xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đường dài khuya lắc

VĂN ĐÚNG

Cuối cùng, ông già cũng bỏ cuộc mà đi, không còn thấy bóng dáng của ông già mỗi khi dừng xe ở trạm thu phí, chẳng còn ai đi cùng bạn qua những dặm dài tiếc nuối

Về ngang trạm thu phí, trước sau gì bạn cũng gặp ông già với cái mặt hầm hầm, miệng luôn cằn nhằn đám trẻ trong xóm: "Đi đâu mà khuya lơ khuya lắc mới về". Bạn vẫn thường nghe mấy đứa trẻ nhắc ông già như một người bao đồng, chuyên nhảy bổ vào chuyện của người khác.

Từ ngày cái lộ băng thẳng qua đám ruộng sau nhà, người dân trong xóm ai cũng "lên đời" vàng đeo đỏ tay. Đất ruộng manh mún sau khi người ta đền bù cho một cọc tiền dày cộp. Con lộ rộng thênh thang, xe tải chạy thâu đêm suốt sáng. Mấy quán nhậu, cà phê mọc đầy quanh lộ. Ông già là người hiếm hoi trong xóm nhận tiền đền bù với gương mặt buồn hiu: "Không còn đất thì lấy gì mà sống". Người trong xóm nói ông già cổ hủ, tiền trong tay mình một đống, mở cái gì đó buôn bán, mang gửi ngân hàng nằm ở không cũng có lãi, sướng thấy mồ.

Mấy tháng sau khi "sướng thấy mồ", người trong xóm bắt đầu thấy buồn tay buồn chân vào ra bức bối. Đám trẻ trong xóm tụ tập nhau hát hò, chơi "hết lốc". Cánh đồng xanh hun hút trôi theo làn khói bụi mịt mùng. Bạn tưởng ông già sẽ hả hê khi nhìn cảnh tượng cô đơn của những người không còn đất: "Đó thấy chưa, nói rồi không nghe" nhưng ông già chỉ lắc đầu, thở dài rồi thôi. Đi qua im lặng cùng nhau, người trong xóm chẳng còn hú nhau những giống lúa mới, đến lúc nào thì bơm nước vào ruộng, chỗ nào bán chịu phân bón tới mùa…

Có lần bạn hỏi ông già, tiền đâu hết. Ông già cười, chia cho con cháu làm ăn hết rồi. Vợ chồng già rồi có xài gì đâu. Mấy lần đi ngang đưa tiền qua cầu cho ông già, bạn vẫn nở một nụ cười híp mắt. Một hôm trời mưa lớn, bạn dừng lại đụt mưa với ông già, manh áo mưa đã tả tơi vì trận gió trên đường, người ngợm ướt nhẹp. Ông già đưa chiếc khăn về phía bạn, rót cho bạn tách trà nóng: "Uống một ngụm cho đỡ lạnh đi chú em". Bạn gật đầu cảm ơn. Đám thanh niên dừng lại trả tiền cầu, ông già biểu chúng vào đụt mưa đợi tạnh rồi hãy đi. Tụi nó nhìn ông già cười: "Dân chơi sợ gì mưa rơi". Ông già nhìn chúng lắc đầu: "Đó chú em coi, con nít giờ nói không nghe". Bạn nhìn ông già cười: "Cha mẹ ở nhà nói chưa chắc gì chúng nghe, huống chi mình".

