Nếu điểm lại danh sách những vai diễn đã làm nên dấu ấn, được bạn đọc yêu thích trên sân khấu tại TP HCM trong chặng đường 25 năm Giải Mai Vàng, thì Giải Mai Vàng tự hào có được một danh sách những vai diễn sân khấu ấn tượng được tôn vinh.
Hóa thân tài hoa
Sàn diễn kịch nói và cải lương trở nên thú vị khi sự xuất hiện của các nhân vật trong từng vở diễn hằng năm được bạn đọc đề cử và bầu chọn tranh Giải Mai Vàng.
Tạo được niềm phấn khởi cho người hâm mộ trong mùa đầu của Giải Mai Vàng (năm 1995) phải kể đến vai diễn ông Năm của nghệ sĩ Việt Anh trong vở "Dạ cổ hoài lang" (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP HCM dàn dựng). Anh đã chăm chút cho vai diễn, đồng thời tạo được thăng hoa cảm xúc để nhân vật ông Năm mang chiều sâu tâm lý, khiến người xem khóc cười với thân phận người già cô độc trên xứ người bên cạnh phong độ diễn xuất cũng tài hoa không kém của nghệ sĩ Thành Lộc (vai ông Tư). Với vai diễn này, nghệ sĩ Việt Anh đã tạo vị thế độc tôn trong mắt khán giả về sự hóa thân tài tình, để trong thời lượng cho phép của vở diễn, anh khiến khán giả khóc cười với nhân vật của mình.
Nghệ sĩ Bảo Quốc vai ông Tám - vở “Cánh đồng gió” trên Sân khấu Kịch Phú Nhuận
NSƯT Thành Lộc đã có những vai diễn tuyệt vời được bạn đọc tôn vinh Giải Mai Vàng qua các năm: Tất cả các vai trong chương trình "Những người thích đùa" (1996), Thành trong vở "Cậu Đồng" (1998), Sơn trong vở "Người trong bóng tối" (2002), Miên Tâm trong vở "Ngôi nhà anh Túc" (2005), Lê Thánh Tông trong vở "Vua thánh triều Lê" (2012), Thọ trong vở "Linh vật hoàng triều" (2014). Dấu ấn đậm nét và đáng nể phục về tài năng diễn xuất của anh phải kể đến vai Lê Thánh Tông trong "Vua thánh triều Lê". Dù đã quá độ tuổi để thể hiện vai Lê Thánh Tông lúc mới lên ngôi nhưng diễn xuất chân thật của anh đã mang lại cho nhân vật sự tươi trẻ, cảm xúc mạnh mẽ và nội tâm sâu sắc, cuốn hút khán giả qua từng lời thoại.
Nghệ sĩ Minh Vương vai Hoàng và nghệ sĩ Lệ Thủy vai Diệu trong vở cải lương “Lá sầu riêng”
Người xem cảm được vai diễn Lê Thánh Tông không chỉ vì đó là nhân vật trung tâm mang tính tư tưởng của vở mà là một con người đã hiểu được cái gốc của đạo. Chính điều đó khiến nhân vật của anh càng có sức thuyết phục hơn và có giá trị nhân văn hơn.
Nghệ sĩ Hữu Châu có 2 vai diễn đoạt giải: ông Cả trong vở "Cái tráp vàng" (2000) và Nguyễn Trãi trong vở "Bí mật vườn Lệ Chi" (2007) nhưng công chúng nhớ nhất vẫn là vai Nguyễn Trãi. Đó là bi kịch trung thần mà nghệ sĩ Hữu Châu đã tạo cho vai diễn trở nên đặc sắc trong hành trang nghệ thuật của mình. Hữu Châu đã lột tả chân dung, thần thái của vị anh hùng yêu nước, thương dân; tấm lòng đau đáu của Nguyễn Trãi là làm sao cho dân chúng hết cảnh lầm than, dẹp trừ hết bọn hoạn quan lộng quyền, tham ô, tàn ác. Vai diễn của anh khơi dậy lòng ái quốc của người xem khi nghĩ về bậc hiền tài của dân tộc.
