Những ngày qua, chương trình đấu giá tranh online nhằm gây quỹ cho bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM chống dịch đã thu hút 50 họa sĩ tham gia. Các họa sĩ đã gửi đến sàn giao dịch trên không gian mạng xã hội và nền tảng số để giới thiệu và bán đấu giá các tác phẩm với đủ các chất liệu: sơn dầu, thủy mặc, điêu khắc...
Đợt đấu giá online đầu tiên gồm hơn 20 bức do Trung tâm Mỹ thuật Bụi tổ chức từ ngày 23-6 đến 3-7. Các họa sĩ tình nguyện quyên góp 10%-100% số tiền thu được để làm việc ý nghĩa. Với hình thức người đấu giá bình luận công khai trên fanpage chính thức của ban tổ chức, dưới mỗi tranh mà mình ưng ý, người tham gia đấu giá phải trả cao hơn người trước ít nhất 100.000 đồng. Cứ thế, chỉ trong vài ngày tổ chức, nhiều tác phẩm đã được bán với giá rất cao trong niềm vui của những họa sĩ, khởi đầu cho công việc đấu giá tác phẩm hội họa trên không gian mạng.
Tranh “Gian hàng 0 đồng” của họa sĩ Lê Sa Long Ảnh: NVCC
Những tác phẩm như: "Hẻm Sài Gòn", "Khu nhà Thanh Đa" (chất liệu sơn dầu của tác giả Phạm Công Danh), "Cổng làng" (Chu Tiến Thăng, sơn mài), "Hoa ban" (Tuyền Nguyễn, màu nước)… được nhiều người theo dõi bình luận. Hay tác phẩm "Chiều tháng 10" của Đinh Ngọc Sơn, sơn dầu, có giá khởi điểm 10 triệu đồng, tác giả ủng hộ 100% giá trị tác phẩm vào quỹ.
Chị Vân Anh, đại diện ban tổ chức, cho biết khi ý tưởng của dự án này hình thành, nhiều họa sĩ đã nhiệt tình tham gia. Trước đó, đơn vị này cũng tổ chức đấu giá ủng hộ Đà Nẵng chống dịch.
Cùng với chương trình đấu giá, báo chí và mạng xã hội đã dành nhiều lời khen cho bộ sưu tập tranh vẽ với chủ đề "Sài Gòn những ngày giãn cách" của họa sĩ Lê Sa Long. Qua bộ sưu tập này, anh đã đồng hành với báo chí, chọn nhiều nhân vật trung tâm để khắc họa đúng chất hào hiệp của người TP HCM, từ câu chuyện nữ bác sĩ vắt sữa nuôi bé gái mắc Covid-19, đến những gian hàng 0 đồng, những thùng trà đá miễn phí, thùng bánh mì "ai cần cứ lấy", quán cơm 2.000 đồng, chuyến xe nhân ái, những ATM gạo...
Với thủ pháp ký họa bằng phấn tiên (pastel), than trên nền giấy Canson, trong đó có một số bức tranh dùng chất liệu màu nước, họa sĩ Lê Sa Long đã đặc tả sinh động hình ảnh người lao động ở đủ các ngành nghề đã mưu sinh trong những ngày dịch hoành hành. Từ những rung động chân thật này, anh đã truyền đến người xem nhiều cảm xúc.
Họa sĩ Lê Sa Long tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật TP HCM, từng đoạt giải nhất "Chân dung ký họa màu nước" năm 1999 do Hội Mỹ thuật TP HCM tổ chức. Năm 2018, anh đoạt giải nhì vẽ về đất nước, con người Rumani do Lãnh sự quán Rumani tại TP HCM tổ chức. Năm 2020, anh gây chú ý với loạt tranh về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những "người tình âm nhạc". Hiện anh là giảng viên Khoa Đồ họa, Trường Đại học Mở TP HCM.
Bình luận (0)