. Phóng viên: Sau 2 vở "Trung thần" và "Thái hậu Dương Vân Nga" được dư luận chú ý, chưa kể "Chiếc áo thiên nga" từng gây tiếng vang trước đó, chị tiếp tục dàn dựng vở cải lương đề tài lịch sử "Đam mê và quyền lực" do chính mình viết kịch bản. Vì sao chị thích làm vở cải lương theo đề tài lịch sử vốn khá tốn kém, lại dễ bị soi xét nhiều mặt?
- Đạo diễn HOA HẠ: Trước hết, tôi là người yêu đề tài lịch sử. Đó là kho báu để tác giả, đạo diễn sân khấu khai thác. Sau khi làm vở về đề tài lịch sử, tôi nhận lại nguồn cảm hứng đó là được kể với khán giả hôm nay theo cách của tôi về một giai đoạn lịch sử. Dù biết đó là cuộc chơi tốn kém về trang phục, cảnh trí nhưng đã làm nghệ thuật thì phải đặt trọng trách công dân trong sản phẩm của mình. Tôi luôn hiểu khi sáng tác và dàn dựng vở lịch sử, rất cần có cảm xúc với giai đoạn lịch sử đó. Trên câu chuyện mọi người từng đọc sử đã biết, mình phải viết và sáng tạo theo cách kể mới.
Trước đây, dựng vở "Trung thần", tôi chọn góc nhìn về nhân vật Lê Văn Duyệt là một người nghĩa khí. Nay, với nhân vật Tuyên phi Đăng Thị Huệ, tôi muốn khán giả có cái nhìn khác về bà. Vở sử dễ bị soi xét và đó chính là thử thách để mỗi lần sáng tạo, đòi hỏi tôi phải chăm chút hơn.
. Sao chị chọn giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh để đưa lên sân khấu cải lương?
- Tôi cho giai đoạn nhà Hậu Lê đã suy tàn, lại có nhiều loạn binh nổi dậy, bản thân chúa Trịnh là người tài giỏi chứ không xấu xa như cách lâu nay nhiều người vẫn nghĩ về ông. Vở diễn của tôi khẳng định mỗi cá nhân có liên quan đã đẩy sự đam mê và quyền lực lên quá cao, dẫn đến xung đột. Tôi nhìn điều này bằng sự cảm thông hơn là oán trách. Bà Tuyên phi trong sử là một cô gái hái chè thông minh, sắc sảo. Để giữ được mình và mạng sống của con mình, bà phải vận dụng quyền lực. Tôi muốn khán giả nhìn khách quan về bà trong tiến trình lịch sử. Tôi làm vở này để có cái nhìn đúng đắn về thân phận người phụ nữ trong thời phong kiến. Mọi xấu xa của người phụ nữ thời đó đều bị áp đặt bởi những người đàn ông. Như thế là không công bằng.
. Để sáng tác kịch bản này, chị đã dựa vào tư liệu lịch sử hay hoàn toàn hư cấu?
- Sử Việt Nam có nhiều luồng ý kiến lắm. Cái nào là chính thống? Vở chọn lát cắt lịch sử về sự mâu thuẫn quyền lực bên trong nội bộ gia tộc chúa Trịnh Sâm. Kịch bản này có tham khảo và sử dụng tư liệu lịch sử thời chúa Trịnh Sâm và tiểu thuyết lịch sử "Tuyên phi Đặng Thị Huệ" của nhà văn Ngô Văn Phú.
Cảnh trong vở “Đam mê và quyền lực”. Ảnh: MINH HOÀNG
. Chị có tham vọng vở diễn này sẽ góp phần phục hồi danh dự cho nhân vật Tuyên phi Đặng Thị Huệ?
- Cũng như lần dàn dựng vở "Trung thần", tôi đã đến lăng của Tả quân Lê Văn Duyệt để cầu nguyện. Tôi mong các nhà sử học có cái nhìn công bằng đối với ông. Cụ thể là tên của ông phải được đặt cho nhiều con đường trên cả nước. Người dân Sài Gòn - Gia Định luôn nhớ đến công ơn to lớn của ông. Qua nghiên cứu của một người làm sân khấu yêu sử Việt, tôi nhận thấy lâu nay sử Việt đã có cái nhìn thiển cận đối với các nhân vật phụ nữ nói chung và với nhân vật Tuyên phi Đặng Thị Huệ nói riêng. Không phải sự nghiệp của chúa Trịnh suy vong là do bà, mà trách nhiệm thuộc về những con người xoay quanh cuộc đời của bà. Tôi muốn thông qua sân khấu cải lương để khán giả, nhất là học sinh, sinh viên, hiểu hơn về lịch sử nhưng phải có cái nhìn khách quan của thế kỷ XXI.