Nghệ sĩ Thành Hội ghi dấu ấn trên sân khấu Hoàng Thái Thanh bằng vai Hướng trong vở "Hãy khóc đi em" (2004). Nhân vật của anh là sự tập hợp những cung bậc cảm xúc làm tan chảy những trái tim sắt đá nhất khi ngồi dưới hàng ghế khán giả. Chuyển thể từ truyện ngắn "Trăng nơi đáy giếng" của nhà văn Trần Thùy Mai, "Hãy khóc đi em" của đạo diễn Ái Như đã mang lại nhiều thông điệp đẹp, trong đó vai diễn của NSƯT Thành Hội tỏa sáng bởi khát vọng của người nghệ sĩ muốn mang đến công chúng vai diễn hay từ tác phẩm văn học. Qua vai Hướng, một lần nữa khẳng định tài năng của NSƯT Thành Hội khi anh thuyết phục hoàn toàn người xem với cách diễn chậm rãi, sắc nét, biết điều tiết những nhấn nhá để đẩy người xem đi đến cảm xúc tận cùng.
Nghệ sĩ Bảo Quốc cũng tìm được sự đồng cảm ở khán giả trong vai ông Tám, vở "Cánh đồng gió" (2006). Dù chỉ là vai phụ nhưng những phân đoạn hoảng loạn, thất thần đến mức chết lặng trước bi kịch của một xóm nghèo ven sông đã được Bảo Quốc thể hiện thật thú vị. Dễ nhận thấy có sự chăm chút cho vai diễn đến từng chi tiết nhỏ qua cách diễn của ông, cũng từ vai diễn này, ông góp phần làm thay đổi cách nghĩ của khán giả lâu nay rằng danh hài không thể diễn vai bi. Trước đó, trong hạng mục diễn viên hài được yêu thích, nghệ sĩ Bảo Quốc đã có hai vai diễn đoạt Giải Mai Vàng: Bao Công trong vở "Đoạn trường" (1995), ông Thiện trong vở "Thanh Xà - Bạch Xà (1996)…
Sức hút cá tính
Nghệ sĩ Cát Phượng 4 lần đoạt Giải Mai Vàng với 4 vai diễn cá tính độc đáo: Út Đẹt (vở "Yêu thầy" - 2000), Thị Nở (vở "Chí Phèo" - 2001), Loan (vở "Phận làm gái" - 2002) và Nương (vở "Cánh đồng bất tận" - 2009). Cát Phượng chinh phục khán giả vì biết cách quan sát cuộc sống, đưa vào vai diễn những trải nghiệm rất đời, số phận nhân vật qua cách thể hiện của Cát Phượng vì vậy ngày càng hấp dẫn người xem.
Nghệ sĩ Thành Lộc và nghệ sĩ Thanh Vy trong vở “Vua thánh triều Lê”
Nghệ sĩ Hữu Châu vai Nguyễn Trãi vở “Bí mật vườn Lệ Chi”
Năm 2003, nghệ sĩ Hồng Vân thắng Giải Mai Vàng vai Chị Dậu trong vở cùng tên. Vừa hài hước vừa sâu sắc, nhân vật chạm đến trái tim khán giả qua thủ pháp diễn xuất tinh tế, gây bất ngờ thú vị đối với công chúng.
Nghệ sĩ Thanh Thủy giành được Giải Mai Vàng với vai Nguyễn Thị Anh trong vở "Bí mật vườn Lệ Chi" năm 2007. Đi vào vai diễn này, chị phải mang tâm thế của một người phụ nữ nhiều tính cách, tâm trạng, một mảnh đất màu mỡ nhưng cũng đầy khó khăn. Độc đáo nhất phải kể đến cảnh độc thoại của nhân vật khi mơ thấy thái tử Ban Cơ bị hóa thành rắn. Cảnh diễn đầy tiếng cười và nước mắt, nỗi hoảng sợ, lo lắng tột cùng vì nuôi mưu kế hãm hại Nguyễn Trãi của nhân vật. Lần nào diễn, vào đến hậu trường, Thanh Thủy cũng khóc thật nhiều cho vai diễn của mình…
Dấu ấn tinh tế
Sàn diễn cải lương đồng hành cùng Giải Mai Vàng đã có nhiều vai diễn để lại dấu ấn tinh tế. Phải kể đến nghệ sĩ Vũ Linh với vai Nguyễn Địa Lô (vở "Bức ngôn đồ Đại Việt" - 1995) và cùng năm đó, nghệ sĩ Ngọc Huyền tỏa sáng với vai Nga (vở "Bông hồng cài áo"). Với giọng cao vút, vũ đạo tuyệt đẹp, Vũ Linh diễn vai Nguyễn Địa Lô - một vai lão tướng đã chinh phục hàng triệu trái tim khán giả. Ngọc Huyền đã đem lại cho vai Nga sắc diện mới của cô đào chuyên trị những vai tiểu thư, võ tướng nhưng khi thể hiện tâm lý nhân vật đương đại vẫn dạt dào thương cảm và lấy nước mắt người xem.
