Sau thời gian bị bệnh thoái hóa não, NSƯT Giang Châu đã trút hơi thở cuối cùng lúc 6 giờ 35 phút ngày 8-5, hưởng thọ 68 tuổi. Ông ra đi trong sự thương tiếc của người thân, nghệ sĩ đồng nghiệp và đông đảo khán giả mến mộ, bởi những cống hiến của ông cho sân khấu cải lương và nhân cách của ông.
Nghệ sĩ chân đất
Rất nhiều cảm xúc ùa về trong lúc này khi nhớ đến NSƯT Giang Châu và quá trình gắn bó của ông với sàn diễn. Ở ông toát lên cốt cách giản dị của người nghệ sĩ xuất thân từ miền quê nghèo khó. Sinh ra và lớn lên tại Chợ Lách (Bến Tre), sớm phát hiện mình có giọng ca nên ông đã thường xuyên học vọng cổ qua đài phát thanh. Năm 14 tuổi, vì gia đình nghèo nên ông đi học nghề lái tàu. May mắn gặp ông chủ tàu là nghệ nhân đờn ca tài tử nên ông được dạy ca theo đờn. Ông bảo Hai Đực chủ tàu là người thầy đầu tiên hướng ông theo sự nghiệp ca diễn cải lương. Đi lên từ con số không, chưa một lần dám mơ mình sẽ là nghệ sĩ lớn, chỉ dám nghĩ được hát đám tiệc, cúng đình, phục vụ bà con là khoái lắm rồi.
NSƯT Giang Châu vai Trùm Sò và NSƯT Thanh Kim Huệ vai Thị Hến trong vở “Ngao Sò Ốc Hến”
Định mệnh dường như sắp đặt ông đi theo con đường ca diễn chuyên nghiệp khi Đoàn Cải lương Phước Châu về diễn cúng đình gần nhà ông nhận ông về đoàn, đó là năm 1971. Chịu học hỏi, hết lòng đón nhận những lời phê bình, ông ý thức việc muốn trở thành nghệ sĩ phải có ba yếu tố: giọng ca, diễn xuất và phong cách riêng.
Ngôi sao vai phụ
Ông có giọng ca trời phú nhưng ban đầu bị chê "ca giống Minh Cảnh", về sau ông sớm nhận biết phải thay đổi để tạo phong cách riêng. Ông sáng tạo câu vô vọng cổ bằng cách sắp chữ để câu ca trầm ấm, ngọt ngào. Được giới chuyên môn đánh giá cách ca thần sầu, mạnh mẽ, hợp với tính cách chân chất, nhà nông. Ông mừng nhưng vẫn chưa hài lòng, vẫn tiếp tục tìm lối đi riêng, đó là chạm đến cách ca vọng cổ hài của bậc thầy NSND Viễn Châu - người sáng tạo ra trường phái tạo tiếng cười châm biếm chua cay thông qua bài vọng cổ, NSƯT Giang Châu được xếp sau hai đàn anh: Văn Hường - Hề Sa về phong cách này.
NSND Huỳnh Nga nhớ lại: "Khi soạn giả Viễn Châu sáng tạo trường phái ca vọng cổ hơi hài, cách ca vọng cổ của Giang Châu theo trường phái này điêu luyện lắm. Anh biết nhấn nhá nhiều dấu, biết luyến láy ngọt ngào nên nghe rất đã tai". Theo ông, với cách ca này, Giang Châu đã làm cho nhân vật Trùm Sò trở nên bất hủ, không "đối thủ" dưới bất kỳ bản dựng của đạo diễn cải lương nào.
Về diễn xuất, Giang Châu thuộc hàng ngôi sao kể từ khi ông được đầu quân về Đoàn Cải lương Sài Gòn 2 và 3, thay thế NSƯT Phương Quang, nghiên cứu cách đào sâu nội tâm nhân vật, được các đạo diễn thượng thặng của sàn diễn cải lương như: NSND Huỳnh Nga, NSND Diệp Lang, NSƯT Thanh Điền dìu dắt, định hướng. Dù đã có tên tuổi, cát-sê rất cao nhưng ông vẫn biết lắng nghe để khẳng định thêm vị thế cho mình.
Ông thường tâm sự: "Đời tôi may mắn có nghề hát để đổi đời. Gia cảnh nghèo khó lắm. Dù tôi có giọng ca nhưng 2/3 quãng đường phấn đấu đều gặp chông gai, chưa bao giờ được giao vai chính. Có tủi thân, ngán ngẩm sự đời nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ nghề".
Phấn đấu để từng bước được công nhận, NSƯT Giang Châu đã tạc trong tâm trí khán giả những vai diễn để đời. "Hầu hết đều có những câu chuyện, hình ảnh của cuộc đời tôi trong các vai diễn mình thể hiện. Vui, buồn, nước mắt, mồ hôi và cả những bạc bẽo của phận đời nghệ sĩ... đều được tôi đưa vào nhân vật để đối thoại với chính mình" - ông từng tâm sự.
Dấu ấn khó quên trong sự nghiệp nghệ thuật của NSƯT Giang Châu chính là các vai diễn. Đi theo nguyên tắc xoáy sâu vào tận cùng tính cách nhân vật, Giang Châu có lợi thế vận dụng chất phóng khoáng hồn hậu của người nông dân Nam Bộ cho vai diễn của mình. Cách tiếp cận nhân vật của ông vì thế dễ bắt trúng "tần số" khán giả, bởi nó bình dân, mộc mạc và rất đời thường. Ở ông hiếm có những kiểu cách bóng bẩy, kệch cỡm nên người xem dễ nhớ, từ đó yêu thích tên tuổi của ông.
Nghiêm túc với nghề
Không dám xem mình là khuôn mẫu trong cách ca diễn, ông vẫn thường khiêm tốn mỗi khi các diễn viên trẻ hỏi về cách tiếp cận vai diễn. Ông nói: "Tôi chạm đến các vai diễn khi đặt bản thân mình vào nó, để cho nó ám ảnh mình suốt, rồi tôi đưa vào đó những trải nghiệm của chính mình nhằm sáng tạo ra đời sống rất riêng của từng nhân vật".
Ông là người nổi tiếng nghiêm túc và tôn trọng nghề. Khi diễn các vai hài, ông quan niệm mình cười cợt, châm biếm cái xấu nhưng phải có trách nhiệm, không để sự phấn chấn của nghệ sĩ dẫn đến cương ẩu, nói tục, làm hư vai diễn, làm dơ thánh đường nghệ thuật. Có người mời ông đưa vai Trùm Sò của mình ra diễn để giúp ông kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống khó khăn, ông từ chối vì tiết mục không đủ các nhân vật cho một trích đoạn đúng nghĩa. Chính sự nghiêm túc với nghề này của ông khiến đồng nghiệp tỏ lòng ngưỡng mộ.
Vĩnh biệt NSƯT Giang Châu, người nghệ sĩ đã cống hiến cả cuộc đời cho sân khấu cải lương, chưa kịp nhìn ngắm bằng danh hiệu NSND muộn màng của mình!
Nghệ sĩ có lòng nhân ái
NSƯT Giang Châu tên thật là Trần Ngọc Châu, sinh năm 1952 tại Chợ Lách, Bến Tre. Sự nghiệp ca diễn của ông trải qua các đoàn: Phước Châu, Hương Mùa Thu, Hoa Mùa Xuân, Ngân Điện - Ngọc Đính, Thanh Hương - Hùng Minh, Minh Cảnh 2, Trâm Hoa Mai... và vụt sáng trên sân khấu Đoàn Cải lương Sài Gòn 2, khi ông về đầu quân cho đoàn này.
Ông đã thể hiện xuất sắc hàng trăm nhân vật với đủ dạng tính cách trên sân khấu cải lương, trong đó có nhiều vai diễn để đời: Trần Hùng "Tìm lại cuộc đời", Trùm Sò "Ngao Sò Ốc Hến", Thừa "Tiếng hò sông Hậu", Út Chất "Ánh lửa rừng khuya", cô Ba Sáng "Những ánh sao đêm", Thái Ngọc "Khách sạn Hào Hoa", Tâm "Tô Ánh Nguyệt"...
NSƯT Giang Châu có người anh ruột sớm xuất gia theo nhà Phật, hiện là trụ trì một ngôi chùa lớn ở Long Xuyên (An Giang). Sau này vợ của ông - nghệ sĩ Ngọc Hiền - cũng xuất gia tu hành. Nỗi đau lớn nhất trong đời ông là sự ra đi của con trai khi còn rất trẻ vì mắc bệnh ung thư - nghệ sĩ Thế Sơn (Sân khấu Hoàng Thái Thanh).
Sau nhiều năm vắng bóng, ông đã trở lại sàn diễn với vai ông Tư trong kịch bản văn học "Trà Hoa Nữ" trên sân khấu đoàn 2 Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang năm 2015. Ông có tên trong danh sách được nhà nước trao tặng danh hiệu NSND đợt này.
Là nghệ sĩ có trái tim nhân ái, NSƯT Giang Châu thường xuyên tham gia các hoạt động biểu diễn ủng hộ từ thiện, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh và nghệ sĩ nghèo khó. Ông là thành viên tích cực của Sân khấu Vàng do NSƯT Minh Vương, NSND Lệ Thủy gầy dựng. Ngoài việc không nhận tiền cát-sê, ông còn đóng góp thêm để xây dựng được hơn 30 căn nhà tình thương cho đồng bào nghèo.
Bình luận (0)