icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gặp lại mình trong "Người ấy và tôi"

NGUYỄN NHÃ TIÊN

Trong thế giới đó, từ những trang sách đó, tôi đã gặp lại chính mình, gặp lại xứ sở của mình, ngỡ như chạm được tiếng gọi "đò ơi" trên quê quán tôi xưa

Cứ đều đặn chừng vài ba năm một lần, nhà văn Hoàng Nhật Tuyên lại cho ra mắt công chúng một tác phẩm mới. Năm này tiểu thuyết, năm kia là một tập truyện thiếu nhi, lại có năm anh trình làng một tập bút ký. Tập truyện ngắn "Người ấy và tôi" là đầu sách thứ 12 của Hoàng Nhật Tuyên vừa được NXB Đà Nẵng ấn hành với 25 truyện ngắn.

Gặp lại mình trong Người ấy và tôi - Ảnh 1.

Từ lâu, tôi vẫn thường làm quen với văn chương Hoàng Nhật Tuyên trên các báo và tạp chí văn nghệ. Gần nhất là tập bút ký "Ăn tô mì Quảng nhớ chuyện bao đồng" của anh xuất bản cách nay vài năm. Ai cũng hiểu, hai thể loại bút ký và truyện ngắn khác nhau từ kỹ thuật viết cho đến "nguyên vật liệu" để làm nên tác phẩm. Tôi muốn nói tới cái tạng văn, cái giọng điệu riêng của Hoàng Nhật Tuyên, bởi nó đích thị là thứ của cải riêng đã góp phần tạo nên bút pháp của nhà văn.

Giọng văn Hoàng Nhật Tuyên đĩnh đạc mà từ tốn, gọn gàng kiệm lời nhưng lại nhuốm màu cổ điển. Nó đơn sơ nhưng vang ngân, giản dị mà lại dễ khơi gợi trong lòng người niềm xao xuyến. Thế nhưng, từ cái giọng điệu tưởng bình thường kia lại làm nên sự bất thường, từ đó tạo ra tình huống cho từng truyện. Nó như một vòng xoáy ta chợt phát hiện ra trên dòng chảy êm đềm của một dòng sông hoặc một ánh lửa bất ngờ ta bắt gặp cháy lên trong bóng tối mênh mông vô định... Từ thế giới thường nhật tưởng chẳng lấy gì làm đặc sắc ấy, các nhân vật của Hoàng Nhật Tuyên bước ra - là Khánh, là Hạnh trong "Sông sớm"; là cô bé Dung, là Dân trong "Giếng xưa"; là cô Sáu Chi, ông Thuấn trong "Nốt nhạc khói màu lam"...

"Chiếc thuyền nhỏ chẳng có người lái hơi tròng trành, sau đó cứ thế lững lờ giữa dòng sông sớm. Từ trên bến, hình như có ai đó đi chợ sớm, cất tiếng gọi đò: Đò ơi...ơ...ơi !" ("Sông sớm"). Sự bất thường ở đây là chuyện va chạm nhau giữa các nhân vật đã tạo nên tình huống ngộ nhận của những số phận bấp bênh. Và, những tình huống đặt ra như thế, dường như là kiểu mô-típ nghệ thuật tiềm ẩn trong truyện ngắn Hoàng Nhật Tuyên. Trong "Người ấy và tôi", nó không chỉ thể hiện sự tiềm ẩn ở các nhân vật mà cách sáng tạo của nhà văn còn ký gửi vào cảnh quan thế giới, thời khắc huyền thoại, sự biến ảo bất ngờ.

"Lạ thật! Cô Sáu tự nhủ, đứng ngẩn ra trong giây lát và rồi cuối cùng cô xác định không một chút nghi ngờ: Tiếng hát phát ra từ bức tường. Tại sao lại có chuyện lạ lùng thế này được? Người đàn bà xoa mặt, ngoáy tai một lần nữa. Không phải mơ? Mình đang hoàn toàn tỉnh táo kia mà? Chẳng lo lắng nhưng cô Sáu không giấu được xúc động trước hiện tượng kỳ lạ này. Ngày hôm sau, đến cơ quan cô lại nghe tiếng hát, cô liền nghiêm chỉnh gõ cửa phòng giám đốc, trịnh trọng trình bày sự thể.

Giám đốc công ty còn trẻ, tuổi mới bốn mươi, tỏ ra ngạc nhiên, hai tay vân vê đôi gọng chiếc kính cận dày cộm. Khi cùng vài người nữa đứng trước bức tường nhà kho, anh ta cười bảo: Chắc là thần kinh chị Sáu không ổn rồi..." ("Nốt nhạc khói màu lam").

Đọc chầm chậm từng trang truyện ngắn của Hoàng Nhật Tuyên trong "Người ấy và tôi" mới khám phá cái ốc đảo của riêng anh, cho dù không phải truyện nào nhà văn viết ra cũng đạt được cái hay cái đẹp. Tuy vậy, trong chừng mực nào đó, nếu quan niệm rằng một truyện ngắn được cho là thành công, neo được vào lòng người đọc ít nhiều sự độc đáo của nó thì "Người ấy và tôi" của Hoàng Nhật Tuyên đã đạt được kết quả ấy. 25 truyện ngắn trong "Người ấy và tôi" là 25 thế giới hoàn toàn khác nhau, hầu như không có bóng dáng của sự na ná chồng lặp các tình huống cho đến cốt truyện.

Hiện thực, kỳ ảo, lãng mạn..., cứ thế Hoàng Nhật Tuyên tạo dựng thế giới riêng cho mình. Trong "Thư gởi người thi sĩ trẻ tuổi", Rainer Maria Rilke - nhà văn lừng danh của Đức - viết: "Một tác phẩm nghệ thuật chỉ tuyệt vời, có hồn phách là khi nào nó xuất phát từ một sự đòi hỏi nhu cầu nội tại. Chính bản chất nguồn gốc của nó sẽ phán định về nó". Nội tại hay là nội giới của Hoàng Nhật Tuyên đã thai nghén "Người ấy và tôi" hồn phách đẹp nhường nào, mỗi người có dịp đọc qua sẽ tự hồi âm. Tôi biết trong thế giới ấy, thế giới của những "Giếng xưa", "Mẹ", "Hồn quê"..., từ những trang sách đó, tôi đã gặp lại chính mình, gặp lại xứ sở của mình. Ngỡ như chạm được tiếng gọi "đò ơi" trên quê quán tôi xưa! 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo