Nhân 10 năm mất của ông, ngày 22-8, đơn vị mua bản quyền Sơn Nam là NXB Trẻ sẽ tổ chức kỷ niệm cùng tái bản hơn 20 tập sách của ông. Có thể nói, suốt đời theo nghiệp viết, Sơn Nam chỉ đeo đuổi một đề tài: Tìm hiểu, khảo cứu và ghi chép lại ký ức khẩn hoang của người miền Nam, để qua đó tìm ra giá trị văn hóa cốt lõi con người và vùng đất phương Nam của Tổ quốc. Điều này đã làm nên giá trị rất riêng ở nhà văn này.
Con người bình dị
Nhà văn Sơn Nam sinh ngày 11-12-1926 tại vùng U Minh Hạ thuộc huyện An Biên, Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Về gốc gác gia tộc, ông từng cho biết: "Ông nội tôi chào đời ở Cù lao Ông Chưởng (An Giang) khoảng năm 1840, ông cố tôi cũng ở đấy, từ xưa. Ông nội tôi chạy giặc Pháp, qua Rạch Giá rồi xuống U Minh. Khi lớn lên, đâu khoảng tôi 6 tuổi, cha tôi là con út trong gia đình bèn bỏ quê hương đi khẩn đất, lên phía Bắc, ven vịnh Thái Lan, cách thị xã Rạch Giá 15 km phía Hà Tiên".
Một số đầu sách của nhà văn Sơn Nam được NXB Trẻ tái bản trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông
Khóc tiếng oa oa chào đời, Sơn Nam được cha mẹ đặt tên Phạm Minh Tài, nhưng người ghi sổ bộ trong làng lại ghi nhầm "Tày"! Tại sao ký bút danh Sơn Nam? Ông giải thích: "Hồi xưa, ở xóm nhỏ ven rừng U Minh Hạ, quanh nhà tôi là xóm người Khơ-me. Khi thấy mẹ tôi và tôi đều đau yếu, một phụ nữ Khơ-me, tên là Thị Cà-Xúc mỗi ngày tự nguyện đến cho tôi bú và mớm cơm xem như con ruột... Bút hiệu của tôi lấy chữ Sơn đứng đầu, nhằm nhắc nhở sự gắn bó với người dân tộc Khơ-me mà nhiều người mang họ Sơn, họ Thạch".
Thuở ấu thơ, nhà văn Sơn Nam học tiểu học ở quê, học trung học tại Cần Thơ. Trong hồi ký, ông có nhắc chi tiết cảm động: "Quần áo được mẹ tôi may tay cho rẻ hơn may máy. Trước khi đi học xa, mỗi năm về nhà có mấy tháng hè, mẹ tôi buồn buồn nhìn đứa con yêu quý là tôi, căn dặn nhiều lần. Bấy giờ đâu vào khoảng năm 1937, đại khái tôi còn nhớ như sau: Ráng học cho vẻ vang dòng họ mình, mình là dân U Minh, ai cũng chê dốt nát, quê mùa, áo mốc, chân phèn...". Lời dặn sau cùng mà mẹ tôi nhắc đôi ba lần là nên nhường nhịn bất cứ ai. Mình yếu đuối, ốm o thì nên tránh chuyện nổi nóng, chửi thề, đánh đấm. Đi học nơi xứ người, rủi có bề gì, không ai bênh vực".
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê...
"Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy", Sơn Nam… làm thơ! Ông có tập thơ "Lúa reo", in năm 1948. Nhưng tài năng ông chỉ thật sự phát huy rực rỡ khi viết văn xuôi và biên khảo. Rằng, sau những chuyến đi thực tế trong kháng chiến, ông viết được truyện ngắn "Bên rừng Cù lao Dung" - Giải thưởng Văn nghệ Cửu Long của Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam Bộ năm 1951-1952; ký sự "Tây đầu đỏ" cũng được Giải thưởng Văn nghệ Cửu Long của Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam Bộ năm 1953-1954.
Như ta đã biết, lịch sử hình thành vùng đất phương Nam gắn liền với công cuộc khẩn hoang trải qua nhiều thế kỷ. Qua cách nhìn của một con người có biệt danh "ông già đi bộ", đã sống cùng vùng đất này, Sơn Nam cho rằng: "Đem việc khẩn hoang làm đề tài "ăn khách" vì nó còn luẩn quẩn trong ký ức tập thể của người Sài Gòn và các tỉnh lị phía đồng bằng. Đánh cọp, bắt sấu - lươn - rùa - ếch - rắn. Mô tả việc khẩn hoang thời Pháp thuộc để khơi dậy sự đấu tranh chống thiên nhiên, chống cường hào ác bá thời Pháp. Viết nghiêm túc, thật lòng, không cường điệu, tức là mình đã có chánh nghĩa".