Ngồi buồn, ông già nói chuyện ngày xưa, ký ức của những cánh đồng cứ ám ảnh ông già. Hình dung cảnh ông già đứng trước cánh đồng bị cắt làm đôi, cảnh mấy cánh xe tải ghé xe lại đứng nép vào bụi chuối quay mặt về phía cánh đồng. Ông già nhắc hồi đó mưa vầy, xách tay lưới đi giăng, xách đèn đi bắt nhái là sáng ra khỏi phải đi chợ chi cho mệt. Đi rã cặp giò cũng không tìm thấy được đống rơm nào, để hít hà mùi rơm rạ ngày xưa, mấy chiếc xuồng leo lên bờ đựng đất… trồng hành. Ông già thở dài, cắn hột lúa còn sót lại trên bàn mà hồi chiều ông biểu thằng cháu nhổ tóc bạc. Lúa này chắc là lúa Tài Nguyên, à không Một Bụi Lùn mới đúng mà cũng có thể là Rẻ Hành cũng không chừng. Già rồi nên chẳng còn nhớ nổi, ngày xưa nhìn sơ qua tôi biết ngay. Giờ mua gạo từng lon, ăn thì biết là ăn thôi, chứ có tường tận nó được làm từ đâu đâu. Ngoài trời mưa rả rích, không biết dột từ đâu mà bạn nghe lòng mình lạnh buốt.

Đường dài khuya lắc - Ảnh 1.

Những con đường mới mở giúp việc đi lại của người dân miền Tây Nam Bộ thuận tiện hơn Ảnh: HƯNG NGHIỆP

Hỏi ông già sao không ở nhà cho khỏe. Khuya lơ khuya lắc còn canh "lụm bạc cắc" làm chi. Ông già nhìn bạn cười, ở nhà buồn hiu, suốt ngày quanh quẩn với bốn bức tường không sao ngủ được, ra đây ngồi cho bớt thấy cô đơn. Ông già nói mấy đứa con ở lì trên thành phố không chịu về, bà vợ ở nhà tối ngày ôm cái tivi. Không ai có thể dứt bà ra khỏi mấy bộ phim truyền hình dài tập, càng không bứt bà ra được mấy trò chơi truyền hình… làm khán giả bật cười (hay dùng mọi cách miễn khán giả cười). Thành ra, ông già thấy mình bị lãng quên…

Bạn chào tạm biệt ông già với con đường về xa ngái. Nghĩ, chắc bạn không còn gặp lại cánh đồng mênh mông nước, không còn nghe được sóng lúa rì rào. Ngọn gió đồng sẽ mang một mùi hương khác. Ông già ngó bạn buồn buồn, chú em về cẩn thận, cho tôi gửi lời hỏi thăm ông bà già ở nhà nghen. Gặp lần này không biết đến dịp nào mới gặp lại chú em. Bạn chưng hửng, con hay đi đường này lắm. Ông già cười như người ta bày nụ cười trên khuôn mặt, thằng con biểu lên ở với nó. Chắc phải đi.

Xe rời đi trong làn gió đêm xào xạc. Cuối cùng, ông già cũng bỏ cuộc mà đi, ký ức về cánh đồng rớt lại đâu đó trên dọc đường. Bạn sẽ không còn thấy bóng dáng buồn buồn của ông già mỗi khi dừng xe ở trạm dừng thu phí, chẳng còn ai đi cùng bạn qua những dặm dài tiếc nuối. Phía trước bạn là màn đêm vây bọc cánh đồng. Xa xôi lắm. 

"Cầm theo lo cho cháu"

Ông già nói dạo này thường có mấy vụ chặn xe lại giật đồ, chạy đừng có sát lề rong trơn dễ trượt bánh xe. Ngồi ở đây, thấy người ta té xe chở đi bệnh viện hoài. Bữa ngồi quán cà phê, bạn nghe người ta thuật lại ông già móc hết tiền trong túi đưa cho người đàn bà với đôi mắt sưng vù "chị cầm theo lo cho cháu, có gì về gửi lại, đêm hôm rủi có gì rồi sao". Rót thêm được ly trà thì nước trong bình cũng vừa hết. Mưa cũng vừa dứt, những gương mặt người rũ rượi sau một đợt mưa kéo dài ghé ngang đưa mấy đồng bạc lẻ kèm lời nhắn... khỏi thối. Ông già sốt ruột "chạy vừa vừa thôi".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo