Những ngày cuối năm 1946, trước thời điểm cam go nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ, đêm 19-12-1946, thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Không cam chịu thân phận nô lệ
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, những nỗ lực níu kéo hòa bình của Chính phủ liên hiệp kháng chiến và nhân dân ta đã không thể ngăn chặn âm mưu tái áp đặt nền đô hộ của thực dân Pháp đối với Đông Dương. Cuộc đối đầu giữa quân dân ta với quân thực dân xâm lược trước sau gì cũng bùng nổ. Ta cần thời gian để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến đã hiện diện trước mắt.
Những nỗ lực trên bàn đàm phán giữa Chính phủ ta với Pháp trong suốt năm 1946 chỉ làm rõ nét thêm dã tâm xâm lược của thực dân Pháp. Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3, rồi Tạm ước ngày 14-9-1946 là những bước nhượng bộ cuối cùng để nước Việt Nam non trẻ chuẩn bị thế và lực cho một cuộc chiến không thể tránh khỏi.
Thực dân Pháp tỏ rõ sự sốt ruột và không thể chần chừ thêm, tìm cớ xé bỏ những việc đã thỏa thuận trong các điều ước đã ký. Từ ngày 15-12 đến sáng 19-12-1946, quân Pháp liên tục có hành động khiêu khích, ra yêu sách, gửi "tối hậu thư" đòi giải tán lực lượng tự vệ của Chính phủ ta, đòi ta giao TP Hà Nội cho chúng tiếp quản trị an…
Ngay từ trưa 19-12-1946, tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" đã sẵn sàng. 20 giờ ngày 19-12-1946, nhà máy điện Yên Phụ cúp điện, đèn điện TP Hà Nội phụt tắt, tiếng đại bác từ các pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh rền vang thành phố, mở đầu cho toàn quốc kháng chiến.
Ngay trong đêm, thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Lời kêu gọi là lời hiệu triệu, tập hợp tinh thần và lực lượng, kết tinh sự đoàn kết, thể hiện quyết tâm và ý chí sắt đá, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, không cam chịu thân phận của người dân nô lệ, mất nước.
Sáng 20-12-1946, tại Hang Trầm (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội), Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đồng bào, chiến sĩ cả nước. Trong ảnh: Phát lệnh toàn quốc kháng chiến ở TP Hà Nội, tháng 12-1946. Ảnh: TTXVN
Tiếp nối những lời hiệu triệu non sông
Nhìn lại lịch sử, trong những thời khắc lâm nguy của dân tộc, ông cha ta đã luôn biết cách khơi dậy tinh thần đoàn kết, quật cường của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống quân Tống (vào năm 981 và 1077), những áng "Thơ Thần" ("Nam quốc sơn hà") với lời lẽ đanh thép đã trở thành bản "Tuyên ngôn độc lập", cũng là lời kêu gọi, động viên sĩ khí của quân dân cả nước trước kẻ xâm lăng.
Trước đội quân hung hãn Mông - Nguyên, vua tôi nhà Trần đã phát huy được "Hào khí Đông A" mà gốc rễ là tinh thần "Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước góp sức" để làm nên kỳ tích có một không hai trong lịch sử nhân loại: 3 lần đánh bại quân xâm lược Mông - Nguyên, giữ vững bờ cõi. Những lời lẽ thống thiết trong "Dụ chư tì tướng hịch văn" ("Hịch tướng sĩ") của Trần Quốc Tuấn là lời kêu gọi ba quân tướng sĩ, thể hiện khát vọng non sông, cùng chung tay "Sát Thát" mà bảo vệ giang sơn gấm vóc.
Sau thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, thay lời vua Lê Thái Tổ, Nguyễn Trãi thảo "Đại cáo bình Ngô", thay lời bố cáo thiên hạ, khẳng định nền độc lập trường tồn của Đại Việt:
"Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập; cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương.
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt thời nào cũng có".
(Nguyễn Trãi, "Đại cáo bình Ngô", bản dịch của Ngô Tất Tố).
Trước 29 vạn quân Mãn Thanh dưới triều đại Càn Long thịnh trị, vua Quang Trung - Nguyễn Huệ chỉ mất 5 ngày đêm để đánh tan kẻ xâm lược, buộc chúng phải "chích luân bất phản, phiến giáp bất hoàn" tháo chạy về nước. Lời thề tại phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn trước khi hành quân ra Thăng Long tiếp tục là lời hiệu triệu non sông khi vận nước đang bị đe dọa:
"Đánh cho để dài tóc!
Đánh cho để đen răng!
Đánh cho nó chích luân bất phản!
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn!
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ!".
(Lê Trọng Hàm, "Minh đô sử", sách chữ Hán, bản chép tay của Viện Sử học).
Ngôi nhà ở làng Vạn Phúc (nay thuộc quận Hà Đông, TP Hà Nội), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ảnh: TTXVN
Bài học về tập hợp sức dân
Cùng với Tuyên ngôn độc lập (2-9-1945), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-12-1946) là sự tiếp nối những áng tuyên ngôn bất hủ, lời hiệu triệu non sông trong những thời khắc quyết định đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc.
"Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!".
76 năm sau, lời kêu gọi ấy vẫn vang vọng, vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Nhân dân ta đã được hưởng hòa bình, đất nước đang trên đường phát triển nhưng nguy cơ tụt hậu so với thế giới vẫn hiện hữu. Trong thời đại mới, cái nhục của sự nghèo nàn, lạc hậu cũng không kém gì cái nhục của thân phận nô lệ, của người dân mất nước. Kẻ thù của chúng ta hiện tại không phải là giặc ngoại xâm mà là sự nghèo nàn, tụt hậu. Khát vọng của chúng ta hiện tại không còn là khát vọng độc lập mà là khát vọng hùng cường, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Muốn đạt được điều đó, không gì khác hơn vẫn là phải tập hợp và phát huy cho được sức mạnh của toàn dân.
Bài học từ lịch sử đã chỉ rõ: Chỉ khi nào tập hợp được sức dân, đất nước mới vững chãi. Xa xưa, mệnh trời là ở lòng dân. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn từng khuyên vua Trần Anh Tông: "Thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước".
Ngày nay, trước ngưỡng cửa của hội nhập phát triển, tinh thần "ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước" của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến cần được tiếp nối bằng việc mỗi người phải chung tay, ra sức xây dựng đất nước. Một lần nữa, muốn đạt được điều đó, không gì khác hơn vẫn là phải lấy dân làm gốc, bởi "Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân".
Nêu cao ý chí đoàn kết
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, sử sách Việt đã lưu dấu những bài hịch hiệu triệu lòng dân đứng lên chống trả, đánh đuổi kẻ xâm lăng nước ta của các vị anh hùng dân tộc. Cách đây 76 năm, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến - một bài hịch âm vang ngàn đời đối với dân tộc Việt Nam.
Lời kêu gọi đó đã cổ vũ tinh thần yêu nước của cả dân tộc cùng đồng lòng đứng lên chống thực dân Pháp với tinh thần "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ".
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công chưa được bao lâu, thực dân Pháp đã quay trở lại với mưu đồ xâm lược nước ta thêm lần nữa. Lúc này, chúng đơn phương xóa bỏ mọi cam kết, không thi hành Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước ngày 14-9-1946.
Trước thời khắc "ngàn cân treo sợi tóc" ấy, Bác Hồ kính yêu đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" được khơi gợi, nâng cao. Ý nghĩa đó thấm sâu trong hồn dân tộc, để đất nước ta thấm nhuần, trong mỗi giai đoạn thăng trầm luôn nêu cao ý chí đoàn kết, khi mà "Mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sĩ".
Vừa qua, trước sự hoành hành của đại dịch COVID-19, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, người dân cả nước nói chung và TP HCM nói riêng đã nêu cao ý chí đoàn kết ấy; biến mất mát, đau thương thành hành động. Mỗi gia đình là một "pháo đài", mỗi người dân là một "chiến sĩ" trong việc phòng chống dịch bệnh, để đất nước ta sớm phục hồi nền kinh tế và các hoạt động xã hội.
"Tôi cho rằng lời kêu gọi của Bác vẫn thôi thúc và tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững bước, vững tin vào thắng lợi trên con đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam" - nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nhấn mạnh.
Thanh Hiệp
Bình luận (0)