Sau khi "Hương rừng Cà Mau" được xuất bản, lập tức gây tiếng vang lớn. Hầu hết các truyện ngắn này hấp dẫn ở chỗ Sơn Nam cũng lấy bối cảnh từ đồng bằng sông Cửu Long. Từ tính cách nhân vật cho đến ngôn ngữ đối thoại cũng đậm đặc bản sắc của con người miền Nam nước Việt.
Thời trai trẻ, ông đã có những tác phẩm khảo cứu nổi tiếng: "Tìm hiểu đất Hậu Giang" (1960), "Nói về miền Nam" (1967), "Người Việt có dân tộc tính không?" (1969), "Văn minh miệt vườn" (1970), "Miền Nam đầu thế kỷ XX - Thiên địa hội và cuộc Minh tân" (1971), "Gốc cây, cục đá và ngôi sao" (1973), "Lịch sử khẩn hoang miền Nam" (1973)… Từ năm 1975 trở về sau, ông vẫn tiếp tục với "Đồng bằng sông Cửu Long, nét sinh hoạt xưa", "Người Sài Gòn", "Gia Định xưa", "Bến Nghé xưa", "Nghi thức lễ bái của người Việt Nam", "Đình miếu và lễ hội dân gian", "Lăng Ông Bà Chiểu và lễ hội văn hóa dân gian", "Tiếp cận đồng bằng sông Cửu Long"... nay vẫn còn hữu ích cho bạn đọc.
Với Sơn Nam, còn có điều thú vị là dù ban đầu làm thơ nhưng nghĩ kém tài hơn các thi sĩ khác nên ly dị "nàng thơ". Thế nhưng, ông cũng để lại bài thơ cực hay in đầu tập truyện ngắn "Hương rừng Cà Mau", một cách nói về tâm thế của lưu dân khẩn hoang thuở trước: "Muỗi, vắt nhiều như cỏ/ Chướng khí mù như sương/ Thân không là lính thú/ Sao chưa về cố hương?/ Chiều chiều nghe vượn hú/ Hoa lá rụng, buồn buồn/ Tiễn đưa về cửa biển/ Những giọt nước lìa nguồn/ Đôi tâm hồn cô tịch/ Nghe lắng sầu cô thôn/ Dưới trời mây heo hút... / Hơi vọng cổ nương bờ tre bay vút/ Điệu hò... ơ theo nước chảy, chan hòa…".
Riêng 2 câu thơ kết: "Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê...", sau khi Sơn Nam mất, đã được hậu thế khắc ghi trên hai phiến đá, dựng hai bên đầu mộ; trong nhà lưu niệm của ông tại Mỹ Tho cũng được viết sơn son thếp vàng. Tất cả điều này cùng sự yêu mến của bạn đọc dành cho ông đã khắc họa khái quát nhất về Sơn Nam - một người luôn ý thức lưu giữ ký ức khẩn hoang của miền Nam.
Một tâm hồn lạc lõng nhưng rất đẹp
Nhà văn cùng thời là Bình Nguyên Lộc nhận xét: "Sơn Nam là một tâm hồn lạc lõng trong thế giới buyn-đinh, trong thế giới triết hiện sinh, tranh trừu tượng và nhạc tuýt. Nhưng đó là một tâm hồn đẹp không biết bao nhiêu, đẹp cái vẻ đẹp của lọ sứ Cảnh Đức Trấn ở Tây Giang, có khác lọ hoa Ý Đại Lợi ngày nay và ít được người đời thưởng thức hơn là họ đã thưởng thức một tiểu thuyết gia chuyên viết truyện tình chẳng hạn nhưng phải nhìn nhận rằng cái đẹp Sơn Nam bất hủ".
Cái đẹp này, còn là ở chỗ sức lao động bền bỉ và nghiêm túc, có trách nhiệm. Và chính tinh thần này góp phần lý giải vì sao những công trình biên khảo của ông hầu như không lỗi thời theo năm tháng.
Bình luận (0)