Nhiều địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Kiên Giang... đã đặt hàng các đạo diễn sân khấu hát bội, múa bóng rỗi dàn dựng những vở diễn ca ngợi truyền thống gắn với di sản dân gian, nhằm thu hút khán giả và du khách theo xu hướng du lịch văn hóa.
Nguồn cảm hứng bất tận
Nước ta hiện có khoảng 65.900 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê. Trong đó, 431 di sản đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bao gồm 171 di sản thuộc loại hình lễ hội truyền thống.
Theo Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hầu hết các lễ hội này đều có những yếu tố gắn với truyền thuyết liên quan các nhân vật được thờ phụng, thánh thần được lịch sử hóa; là chất liệu sáng tạo phong phú đối với các nghệ sĩ sân khấu, như Thánh Gióng, Trạng Trình, Lạc Long Quân - Âu Cơ, Mai An Tiêm...
"Truyền thuyết dân gian được xây dựng trên cơ sở cốt lõi lịch sử, trong đó có sự hư cấu. Yếu tố hư cấu trong truyền thuyết dân gian mang tính chất thi vị, làm tăng vẻ đẹp, sự oai hùng của nhân vật mà người dân kính trọng. Đây là nguồn cảm hứng bất tận trong sáng tác vở diễn, khơi dòng chảy văn hóa dân gian và trong tâm thức cộng đồng. Đó là một trong những yếu tố cấu thành di sản văn hóa phi vật thể" - PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái phân tích.
Cảnh trong vở “Chất ngọc không tan” của đạo diễn - NSƯT Ca Lê Hồng
Theo NSƯT Ngọc Khanh, gắn kết vở diễn với yếu tố tâm linh, đưa truyền thống dân gian, nhân vật truyền thuyết lên sân khấu đang là hướng đi mới của các đạo diễn, nghệ sĩ, nghệ nhân tại TP HCM. Sân khấu hát bội của NSƯT Ngọc Khanh hằng năm được mời biểu diễn trong các lễ cúng Kỳ Yên, gần đây đã có thêm các hội đình thờ thần đặt hàng sáng tác, biểu diễn vở về những nhân vật được tôn thờ.
Nghệ nhân Ngọc Đào của nghệ thuật múa bóng rỗi cho hay gần đây đã được đặt hàng sáng tác nhiều bài hát, vũ khúc tôn vinh thần làng, vị thánh dân gian được thờ tại các miễu, đình. Nghệ sĩ Tài Bửu Bửu cũng được ngỏ lời sáng tác kịch bản cải lương về nhân vật Trương Chi - Mỵ Nương...
"Đời sống sân khấu đang trở lại sôi nổi với nhiều tác phẩm lấy cảm hứng từ văn học, lịch sử, dân gian. Những câu chuyện rất đỗi quen thuộc với phần đông khán giả giờ đây được các nghệ sĩ cách tân, mang hơi thở cuộc sống đương đại, qua đó tạo sức hút cho sân khấu cải lương" - nghệ sĩ Tài Bửu Bửu nhận xét.
Sáng tạo nhưng phải cẩn trọng
Các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã ra mắt dự án "Huyền sử Việt" mang tên "Thượng Thiên Thánh Mẫu". Vở diễn được xây dựng dựa theo những huyền tích dân gian về Mẫu Liễu Hạnh - một trong "Tứ bất tử" của tín ngưỡng tâm linh người Việt.
Theo NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam - đồng đạo diễn chương trình, truyền thuyết về Mẫu Liễu Hạnh linh thiêng, huyền ảo là chất liệu phong phú để nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo. Việc này vừa phát huy được tính truyền thống của nghệ thuật cải lương vừa tận dụng được tính biến ảo của nghệ thuật xiếc.
Nhiều nhà chuyên môn cho rằng nhờ lồng ghép các hình thức nghệ thuật - như hát bội, cải lương, kịch nói, múa rối... - những tích truyện dân gian, truyền thuyết được hư cấu khi đưa lên sân khấu đã trở nên sinh động, vui nhộn, đầy màu sắc, tạo hiệu ứng tốt cho sàn diễn và khán giả sẽ được hưởng lợi. "Đôi khi những nội dung, nhân vật từ lễ hội, từ tín ngưỡng còn mang nặng tính tâm linh. Vì vậy, việc sáng tác rất cần sự chăm chút, cẩn trọng, nhất là về mặt tư tưởng, như vậy mới có thể mang đến những bài học giáo dục nhân văn chuẩn mực cho cộng đồng" - NSND Trần Minh Ngọc nhìn nhận.
Minh chứng cho ý kiến của NSND Trần Minh Ngọc là vở "Làm vua" (tác giả: Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn: NSND Nguyễn Hoài Huệ) do Nhà hát Tuồng Việt Nam dàn dựng. Vở diễn là khúc tráng ca về vị vua "cờ lau áo vải" Đinh Tiên Hoàng và Đoàn Nghệ thuật thể nghiệm của nhà hát này đã biểu diễn với nhiều "phá cách". "Dù là cải biên những hư cấu từ dân gian nhưng các tác giả, đạo diễn khi sáng tác đề tài này cần phải cân nhắc. Chẳng hạn, nhiều tình tiết hư cấu ở địa phương, vốn được thần thánh hóa, được nhào nặn thêm yếu tố tâm linh một cách quá mức, nếu không có sự lựa chọn, tiết giảm hợp lý sẽ làm giảm đi nét tinh túy của tác phẩm truyền thuyết" - một số nhà chuyên môn thẳng thắn.
Theo NSND Trần Minh Ngọc, khi chuyển thể những đề tài từ đời sống dân gian, phải giữ được hồn cốt và không làm biến dạng nhận thức của người thưởng thức về tác phẩm gốc. "Điều này nếu không bản lĩnh thì dễ sa đà vào những hư cấu thái quá" - ông nhấn mạnh.
Bình luận (0)