Live concert "Vuông tròn" (Sky & Earth), vừa diễn ra vào ngày 16-6 tại sân khấu VOH (TP HCM), để lại nhiều ấn tượng với khán - thính giả bằng sắc màu pha trộn giữa phong cách jazz đương đại và âm nhạc truyền thống Việt Nam. Những ca khúc dân ca 3 miền của Việt Nam: "Hò kéo gỗ", "Hát thầm", "Lý tơ duyên", "Đố ai", "Lý cây bông", "Lý cắt cỏ"… cùng vài điệu hò quen thân trở nên lạ lẫm, mới mẻ…
Sáng tạo đầy sức hút
Đêm nhạc "Vuông tròn" là cuộc hội ngộ của 4 nghệ sĩ đến từ 4 nền văn hóa: Ballaké Sissoko (Mali), Kengo Saito (Nhật Bản), Patrice Heral (Pháp), Hương Thanh (Việt Nam). Đây không phải lần đầu tiên, ca sĩ Hương Thanh về Việt Nam biểu diễn nhưng lần nào chị cũng để lại những xúc cảm khó phai. Thậm chí, sau những buổi diễn của chị, công chúng và người trong giới lại khát khao "đó là sắc màu phát triển của nhạc dân tộc Việt". Nếu ca sĩ Hương Lan, chị của ca sĩ Hương Thanh, chinh phục khán giả bởi giọng ca ngọt ngào, tinh tế thì Hương Thanh lại mạnh về cảm xúc, sự sâu lắng. Trong mỗi đêm nhạc của mình, ca sĩ Hương Thanh luôn mang đến khán giả cảm xúc đặc biệt bởi những âm điệu dân ca truyền thống quen thuộc được chị khoác lên "chiếc áo" mới mẻ của jazz, world music…
Ca sĩ Hương Thanh nói cách chị thường hát nhạc truyền thống Việt kết hợp với các nghệ sĩ quốc tế là vì "Nếu mình hát thuần nhạc dân tộc với nhạc cụ truyền thống thì khán giả quốc tế sẽ rất khó tiếp cận và tiếp nhận, nên phải mượn nhạc cụ trung gian để truyền tải. Một khán giả Nhật thấy trong ban nhạc của tôi có nhạc cụ Nhật, nghệ sĩ Nhật thì họ dễ chú ý hơn".
Ngô Hồng Quang cũng là nghệ sĩ gắn bó và say mê âm nhạc dân tộc Việt Nam với khả năng chơi giỏi nhiều nhạc cụ cùng giọng hát trầm ấm. Anh cũng là nghệ sĩ đã đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam đến với công chúng quốc tế qua những dự án âm nhạc rất táo bạo của mình, tạo nên những khoảnh khắc thú vị khi hát nhạc dân tộc trên nền nhạc ngũ tấu (violin, viola, cello và double bass), có cả beatbox (cùng với beatboxer Trung Bảo). Ngô Hồng Quang cứ thế gặt hái thành công khi mang những giá trị truyền thống hòa vào hành trình sáng tạo âm nhạc đương đại.
Đêm nhạc của nghệ sĩ Hương Thanh tối 16-6 tại TP HCM. Ảnh: CHUỒN CHUỒN KIM
Cần thay đổi
Thường thì những đêm nhạc nói trên đều có tài trợ. Điều này khác với những gì nghệ sĩ đang theo đuổi dòng nhạc dân tộc ca thán: "Nhạc dân tộc bị quay lưng". Nhiều nghệ sĩ bày tỏ họ thật sự tuyệt vọng khi nhà tài trợ nào nghe nói đến nhạc dân tộc là lắc đầu. Sự chán nản và mất niềm tin vào tương lai của nhạc dân tôc Việt gần như là tâm trạng chung của những người theo nghiệp diễn nhạc dân tộc.
Thế nhưng, sự quay lưng này của công chúng là có lý do của nó. Nhiều nghệ sĩ nhạc dân tộc vẫn mãi làm theo tư duy kiểu cũ. "Chương trình biểu diễn không có khán giả bởi khí nhạc thì quá xa cách và vì không có ca sĩ hát" - nghệ sĩ Cao Hồ Nga tâm tư.
Nhất là khi lớp khán giả hôm nay đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Đặc biệt với khán giả trẻ, có đủ điều kiện để tiếp cận với âm nhạc thế giới, đang phát triển mạnh mẽ. Sự đổi mới và tiếp cận với âm nhạc thế giới của nhạc dân tộc cũng chính là cách tiếp cận khán giả trong nước. Những đêm diễn nhạc dân tộc thuần chất với đàn T’rưng, đàn tranh, đàn bầu, đàn kìm, sáo trúc… thực sự thú vị với khán giả nghe lần đầu nhưng sẽ mau ngán nếu nghe lại vài lần sau đó. Đó là lý do chỉ vài thay đổi nhỏ của các nghệ sĩ trẻ trong biểu diễn khi kết hợp nhạc cụ dân tộc với nhạc điện tử như cách làm của nhóm Giao Thời đủ tạo nên những hiệu ứng khác biệt.
Tuy nhiên, cách làm này vấp phải sự phản đối của những người theo đuổi nhạc dân tộc truyền thống bảo thủ. Nghệ sĩ Hương Thanh tâm sự rằng biểu diễn ở nước nào chị cũng thấy thoải mái nhưng về diễn ở Việt Nam là run. Dù vậy, những gì chị đã làm không chỉ chinh phục khán giả thế giới mà cả khán giả Việt. Album "Vẻ đẹp mong manh" của Hương Thanh và Nguyên Lê (phát hành 2007) không chỉ đoạt giải Âm nhạc thế giới về dòng nhạc dân tộc của đài France Musique (Pháp) mà còn là một trong những sản phẩm được ưa thích của khán giả Việt.
"Không chỉ khán giả thế giới mà ngay cả với khán giả Việt cũng có nhu cầu thưởng thức những điều khác biệt trong một sản phẩm âm nhạc đã quá đỗi quen thuộc với mình là nhạc dân tộc. Nếu chỉ làm theo kiểu cũ thì làm sao có tính giải trí để chinh phục lớp khán giả mới?" - nhạc sĩ Tiến Luân nhận định.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho rằng: "Âm nhạc cũng cần kết hợp cũ và mới. Vì sao nhạc country của Mỹ có thể làm cho khán giả nhảy nhót theo? Làm sao mà nhiều nghệ sĩ quốc tế lại dùng chất liệu nhạc dân gian của nhiều quốc gia trên thế giới để viết nên những bản tình ca hiện đại? Vì chúng có thể tạo nên những hiệu ứng đặc biệt trong việc thu hút người nghe. Nếu muốn có sự thu hút đó, ít nhất với khán giả nước nhà, chúng ta phải có sự kết hợp giữa những giá trị cũ với hơi thở của đương đại. Đó là lý do tại sao phải bảo tồn và phát triển. Trong âm nhạc, cũng không ngoại lệ".
Bình luận (0)