- “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung): “Già lừa đạp dưa thối (lừa: thú cùng họ với ngựa, nhưng nhỏ hơn, tai dài, nuôi để kéo xe). Già rồi, khôn ngoan lọc lõi mà còn mắc phải việc dại dột (ví như con lừa già mà dẫm phải dưa thối)”.
- “Thành ngữ tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Bùi Hạnh Cẩn): “Già lừa đạp dưa thối (già lừa: con lừa già): Già rồi, tưởng khôn ngoan lọc lõi mà còn mắc phải việc dại dột”.
- “Từ điển tiếng Việt” (Ban Biên soạn chuyên từ điển New Era): “Già lừa đạp dưa thối: Già rồi, khôn ngoan lọc lõi mà còn vướng mắc phải việc dại dột, ví như con lừa già giẫm phải dưa thối”.
- “Từ điển thành ngữ - tục ngữ - điển tích Việt Nam” (Nhóm Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ): “Già lừa đạp dưa thúi - tng. Lừa lọc nhiều, mắc phải người xấu hay vật xấu”.
Cũng với dị bản này, nhưng trong sách “1575 Thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm”, Lê Gia không đồng ý với cách giải thích của Nhóm Vũ Dung và “bàn lại” như sau:
“Già lừa đạp dưa thối: Nghĩa câu: Con lừa già không ngoan nhưng sức yếu nên đạp phải quả dưa thối bị trơn trợt mà té ngã. Nghĩa bóng: Tính già tính non quá, lừa lọc lắm (già lừa) cuối cùng gặp phải cái xấu. Lừa lọc kén chọn quá mức thì dễ rơi vào sự hư hỏng. Gần giống nghĩa câu “Già kén kẹn hom”. Thí dụ: “Đúng là ‘già lừa đạp dưa thối’, nó kén vợ mãi cuối cùng lại lấy phải con vợ chẳng ra gì”.
Lê Gia lý giải: “Ở đây ta lại cần hiểu là “lừa” có hai nghĩa, con lừa và lừa lọc. Còn như cho rằng “con lừa già đạp phải quả dưa thối” là kẻ già đời mà dại dột và chẳng làm nên việc gì thì hình tượng này không lột hết ý nghĩa ấy. Nếu muốn hiểu theo ý này thì ta nên dùng câu “Bợm già mắc bẫy cò ke” hoặc “To đầu mà dại, bé dái mà khôn”…
Cả Lê Gia và các nhà biên soạn từ điển đều nhầm lẫn tai hại khi hiểu hai chữ “già lừa” nghĩa là lựa chọn quá kỹ, thành “già lừa” nghĩa là con lừa già:
- “Việt Nam tân tự điển” (Thanh Nghị) giải thích: “già - quá độ thường, quá mức thường, hơn”; “lừa” - đt. Lựa <> Năm lừa bảy lọc. || Lừa cơ. Lừa dịp. Lừa khi nht. Lừa cơ”.
- “Việt Nam tự điển” (Hội Khai trí Tiến Đức) giải thích rõ: “lừa” là “Do tiếng “lựa” đọc trạnh đi”.
Chính vì chưa hiểu nghĩa của chữ “lừa” mà sách “Từ điển từ láy tiếng Việt” (Viện Ngôn ngữ học - Hoàng Văn Hành chủ biên) thu thập từ “lọc lừa - đgt. (cũ). Chọn đi chọn lại quá kỹ càng, cẩn thận. Lọc lừa từng li từng tí”. Tuy nhiên, đây là từ ghép đẳng lập: “lọc” có nghĩa là “lựa chọn”, mà “lừa” cũng có nghĩa là “lựa chọn”:
- Từ điển Lê Văn Đức: “lọc” - đt. Gạn lấy cái tốt, dùng được, bỏ cái xấu, dùng không được: Lọc cà-phê, lọc dầu, lọc máu, lọc nước, bình lọc, bột lọc; Hoài mâm bánh lọc để ngâu vày (HXH). (R) Chọn-lựa kỹ: Chọn-lọc, lừa-lọc; Mẹ em năm lọc bảy lừa, Mua gà hóa quốc mua dưa phải bầu (CD)”.
- Từ điển Thanh Nghị: “lọc-lừa” - đt. Lựa chín-chắn cẩn thận <> Năm lọc bảy lừa”.
- Việt Nam tự điển: “lừa-lọc” - Chọn đi lọc lại <> Khuôn xanh lừa-lọc đã đành có nơi (K)”.
- “Tục ngữ phong dao” (Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc): “Già lừa nhỡ lứa”.
- “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân): “già lừa nhỡ lứa” - ng. (Lừa là lựa chọn) Chê người phụ nữ khó tính nên không lấy được chồng <> Cô ta đã bốn mươi tuổi, nên già lừa nhỡ lứa rồi”.
Do hiểu lầm “già lừa” (lựa chọn, kén chọn quá kỹ) thành “già lừa” (con lừa già) nên các nhà sưu tầm, biên soạn (hoặc chính dân gian sau này) đã sửa “MẮC dưa thối” thành “ĐẠP dưa thối” cho “hợp” nghĩa. Nhưng con lừa có bốn chân, chẳng may nó có “đạp phải quả dưa thối” thì cũng khó có thể “bị trơn trợt mà té ngã” như Lê Gia giải thích. Hơn nữa, nếu do “Con lừa già không ngoan nhưng sức yếu” thì việc “đạp phải quả dưa thối”, hay “dưa lành”, thì “té ngã” vẫn là “té ngã” chứ đâu có khác gì nhau?
Chúng ta hãy còn tìm thấy dị bản đúng “Già lừa MẮC dưa thối” và cách giải thích nghĩa bóng chính xác trong sách “Đại Nam quấc âm tự vị” (Huình Tịnh Paulus Của): “Già lừa mắc dưa thúi. Kén chọn lắm thì sao cũng có lầm. (Nói về sự kén vợ kén chồng)”. Dị bản đồng nghĩa: “già kén kẹn hom” - [kng] nói trường hợp kén chọn kỹ quá để đến nỗi tình duyên lỡ làng, cuối cùng vẫn gặp phải cảnh không như ý” (“Từ điển tiếng Việt” - Vietlex).
Như vậy, “Già lừa mắc dưa thối” nghĩa là lựa chọn khắt khe, kỹ tính quá cuối cùng có khi lại mắc (bị/phải) quả dưa thối. Hiểu rộng hơn, khi lựa chọn quá kỹ, cuối cùng buộc phải đưa ra quyết định thì lúc này con người ta đã bị “nhiễu” bởi quá nhiều thông tin khiến sự lựa chọn không còn sáng suốt nữa. Hoặc lựa chọn mãi, cuối cùng không còn cái tốt mà trước đó đã bỏ qua. Nghĩa là cuối cùng có khi sự “già lừa” phải phụ thuộc vào sự may rủi hoặc bất đắc dĩ mà phải lựa chọn cho lấy có.
Bình luận (0)