế khai thác 3D, kỹ xảo của điện ảnh thế giới, đạo diễn người Pháp Michel Hazanavicus cho ra đời "The Artist", gợi nhớ thời kỳ phim câm đen trắng của Hollywood vào thập niên 1920. Nội dung phim khai thác giai đoạn chuyển giao giữa công nghệ phim câm sang phim tiếng, khi những ngôi sao mới sở hữu chất giọng tốt dần thay thế cho cả một thế hệ cũ vốn chỉ phải tập trung diễn xuất nét mặt, cử chỉ chứ không phải chú ý đến đài từ. Hai nhân vật George và Peppy cũng được xây dựng dựa trên những nguyên mẫu có thật thập kỷ 1920 là Douglas Fairbanks và Gloria Swanson. Giữa vô vàn tác phẩm bom tấn khoe kỹ xảo hay những bộ phim thể nghiệm phức tạp, những dòng phim đen trắng, nhạc kịch hay tưởng nhớ hoài cổ trở thành dòng phim xuất sắc. Nó giống như những lá thư tình viết tay, đầy ngọt ngào và thơ mộng mà ai cũng phải nâng niu, trân trọng khi đọc, trong thời buổi người ta quen trao đổi bằng email, tin nhắn. Ngành công nghiệp điện ảnh luôn biến đổi không ngừng, nghệ sĩ nào cũng có một thời hoàng kim. Tất cả đều trở thành dòng ký ức, dù buồn hay vui, vô cùng đẹp đẽ trong lòng người hâm mộ.
Bình luận (0)