Nằm trong kế hoạch tạo cho sàn diễn cải lương sức sống mới, đạo diễn Phan Quốc Kiệt vừa dàn dựng vở "Nhân danh công lý", công diễn tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Giới chuyên môn đánh giá vở diễn mang tính thời sự này hứa hẹn là phép thử cho sân khấu cải lương trong giai đoạn thiếu kịch bản trầm trọng, nhất là kịch bản phản ánh đời sống xã hội đương đại.
Cần mang hơi thở cuộc sống
Chính vì thiếu kịch bản hay nên việc chọn "Nhân danh công lý" của Võ Khắc Nghiêm - Doãn Hoàng Giang để chuyển thể từ kịch nói sang cải lương được xem là giải pháp. Trước đây, NSND Viễn Châu và NSND Bạch Tuyết cũng đã chuyển thể một vài cảnh trong kịch bản này thành cải lương cho NSƯT Vũ Luân biểu diễn trong live show "Vầng trăng mẹ" và nghệ sĩ Phượng Liên diễn trong chương trình vinh danh bà ở lần về nước cách đây không lâu. Nhưng chuyển thể toàn bộ kịch bản này thì đây là lần đầu tiên, NSƯT Quế Anh thực hiện việc chuyển thể và tìm được sự đồng cảm ở đạo diễn Phan Quốc Kiệt.
Ra đời trong giai đoạn 1984 - 1985, vở "Nhân danh công lý" và hàng loạt vở kịch chống tiêu cực xã hội đã tạo hiệu ứng tích cực khi thu hút hàng triệu khán giả đến rạp. Tiếng vang mạnh mẽ từ vở kịch này khiến giới chuyên môn hy vọng khi chuyển sang cải lương hứa hẹn thu hút khán giả lâu nay thèm được xem những vở diễn mang tính thời sự.
Chính vì thế, vở "Nhân danh công lý" đã khoác thêm chiếc áo mới với những chi tiết phù hợp cuộc sống hôm nay. Câu chuyện về nhân vật Hoàng Tú - con của một cán bộ cấp cao có lối sống buông thả - đã được đưa về năm 2019 với đủ các phương tiện công nghệ, lời thoại rất hiện đại, gần gũi đời sống hiện tại. Một chi tiết rất đắt, đó là không phải vì yêu cô giáo Quỳnh mà Hoàng Tú muốn chiếm đoạt bằng mọi giá, bản dựng mới này lý giải nguyên nhân phạm tội của hắn chính là sở thích săn con mồi để tiêu khiển. Lồng vào đó là những áp phe "chạy chức, chạy quyền", những quyết định được mua bằng rất nhiều tiền khi mẹ của Hoàng Tú là người dựa vào quyền uy của chồng mà tự tung tự tác.
Thời sự hơn, chuyện một "ông trời con" như Hoàng Tú thách thức pháp luật, tạo ra tiền lệ cho sự ngã giá để thay đổi bản án từ đen thành trắng. Nhân vật bà Hoán cũng đời hơn, chuyên thực hiện các phi vụ gửi gắm trong chuyện làm ăn, buôn lậu, nhận của hối lộ và thay đổi khẩu cung, tìm người nhận tội cho con mình dù biết đó là phạm pháp.
Đạo diễn Phan Quốc Kiệt đẩy tiết tấu của câu chuyện nhanh hơn. Những lời thoại dài được thay bằng bài bản, vọng cổ khá ngọt ngào, tạo ra những khoảng lặng để khán giả đương đại lắp vào đó suy nghĩ của mình về công lý, lẽ phải.
Sức hấp dẫn ở thủ pháp
Chọn một kịch bản từng thu hút hàng triệu khán giả, đã được các đoàn kịch ngoài Bắc, trong Nam khai thác quá nhiều, lại thuộc đề tài chống tiêu cực để chuyển thể thành cải lương là "con dao hai lưỡi". Đạo diễn - NSND Trần Minh Ngọc nhận xét: "Đa phần khán giả đã biết nội dung. Việc chinh phục họ ở lĩnh vực cải lương chính là thủ pháp dàn dựng và chuyển thể kịch bản. Về khâu chuyển thể, độ mượt mà, sâu lắng đủ chất mùi mẫn cần thiết của cải lương đã đạt 80%. Theo tôi, khi nghệ sĩ thể hiện đưa tình cảm vào nhân vật, sẽ tìm được sự đồng cảm, nhất là cảnh 3 bà mẹ: mẹ của chiến sĩ công an điều tra vụ án, mẹ của người bị sát hại và bà Hoán - kẻ vì con bao che tội ác - rất giàu cảm xúc. Đạo diễn Phan Quốc Kiệt đã có nhiều kinh nghiệm trong dàn dựng. Tôi tin rằng khán giả sẽ thích thú bản dựng lần này".
Chính vì lâu nay không mạnh dạn làm phép thử đề tài thời sự, tự kiểm duyệt vì ngại đụng chạm - là một trong những nguyên nhân khiến khán giả cải lương không đến rạp. Bởi, họ không nhận được từ sàn diễn những thông điệp về các vấn đề họ quan tâm. Nếu vẫn với tư duy dựng vở có độ an toàn để tham dự liên hoan, hội diễn rồi cất vào kho thì công năng của nhà hát duy nhất được xem là trung tâm nghệ thuật cải lương của phương Nam chưa được khai thác triệt để.
Theo một nguồn tin, trong đợt cải tiến, chọn lọc đề tài để dàn dựng, nhà hát đã chọn được 8 kịch bản cũ có, mới có mà bước đầu là với "Nhân danh công lý", không còn quá mới để khán giả phải ngạc nhiên, thảng thốt nhưng nói theo NSND Trần Minh Ngọc, "có năng động còn hơn không". Thực tế cho thấy hiện nay, những vụ việc tương tự như chuyện trong "Nhân danh công lý" còn nhức nhối hơn nhiều. Tất cả đều được cập nhật trên báo chí và các phương tiện truyền thông hằng ngày nhưng giới sáng tác kịch bản, đạo diễn sân khấu gần như buông xuôi, không chạm đến, ngoại trừ tác giả Vương Huyền Cơ với dấu ấn "Kỳ án xứ mặt trời" nhưng chỉ diễn được vài suất.
Nên đề cập nhiều vấn đề nóng của thời đại
Trên phương diện phép thử đề tài để đo khán giả cho sàn diễn cải lương qua câu chuyện phản ánh cuộc sống đương đại bằng việc chọn kịch bản cũ hấp dẫn, lồng ghép vào đó những sự kiện, tình huống thời sự là cách làm "chữa cháy". Về lâu dài, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang phải tổ chức đặt hàng tác giả viết kịch bản đương đại, xoay quanh các vấn đề thời sự mà công chúng đang quan tâm. Vấn đề chống tham nhũng; vụ 39 lao động nhập cư bất hợp pháp chết trong xe đông lạnh; vụ nâng điểm thi của con em hàng loạt cán bộ công quyền; thực phẩm bẩn; môi trường ô nhiễm... cần được đưa lên sân khấu nói chung, sàn diễn cải lương nói riêng.
Bình luận (0)