Thế nhưng, chỉ một thoáng, chừng như nhận ra giọng người quen, đàn sếu lại sà xuống bãi sậy. Vài con dạn dĩ bay xuống trước thềm cửa, rồi cứ lừng lững đi luôn vô nhà, đến chỗ chỉ còn vài bước nữa là tới chiếc phản gỗ - nơi vừa dùng làm bàn trà vừa là chỗ ngủ của cụ Huyên, hai con sếu dừng lại nghiêng nghiêng cái đầu đỏ nhìn chung quanh như tìm kiếm một thứ gì đó. Hiểu ý, cụ Huyên đứng lên đi vào sau bếp, bốc một nắm củ năn chứa trong cái thạp đất nung ra trước sân vãi cho chim ăn, xong ông lại quay vào tiếp tục cuộc độc ẩm với thơ.
Người làng Chân Giang bên bờ sông Nhị chẳng ai lạ gì hình ảnh đàn sếu mà cứ như con vật nuôi của cụ Huyên dưới mái nhà cỏ gianh bên bờ sông này.
Hễ bắt đầu mùa Xuân là gần như cùng lúc với đàn sếu bay về trên bãi lau sậy, người ta lại thấy cụ Huyên tay nải trĩu nặng về dựng mái nhà lợp cỏ gianh tạm bợ che nắng mưa trên bãi cát bồi dưới chân đê. Và rồi cứ vậy theo mùa màng tuần hoàn, khi mùa mưa lũ nước mênh mông tràn ngập hết đê điều, lúc đàn sếu bay đi tìm nơi di trú thì cũng là ngày cụ Huyên bỏ mặc cái nhà cỏ cho nước cuốn trôi, cụ lại tay nải lên đường. Đố ai mà biết được người và chim chóc ấy đã về những đâu. Đàn sếu kia thì chả nói làm gì, bởi chim trời cá nước, thiên nhiên bao la kia nơi chốn nào chẳng là ngôi nhà chung của chúng. Duy chỉ có cụ Huyên - người mà các bô lão làng Chân Giang thường bảo với nhau: "Ông là bậc tài hoa nhưng sinh bất phùng thời". Có người còn cả quyết: "Cụ Huyên thuộc lớp trí thức khoa bảng cuối triều Cảnh Hưng, vì chán ngán cảnh triều đình phe này phái kia, chia bè kết cánh tiêu diệt lẫn nhau gây nên cảnh thống khổ cho muôn dân nên cụ rời xa chốn quan trường, lấy cảnh ngao du sông núi làm khuây". Lại cũng có người vì lòng ngưỡng mộ gán thêm cái danh vị "Trạng" vào cái tên cúng cơm của cụ, để từ đấy mà thành ông Trạng Huyên lấp lánh những giai thoại về một ông lão đi câu trên bến nước Chân Giang này. Một người như thế nên đi hay về ai lại chẳng quan tâm, nhất là những khi cụ Huyên vắng bóng ở làng. Người thì đoán định: "Ông ấy về đâu dưới Côn Sơn", kẻ lại nói: "Cụ lên Yên Tử". Nhưng ông Trạng Huyên - "cái ông lão đi câu trên bến Chân Giang" ngày ngày bầu bạn với đàn chim sếu kia luôn là điều bí mật.
Có nhiều dịp trà dư tửu hậu cùng với cụ Huyên, trong những câu chuyện buồn vui thế sự, có người dò hỏi ông thử tiên liệu thời cuộc rồi sẽ về đâu, cụ Huyên cất tiếng cười ha hả, rồi mượn câu thơ Ức Trai ngâm tràn như tiếng lòng ông phơi bày trước nhật nguyệt: Thập niên phiêu chuyển tháng bồng binh/ Quy tứ dao dao nhật tự tinh... Ngâm xong, cụ thủng thỉnh cắt nghĩa từng lời: Ý thơ ấy nói rằng "Thân như cỏ như bèo mười năm phiêu dạt/ Lòng ta vẫn hướng về một ngày cờ phất phới bay bay". Ngồi nghe cụ Huyên diễn dịch thơ, tuy không nói ra nhưng các bô lão đều hiểu được niềm ưu tư của cụ. Nỗi lòng của một trí thức trước hoàn cảnh đất nước đang hiểm họa cát cứ của từng thế lực gây ra cảnh binh đao ngày ngày.
