Phố Nhà Thờ ở Hà Nội là đoạn phố ngắn, nối từ Nhà Chung sang phố Hàng Trống. Ấy vậy mà nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã từng trang trải ấu thơ ở đó. Không chỉ riêng ông Khoát với nhóm "Xuân Thu nhã tập", có một thành viên khác của nhóm Tricea cũng lớn lên từ con phố này. Đấy là nhạc sĩ Dzoãn Mẫn.
Dzoãn Mẫn sinh năm 1919 trong một gia đình công chức ham mê nhạc cổ, thích ca trù, chèo, tuồng, cải lương. Không gian âm nhạc ấy đã ngấm vào Dzoãn Mẫn từ thuở nhỏ. Vào thanh xuân, Dzoãn Mẫn đã cùng Văn Chung, Lê Yên lập ra nhóm Tricea. Năm 1937, ông đã viết tác phẩm đầu tay "Tiếng hát đêm thu" do Văn Chung đặt lời. Hứng khởi tuổi trẻ đã khiến Dzoãn Mẫn vừa trau dồi ngón đàn guitare Hawaiene qua Nguyễn Thiện Tơ, vừa viết ra những ca khúc lãng mạn như "Gió thu", "Một buổi chiều mơ", "Bến yêu đương", "Sao hoa chóng tàn", "Hương cố nhân", "Nhạc chiều", "Gió xa khơi"… nhưng độc đáo nhất là "Biệt ly".
Phạm Duy đã từng nhận định: "Dzoãn Mẫn mới là người thành công nhất trong nhóm Tricea". Có lẽ, ông đã rất đề cao "Biệt ly". Ca khúc nhằm diễn tả cuộc chia ly của đôi tình nhân ở cửa biển Hải Phòng. Chàng thì đi lính thợ sang Pháp lăn mình vào chiến tranh thế giới thứ hai, nàng thì quay về cô đơn ngơ ngác với chốn đô thị phồn hoa, ngơ ngác giữa thời cuộc thay đổi: "Biệt ly - Nhớ nhung từ đây - Chiếc lá rơi theo heo may - Người về có hay - Biệt ly - Sóng trên dòng sông - Ôi còi tầu như xé đôi lòng… Mấy phút bên nhau rồi thôi - Đến nay bóng em mờ khuất - Người về u buồn khắp trời - Người ra đi với ngàn nhớ thương…".
Nhạc sĩ Dzoãn Mẫn Ảnh: TƯ LIỆU
"Biệt ly" đã được giọng hát Kim Phụng réo rắt cảm thương ở rạp Majestic (nay là rạp Tháng Tám), tạo dựng vị trí Dzoãn Mẫn ngay từ những ngày đầu Tân nhạc và đã được hát suốt gần thế kỷ qua. Ngay thập kỷ trước, tài tử Ngọc Bảo đã hát "Biệt ly" thổn thức như chính sự biệt ly của ông và tác giả "Biệt ly" vẫn còn lại.
https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/biet-ly-le-thu.nyxCzj1VFZ6L.html
Sau Cách mạng Tháng Tám, vào đêm toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, khi đàn em Lương Ngọc Trác (sinh năm 1928) cùng dân phố Nhà Thờ đã rời xa nghiệp nhạc công quán bar, hăng hái tham gia tự vệ khu phố, Dzoãn Mẫn đã nổi tiếng với "Nhắn người chiến sĩ" viết năm 1944 mang giai điệu độc đáo gồm những quãng tám lên xuống xen kẽ gập ghềnh như thét nhạc trong ca trù và đã được Thương Huyền, Mai Khanh thể hiện rất thành công khiến nhiều người ưa chuộng. Không chỉ thế, ông còn viết hành khúc "Dũng tiến" được Đinh Ngọc Liên chuyển soạn cho dàn kèn quân nhạc. Bởi vậy, lặng lẽ rời phố Nhà Thờ, Dzoãn Mẫn lên đường kháng chiến cùng cả dân tộc.