. Phải chăng chị tìm được đối tác tốt trong việc đưa vở sử đến với công chúng nên đặt niềm tin tuyệt đối với Sân khấu Kim Ngân?
- Trước hết, Sân khấu Kim Ngân đáp ứng được tiêu chí nghiêm túc trong tập dượt, vì một tác phẩm dựa theo lịch sử Việt Nam nên không thể dàn dựng theo kiểu chắp vá. Hiện nay, sân khấu cải lương theo mô hình xã hội hóa rất cần làm nghề nghiêm túc. Vở lịch sử ngốn rất nhiều chi phí đầu tư và thời gian tập dượt. Kế đến, tôi không muốn Sân khấu Kim Ngân chỉ dàn dựng các vở cải lương Hồ Quảng như trước đó đã từng làm mà phải đi vào những tác phẩm ca ngợi tấm gương anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Nghệ sĩ Kim Ngân là con nhà nghề nên phải diễn những vở diễn của sân khấu cải lương chính thống. Tôi chọn giai đoạn nhân vật Tuyên phi đã sinh con, để vai diễn phù hợp với sức diễn và vóc dáng của nghệ sĩ Kim Ngân.
. Không ít nghệ sĩ nghĩ rằng viết kịch bản đề tài lịch sử Việt, người viết không phải suy nghĩ nhiều về tính xung đột vì câu chuyện có sẵn. Theo chị, cần hư cấu bao nhiêu % trong tác phẩm đề tài lịch sử?
- Trong những vở về lịch sử tôi làm thường trung thành với lịch sử từ 80%-90%, vấn đề hư cấu phải suy luận mang tính phân tích. Tôi bám vào sự kiện và lý giải theo cách của mình. Tính hấp dẫn nằm ở đây. Chính sự nghiên cứu nghiêm túc không cho phép người viết chủ quan. Vở sử phải lý giải cho được hiện tượng, tính cách con người nhưng phải hết sức khoa học và mang tính logic. Có như thế mới thuyết phục người xem.
Dấu ấn đẹp của "Đam mê và quyền lực"
Tuyên phi Đặng Thị Huệ vốn là cô gái hái chè, thông minh, sắc sảo. Bà được lòng chúa Trịnh nên cố đẩy con mình là Trịnh Cán lên ngôi thế tử. Tuyên phi muốn dùng sự đam mê nhan sắc của chúa Trịnh để chiếm lấy quyền lực nhưng bà cũng là nạn nhân của mưu đồ chiếm đoạt quyền bính trong gia tộc họ Trịnh. Để chứng tỏ uy quyền, bà dung túng cho em trai là Đặng Mậu Lân; buộc chúa Trịnh gả con gái là công chúa Ngọc Lan cho Lân. Sử Trung là người bảo vệ công chúa cũng bị Lân giết. Đối mặt với nỗi sợ mất quyền lực, bà cứ lao theo chính sự. Khi chúa Trịnh qua đời, quân kiêu binh nổi loạn phế truất Trịnh Cán. Không thể cứu được con, mọi điều tai ương giáng xuống khiến bà điên loạn.
Với thủ pháp dàn dựng sinh động, tạo không gian vừa xung đột vừa lãng mạn trữ tình, đạo diễn Hoa Hạ đã ghi thêm ấn tượng đẹp cho mình đối với vở cải lương lịch sử. Các vai diễn đều có đất để phát huy tài nghệ. Nhất là vai Tuyên phi được "đo ni" vừa vặn với sức diễn của nghệ sĩ Kim Ngân. Vai chúa Trịnh của nghệ sĩ Chí Linh là điểm son trong vở. Âm nhạc và ánh sáng hỗ trợ đắc lực cho diễn xuất của nghệ sĩ qua mỗi vai diễn, làm say đắm khán giả mộ điệu cải lương.
Chỉ tiếc là mối quan hệ giữa Quận Huy (vai của nghệ sĩ Lê Tứ) với Tuyên phi chưa được đào sâu, trong khi lịch sử ghi Tuyên phi mang tiếng tư thông cùng Quận Huy sau khi chúa Trịnh mất. Nếu được lý giải rõ hơn để tạo thêm cảm xúc đối với người xem thì lớp diễn giữa Lê Tứ và Kim Ngân sẽ mùi mẫn hơn.
Vở còn có các nghệ sĩ: Phượng Loan, Thanh Hùng, Tấn Beo, Bảo Trí, Điền Trung, Lê Thanh Thảo, Thanh Hồng, Gia Bảo, Chấn Cường... sẽ được công diễn tối 6 và 13-10 tại Nhà hát Bến Thành.
Bình luận (0)