Đường vào đền thờ Vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) Ảnh: QUANG HUY
* * *
Không như bao mùa Xuân trước, cái làng Chân Giang eo óc bên sông chẳng còn yên ả như mọi năm. Mà cũng chẳng riêng gì nơi này nữa, khắp nơi trên Bắc Hà, từ các làng quê hẻo lánh cho đến kinh thành Thăng Long những tưởng cái Tết Kỷ Dậu sẽ không về. Bầu không khí giá rét và cái cảnh nơm nớp lo âu bao trùm lên tất cả. Ngoại trừ các doanh trại, đồn lũy của quân xâm lăng nhà Thanh vừa tràn qua chiếm đóng là ồn ào huyên náo hỗn tạp dội ra cả ngoài đường. Tiếng kêu than oán hờn tức tưởi của người dân vọng vang ở bất cứ nơi nào giặc Thanh đi qua. Chúng lùng sục đốt phá cướp bóc gieo kinh hoàng lên khắp kinh thành, làng mạc, thôn xóm. Cái làng nhỏ Chân Giang lụp xụp trên bãi cát bồi bên bờ sông Nhị cũng không thoát khỏi cảnh quân nhà Thanh giày xéo. Chúng sục sạo vào từng nhà bắt cả già trẻ, trai gái lên núi chặt tre nứa kéo về làm cầu phao bắc qua sông Nhị. May mà cái căn nhà lợp cỏ gianh lụp xụp nhỏ bé của cụ Huyên nằm ngoài rìa làng khuất dưới chân đê bọn chúng không để ý tới. Vả lại, một ông già hom hem thế kia, có lẽ trong mắt bọn chúng cũng chả làm nên tích sự gì.
Đoàn quân hung hãn của Tôn Sĩ Nghị ngông cuồng kéo vào Thăng Long như vào chỗ không người. Chúng đâu có ngờ đấy là kế hoạch của quân Tây Sơn. Lại càng không ngờ hơn nữa, rằng cái chỗ không người ấy lại có hàng bao ánh mắt tinh anh như cụ Huyên ngày đêm giám sát theo dõi từng bước chân xâm lăng của chúng. Nhưng nào chỉ đám quân của Tôn Sĩ Nghị mới hung hăng tàn phá giết chóc không đâu, bọn vua quan cõng rắn cắn gà nhà Lê Chiêu Thống cũng không thua gì. Sau ngày Tôn Sĩ Nghị phong cho Lê Chiêu Thống làm An Nam quốc vương tại điện Kính Thiên, Chiêu Thống liền bắt tay ngay vào việc trả thù giết hại những người đã theo Tây Sơn. Để tỏ lòng trung thành với nhà Thanh, Lê Chiêu Thống khúm núm cầu xin viên tổng đốc lưỡng Quảng tiến quân tiêu diệt Tây Sơn. Nhưng Nghị tỏ ra kiêu căng tự phụ trả lời một cách phách lối: "Năm hết Tết tới nơi rồi, vội gì. Cứ nuôi cho nó béo rồi tự nó đem thịt đến nộp cho mình xơi chẳng hay hơn sao". Nói rồi họ Tôn truyền lệnh cho ba quân tướng sĩ đóng quân tại các đồn trại thỏa thích say sưa ăn chơi, đến mùng 6 tháng giêng sẽ xuất quân.
Nhưng cái ngày mà Tôn Sĩ Nghị hẹn xuất quân ấy vĩnh viễn không bao giờ tới. Ngược lại, đấy chính là những ngày 29 vạn quân nhà Thanh đã bị quân và dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo của người anh hùng áo vải - Hoàng đế Quang Trung đã đánh tan tành quét sạch chúng ra khỏi bờ cõi.
* * *
Nắng chiều ửng vàng hong ấm khắp bãi bờ sông Nhị, nhất là cái đoạn qua làng Chân Giang xưa nay như cái túi đựng cả mùa đông giá rét. Đàn sếu nhẩn nha tìm mồi trên bãi sậy thoáng nhìn thấy cụ Huyên đứng tắm nắng trước sân nhà, tưởng sẽ được cho ăn như mọi lần, chúng nhởn nhơ kéo nhau thành hàng đi vào trong sân. Trông người và chim chóc ấy hân hoan cứ như sắp sửa cho một cuộc diễu hành. Sống gần trọn một cuộc đời dằng dặc suốt triều vua Lê Hiển Tông, tiếp đến là vài ba năm ở ngôi của ông vua bù nhìn Lê Chiêu Thống, chưa bao giờ cụ Huyên thấy hạnh phúc như buổi chiều mùng 5 Tết Kỷ Dậu. Hòa vào hàng vạn người dân đứng reo hò bên đường chào mừng đoàn quân Tây Sơn dưới sự thống lĩnh của Hoàng đế Quang Trung tiến vào giải phóng Thăng Long, lòng cụ Huyên như bay lên, như trai tráng lại thuở nào. Quân reo ngựa hí trống dồn. Chiến bào vua nhuộm đen thuốc súng. Trên đỉnh kỳ đài, lá cờ mặt trời vàng trên nền đỏ thắm tung bay phần phật ửng sáng hồng hào trong gió Xuân. Được chứng kiến cái thời điểm lịch sử huy hoàng đó, nước mắt cụ Huyên cứ theo cái nhịp lồng ngực phập phồng chảy giàn giụa ướt đẫm gương mặt sạm đen nắng gió.