Dọc đường trường chinh, là nhạc sĩ của Đoàn Văn công Nhân dân, với bản lĩnh của mình, sáng tạo nào của Dzoãn Mẫn cũng mang hồn vía Việt. Những ca cảnh "Đi dân công", "Gia đình cụ Cán đi lính nghị", "Chiếc áo trắng"… cùng những ca khúc "Những mầm sống mới", "Khúc hát dân quân chiến thắng", "Sông Thao", "Nuôi quân"… luôn là nơi Dzoãn Mẫn thể hiện bản sắc dân tộc trong sáng tạo của mình.
Hòa bình lập lại, Dzoãn Mẫn là thầy dạy môn xướng âm đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) và viết sách "Tự học xướng âm". Ông đặc sắc trở lại cùng bản sắc dân tộc qua "Gọi nghé trên đồng" (lời Hồng Đăng). Một khúc mục đồng tung tăng, tươi tắn, hồn nhiên sau "Tiếng hát chăn trâu" và "Lỳ và sáo" của Văn Chung. Có cái gì đó rất đồng bằng Bắc Bộ tượng hình lũ trẻ chăn trâu chạy đùa ríu rít trên bãi cỏ thênh thang:
Tình tang tang tang tang tính tang tang tang. Ô nghé ơi xem kìa. Ta có bông lúa chín chín chín vàng là bông lúa vàng. Tình tang tang tang tang tính tang tang tang. Ô nghé ơi nhìn xem kìa. Ta có bông lúa chín lúa chín chín vàng đồng ruộng thênh thang…
Câu chuyển đoạn nhịp chậm lại như tiếng sáo vi vu vút lên bầu trời: Bê nghé tha hồ gặm cỏ xanh non.
Từ những tình cảm riêng tư hướng nội ở "Biệt ly", Dzoãn Mẫn đã chầm chậm hướng bút pháp của mình ra ngoài cuộc đời để đón nhận sự đổi thay của đất nước, sự biến chuyển của cách mạng để có "Gọi nghé trên đồng" dung dị, cảm xúc qua những âm hưởng mang nặng nhạc truyền thống.
Sau thời gian dạy xướng âm, Dzoãn Mẫn về Phòng Giáo vụ Trường Âm nhạc Việt Nam đến năm 1972 rồi về Viện Âm nhạc. Ở đấy, ông đã để lại những công trình nghiên cứu như "Góp phần tìm hiểu sự hình thành nền âm nhạc cải cách Việt Nam giai đoạn 1930-1945" và "Những bước phát triển trong công tác đào tạo cán bộ âm nhạc từ Cách mạng Tháng Tám đến năm 1975".
Nhiều năm sau ngày thống nhất đất nước, căn nhà ông ở phố Nhà Thờ trở thành quán rượu nhỏ, đồng thời là nơi các bạn hữu tụ quần, chia sẻ. Từ ngày đổi mới, mở cửa, những sáng tác thời tiền chiến của ông nhất là "Biệt ly" được hát trở lại. Dzoãn Mẫn cảm thấy được hồi sinh. Ông luôn cười tươi trong dáng vẻ lão thực. Cũng chính thời gian ấy, ở quán rượu này, tôi đã được gặp ông ở tuổi "Nhân sinh thất thập". Ông rất vui khi tôi nhắc đến tác dụng của cuốn "Tự học xướng âm" với thời trai trẻ của mình. Ông thường nhỏ nhẹ nói về những mẩu chuyện của ngày xa xưa, nhờ thế mà tôi cũng biết nhiều về các nhạc sĩ khác, về nhóm Tricea của các ông. Thỉnh thoảng xem ti vi, thấy ai hát "Biệt ly", ông đều gọi máy cho tôi để trao đổi. Dzoãn Mẫn cứ thế, cứ lặng lẽ dâng hiến và chiêm nghiệm đời cho đến khi ra đi ở tuổi 88.
(*) Xem Báo Người Lao Động số thứ bảy từ ngày 26-8
Bình luận (0)