Năm 1998, cố nghệ sĩ Thanh Tòng đã được trao giải với vai Lý Đạo Thành (vở "Câu thơ yên ngựa") và cũng năm đó, nghệ sĩ Phương Hồng Thủy thể hiện xuất sắc vai Cầm Thanh (vở "Cô đào hát"). Bằng tài nghệ diễn xuất thượng thặng, cố nghệ sĩ Thanh Tòng đã tạo cho vai diễn ca ngợi lịch sử hào hùng của dân tộc này điểm nhấn độc đáo trên sân khấu cải lương tuồng cổ. Với nghệ sĩ Phương Hồng Thủy, vai diễn Cầm Thanh là dấu mốc tỏa sáng nhất trong sự nghiệp nghệ thuật của chị. Để từ sự sáng tạo này của chị, nhiều nữ nghệ sĩ trẻ đã dựa theo đó để sáng tạo vai diễn.
Năm 2002, hai vai diễn nổi bật được bạn đọc trao giải thuộc về nghệ sĩ Kim Tử Long (vai Thi Sách - vở "Tiếng trống Mê Linh") và nghệ sĩ Thanh Ngân (vai Lan - vở "Lan và Điệp"). Nghệ sĩ Ngọc Giàu nhận xét: "Đỉnh cao trong diễn xuất của Kim Tử Long và Thanh Ngân chính là giai đoạn này, các em đã có nhiều trải nghiệm nên rất chắc trong cách thể hiện tính cách nhân vật. Dù thể hiện lại vai nổi tiếng của thế hệ nghệ sĩ đi trước nhưng các em đã mang hơi thở cuộc sống, phả vào đó cách kể chuyện của người trẻ hôm nay".
Nghệ sĩ Vũ Luân giành Giải Mai Vàng năm 2007 với vai Lê Quyết (vở "Trời Nam"). Anh đã tạo sắc thái mới qua cách thể hiện vai lão của một nghệ sĩ trẻ. Biết cách nghiên cứu kịch bản, sáng tạo trong cách ca thần thái của một trung thần. Anh biết chọn lọc những chi tiết rất đắt, gầy dựng thêm cho số phận nhân vật những cay nghiệt, phũ phàng để lột tả đến tận cùng nỗi đau, đẩy đến bi kịch tưởng chừng không lối thoát.
Nghệ sĩ Minh Vương và nghệ sĩ Lệ Thủy là cặp đôi được nhận Giải Mai Vàng năm 2008. Họ sở hữu giọng ca tuyệt vời nên khi vào bản dựng mới của vở "Lá sầu riêng" và vở "Sông dài" đã tạo thêm điểm son cho sự nghiệp vốn được giới chuyên môn đánh giá cao. Vai Hoàng trong " Lá sầu riêng"của nghệ sĩ Minh Vương chọn cách ca hơi chồng, làm tôn đậm thêm nỗi đau bị chia cách của tình yêu dành cho cô Diệu. Chính cách diễn chân thật, vai diễn của anh đi vào trái tim khán giả bằng những rung động chân thật. Còn với vai Kim Sa, trong "Sông dài", nghệ sĩ Lệ Thủy làm rơi lệ hàng triệu khán giả. Cách diễn mộc mạc, chân thật của chị mang lại cảm xúc nghẹn ngào cho người xem khi nhân vật hối hận vì ngăn cản con gái yêu một chàng trai tật nguyền có tấm lòng cao thượng.
Ba cô đào: Tú Sương, Phượng Loan, Thoại Mỹ sở hữu tượng Mai Vàng cũng với các vai diễn nổi bật: Đào Tam Xuân (của Tú Sương năm 2004 trong vở cùng tên); Dung (của Phượng Loan năm 2006 trong vở "Nước mắt thâm tình"), Thúy Kiều (của Thoại Mỹ trong vở cùng tên năm 2007). Đạo diễn Trần Minh Ngọc nhận xét: "Phong cách diễn xuất của họ đã tạo được uy tín cho vai diễn, là tâm điểm những sáng tạo mang tính vượt bậc trong việc truyền tải đến người xem thông điệp cuộc sống. Họ chọn cách đối thoại với khán giả hôm nay qua nhân vật của mình".
Bình luận (0)