Chiều nay, các bô lão và người dân làng Chân Giang mới có bữa ăn Tết đầu tiên năm Kỷ Dậu, đúng như lời Vua Quang Trung đã hứa trước ba quân tại phòng tuyến Tam Điệp trước giờ xuất trận. Thực ra, đây là bữa tiệc do cụ Huyên cùng các bô lão bày ra để tiễn vợ chồng Thái phó Trần Quang Diệu và Đô đốc Bùi Thị Xuân nhận lệnh vua tiếp tục lên vùng núi Thái Nguyên tiễu trừ bọn giặc thổ phỉ nổi lên quấy phá.
Nghe danh tiếng của người nữ tướng đứng đầu trong "Tây Sơn Ngũ phụng thư" đã từ lâu, mãi cho đến ngày hội quân ở núi Quèn - Tam Điệp, cụ Huyên mới có cơ hội được gặp. Đấy là cái đêm ông mang tấm bản đồ đã vẽ xong sau bao ngày dọ thám cách bố trí và phòng thủ của quân Thanh tại các đồn Hà Hồi, Ngọc Hồi và Khương Thượng về cho Tướng quân Ngô Văn Sở. Đêm ấy, Đô đốc Bùi Thị Xuân được cử đi đón toán quân do thám do cụ Huyên dẫn đường vào Tam Điệp. Hóa ra nơi đây không chỉ là nơi hội quân từ Phú Xuân ra mà còn là cả một "Hội nghị Diên Hồng" của các bô lão Bắc Hà, các quan dưới triều Lê ngả theo Tây Sơn, những nhà khoa bảng, trí thức từ lâu nay lui về ở ẩn nay quyết cùng Tây Sơn gánh vác việc nước. Đông nhất vẫn là lực lượng nhân dân. Họ hồ hởi gồng gánh lương thực, bánh trái, hoa quả cho nghĩa quân ăn Tết trước giờ xung trận. Nhìn quang cảnh ra trận mà quân với dân cứ như đi trẩy hội, cụ Huyên nói với Đô đốc Bùi Thị Xuân: "Lòng quân dân như thế thì giặc nào mà không đánh thắng, thưa đô đốc!". Bùi Thị Xuân gật đầu, lễ phép: "Dạ, cháu cũng nghĩ như thế, thưa cụ". Cụ còn định nói với nữ đô đốc một chuyện nữa, nhưng rồi ông lại lặng im. Ông biết rằng để làm nên chiến thắng còn phải một điều hệ trọng không kém, đấy là sự hy sinh tình riêng mà mưu lấy việc chung. Nhìn người nữ tướng tài sắc uy phong ngồi trên lưng con ngựa quý - ngân câu thần mã, cụ Huyên hiểu rằng cả Đô đốc Bùi Thị Xuân và Thái phó Trần Quang Diệu suốt bao năm đằng đẵng chiến đấu dưới cờ Tây Sơn, vợ chồng người chinh Nam kẻ phạt Bắc, cho đến trận này họ mới được kề vai bên nhau chiến đấu.
* * *
"Ui chao! Một tình yêu đẹp cao cả đến như thế xưa nay được bao người".
Buổi tiệc tan rồi, các hào kiệt và các bô lão làng Chân Giang ra về hết rồi, còn mỗi cụ Huyên ngồi độc thoại với niềm hoan lạc. Dường như chưa hả, cụ lang thang đi dọc theo triền sông miên man trong niềm hạnh phúc đã xua sạch quân thù xâm lăng ra khỏi bờ cõi. Khoảnh khắc ấy cụ lại lầm thầm: "... Nếu như non sông này có những mùa Xuân mà hiện thực và giấc mơ xem ra chẳng khác gì nhau thì đấy chính là mùa Xuân Kỷ Dậu này đây". Bất chợt cụ đưa mắt nhìn xuống bến Chân Giang, đoạn chiếc cầu phao quân Thanh bắc qua, rồi cũng chính chiếc cầu phao này đổ sập xuống làm mồ chôn kẻ xâm lăng làm nghẽn cả dòng. Lạ lùng làm sao, giữa phút giây hoan lạc theo từng bước chân cụ Huyên, mây trắng dường như ửng sáng lên lấp lánh quang ba đầy ắp cả một trường giang như trôi về vô tận. Chẳng hiểu sự huyền nhiệm nào khiến những đám mây trôi bồng bềnh kia lại kết nối nhau thành một hình nhân cưỡi ngựa qua sông, trông đẹp như người nữ đô đốc uy phong ngồi trên lưng ngân câu thần mã truy kích giặc. Cụ Huyên lại cất tiếng cười hào sảng rồi lầm thầm như trò chuyện với giấc mơ: "Ta lại mơ bóng dáng Tây Sơn rồi".
- - - - - - - -
- Truyện viết nhân kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.
(*) Trong bài "Quá Phong Khê" của Trần Lôi - thơ văn Lý Trần.
Bình luận (0)