Thành ngữ Việt Nam có câu “Dốt đặc cán mai”. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu và biên soạn từ điển lại thu thập và giải thích thêm các dị bản “dốt đặc cán thuổng” hay “đặc cán thuổng”:
- “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung) giải thích: “dốt đặc cán mai [dốt đặc cán táu; dốt đặc cán thuổng] (táu: gỗ táu, thuộc loại gỗ quý, hay dùng làm cán mai, cán thuổng). Quá ngu dốt, đầu óc đặc như gỗ hoàn toàn không biết một tí gì”.
- “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân): “đặc cán thuổng • trgt. Như Đặc cán mai (thtục) <> Kể gì đến anh chàng dốt đặc cán thuổng ấy”.
- “Từ điển tiếng Việt” (Văn Tân chủ biên): “đặc cán mai • ph. Cg. (còn gọi-HTC) Đặc cán thuổng. Nói dốt đến mức không biết gì: <> Dốt đặc cán mai”.
Theo đây, “dốt đặc cán mai” có vẻ như là cách nói tùy tiện của dân gian. Nghĩa là “đặc cán mai” cũng giống như “đặc cán thuổng” hay thậm chí là “đặc cán cuốc” mà thôi.
Vậy, “cán mai” có khác “cán thuổng”, cán cuốc không?
- “Từ điển thành ngữ tục ngữ - ca dao Việt Nam” (Việt Chương) giải thích: “Dốt đặc cán mai. (Thành ngữ) Mai: Dụng cụ gồm một lưỡi sắt nặng to và phẳng, tra vào cán dài, dùng để đào, xắn đất. Cũng như cán cuốc, cán mai xúc đất cũng phải dùng loại gỗ thật chắc hoặc loại tre đặc ruột, như vậy mới đủ sức chịu đựng được vật nặng và tránh được tai nạn cho người sử dụng vì cán gãy bất ngờ. Người dốt đặc cán mai là người hoàn toàn ngu dốt. Có thể nói là đần độn, ngu si”.
Như vậy, Việt Chương cho rằng “cán mai” hay “cán cuốc” đều giống nhau, bởi chúng có thể được làm bằng “gỗ” hay “tre đặc ruột”.
Tuy nhiên, sách “1575 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm” (Lê Gia) lại cho rằng cán mai không làm bằng gỗ mà chỉ có thể làm bằng “tre đực, đặc ruột”. Ông giải thích: “Cái cán của cái mai, một dụng cụ để đào đất (do chữ “mai” là đào lỗ dưới đất; mai táng) nên cần phải cứng chắc. Do vậy mà người ta phải làm bằng một cây tre đực, đặc ruột (cây tre cái thì rỗng ruột nên dễ gãy). Từ “đực” cũng chỉ người đàn ông, cây tre tượng trưng cho người quân tử, người đàn ông có học, có tài, có đức độ… Ý nói: dốt quá, trong bụng đặc cứng rồi, không còn chỗ nào để có thể nhét chữ nghĩa vào được nữa, không có chỗ chứa đựng kiến thức được, chỉ bảo dạy dỗ gì thì cũng không vô được nữa, dốt không còn cách nào dạy được nữa”.
Vậy, sự thực thế nào?
Theo chúng tôi, do các nhà nghiên cứu, biên soạn từ điển thiếu hiểu biết thực tế về dụng cụ lao động của nhà nông nên giải thích theo kiểu võ đoán, thiếu căn cứ.
Mai là dụng cụ mà cái cán của nó dứt khoát phải làm bằng gỗ. Lưỡi mai khác với lưỡi thuổng, lưỡi xẻng, lưỡi cuốc... ở chỗ hai bên má đều phẳng như nhau (để dễ dàng xắn xuống tầng đất sâu). Phần giữa, phía trên của lưỡi mai là khoảng hở hình chữ U, có ngàm xung quanh để ngậm lấy phần cán gỗ. Người ta dùng một đoạn gỗ, thường là thuộc hàng tứ thiết, cứng chắc, không cong vênh để làm cán mai (nên có dị bản “dốt đặc cán táu” là vậy). Một đầu cán mai bẹt, to bản, được đẽo hình lưỡi bò, có vai liền với cán tròn, dài, vừa tay cầm. Phần bẹt hình lưỡi bò ấy được lắp khít vào khoảng hở có ngàm hình chữ U của lưỡi mai. Nói cách khác, khoảng hở ở lưỡi mai hình chữ U được khớp và ngậm chặt lấy phần hình lưỡi bò của cán mai.
Trong khi đó, tre thân tròn, không thể đủ to bản để đẽo thành hình lưỡi bò lắp vào ngàm hình chữ U của lưỡi mai. Bởi vậy, dù tre đực có đặc ruột hoặc to bằng mấy cũng không thể dùng làm cán mai được. Theo đó, cán mai phải làm bằng gỗ và chỉ có thể làm bằng gỗ mà thôi. Vì buộc phải làm bằng gỗ nên chỉ có “cán mai” mới “đặc”, đã là cán mai là phải “đặc”. Còn “cán thuổng”, “cán cuốc”, “cán xẻng”… được làm bằng tre, đều rỗng ruột, không hề đặc.
Cán mai dễ gãy ở phần khớp giữa lưỡi mai và cán mai. Theo đó, mai chỉ là dụng cụ để xắn đất mềm (đào ao, làm thủy lợi) hoặc hoàn thiện, tạo hình vuông vắn cho các thành hố, mà trước đó đã được đào sâu bằng thuổng, chứ không đào được đất cứng như thuổng.
Vì mai không đào được đất cứng nên có thành ngữ “Thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”. “Khoai” ở đây không phải “khoai lang”, mà là khoai mài (tức củ mài), chữ gọi “hoài sơn” 懷山. Khoai mài mọc ở trong rừng, ăn sâu hàng mét dưới lòng đất chằng chịt các loại rễ cây và đá sỏi. Muốn đào được củ mài, phải dùng thuổng, xà-beng chứ không ai dùng mai (dùng mai sẽ bị gãy). Theo đó, “Thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào” hàm ý chế giễu kẻ thấy người ta làm cũng đua đòi, bắt chước làm theo nhưng không phải lối, không biết cách làm.
Dân gian thường dựa trên sự quan sát các sự vật, hiện tượng xung quanh để đặt nên thành ngữ, tục ngữ. “Dốt đặc cán mai” là cách nói hình tượng, nhấn mạnh thêm của “dốt đặc”. “Đặc” chẳng khác nào cái cán mai làm bằng gỗ, tức không biết một tí gì, chỉ có dốt và dốt.
Như vậy, chúng ta có thể loại bỏ thẳng thừng dị bản “dốt đặc cán thuổng” hay “đặc cán thuổng”, do nghĩa đen của nó ngược lại hoàn toàn với điều dân gian đem ra so sánh, nhấn mạnh. Cách giải thích cán mai có thể làm bằng “gỗ”, hoặc bằng tre “chắc” để tránh “tai nạn cho người sử dụng vì cán gãy bất ngờ” của Việt Chương; hay cán mai chỉ làm bằng “tre đực”,“tượng trưng cho người quân tử, người đàn ông có học, có tài, có đức độ” của Lê Gia đều là không đúng. Riêng Lê Gia, chúng tôi thực sự không hiểu tại sao cây “tre đực” của ông vốn có nhiều đức tính tốt đẹp của “người quân tử”, “có học, có tài, có đức” như vậy mà khi đem ra làm cán mai, nó lại trở thành biểu tượng của sự dốt nát “không còn cách nào dạy dỗ được nữa”!
Bình luận (0)