Khoảng năm 1998, Tỉnh ủy Bạc Liêu phối hợp hãng phim Giải Phóng TP HCM sản xuất 4 tập phim tài liệu nghệ thuật rồi giao tôi viết kịch bản. Khi thu thập tài liệu để viết cho tập phim chiến tranh đánh Mỹ ở Bạc Liêu, tôi rất xúc động khi phát hiện câu chuyện về chị Nguyễn Thị Tư, ở ấp Trung Hưng I, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
Chuyện rằng vào thập niên 70 của thế kỷ XX, ông Lê Hùng Dũng (tức Năm Dõng, xã đội trưởng xã Vĩnh Hưng), chồng chị Tư, như một hung thần làm sa sút tinh thần chiến đấu của lực lượng chính quyền Sài Gòn. Hễ ông viết thư cảnh cáo tên tề điệp, ác ôn nào, dù cho chúng có đi chùa cạo đầu, ăn chay… thì rồi cũng phải đền tội với dân. Ông chỉ huy nhiều trận đánh "xuất quỷ nhập thần" mà giặc không bao giờ ngờ. Tối, ông cho du kích "chém vè" trong đống rơm, gần cửa đồn. Sáng, khi lính đồn kéo đi ruồng bố thì du kích ta đánh "tấp hông" và thu súng chạy nhanh vào căn cứ Mỹ Trinh trước khi quân chủ lực của chính quyền Sài Gòn đến tiếp viện.
Thiếu tá Mã Thành Nghĩa, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Bảo an của Tiểu khu Bạc Liêu, tức đến lồng lộn, treo giá 500.000 đồng cho ai giết được ông Năm Dõng. Cuối cùng, chúng bày kế bắt chị Tư để hy vọng chị khai ra những căn hầm bí mật ở căn cứ Mỹ Trinh. Nếu chị không khai, chúng giết chị để dằn mặt dân Vĩnh Hưng, cho thấy số phận thân nhân của cộng sản sẽ như thế! Đồng thời, chúng nghĩ vụ này cũng gây hoang mang, hoảng loạn cho ông Năm Dõng và du kích Mỹ Trinh.
Cô Tám Bò, nhà ở ấp Trung Hưng I, là bạn từ thời con gái với chị Tư, là người chứng kiến cái chết của chị Tư, kể chị sinh năm 1937, trong gia đình nghèo, đông con. Sáng, chị chèo xuồng ra chợ bán mớ rau, con cá giúp mẹ nuôi em. Trưa, chị ra đồng cấy lúa đến tối mịt. Chị hiền hậu, chịu thương chịu khó. 17 tuổi, chị yêu anh Năm Dõng. Anh không điển trai nhưng thiệt tình, nói là làm; hơn nữa, anh biết vì dân vì nước, 19 tuổi đã đi làm cách mạng. Đám cưới diễn ra vào ngày 16-12-1945. Rồi chị Tư sinh được 3 đứa con.
Đình chiến chưa được bao lâu thì Mỹ nhảy vào, chiến tranh lan rộng. Cánh đồng xanh ngút ngàn của Vĩnh Hưng bị bom cày đạn xới. Anh Năm Dõng theo tiếng gọi thiêng liêng của đất nước đi vào căn cứ Mỹ Trinh, bỏ lại chị Tư với căn nhà xiêu vẹo và 4 đứa con dại. Chị phải đầu tắt mặt tối, tay xách nách mang, vừa nuôi con vừa lo cho anh Năm cùng 3 người em ruột ở căn cứ Mỹ Trinh. Những người lớn tuổi trong xóm nhìn chị mà chỉ biết lắc đầu. Chị làm quần quật, tối mặt tối mũi suốt ngày đêm, lại mở thêm quán nhỏ bán nước đá bào để có lý do đi ra chợ Vĩnh Hưng mua hàng tiếp tế cho anh em trong cứ. Chị gầy rộc, môi tái nhợt và mái tóc rụng xơ xác.
Xã ủy Vĩnh Hưng nhận được tin báo về ý đồ đê hèn của bọn chỉ huy Tiểu khu Bạc Liêu sẽ bắt chị Tư, cùng lúc nhận được tin chúng đã giết vợ của ông Hai Hoàng là Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Lợi, nên chỉ đạo chị phải trốn khỏi xã. Chị đưa 3 đứa con lớn gửi bà ngoại, còn mình ẵm đứa gái út là Lê Thị Mỹ Linh rời khỏi ấp, tá túc nhà người quen để sáng xuống đò đi lánh nạn.
Vào khoảng 6 giờ chiều, một đại đội bảo an ập đến. Thằng chỉ huy tuyên bố: "Tôi nhận lệnh vào đây xử tử chị. Nhưng nếu chị dẫn chúng tôi vào hầm ông Năm Dõng và du kích Mỹ Trinh thì tôi tha. Chị yên tâm, tôi không giết ông Năm Dõng làm gì, chỉ kêu gọi ổng quay súng về với chính nghĩa quốc gia". Chị Tư bình tĩnh trả lời: "Mấy anh nói vậy tội nghiệp cho tôi, sau đình chiến đến giờ anh Năm đi biền biệt, bỏ tôi ở nhà nuôi 4 đứa con cực khổ gần chết. Tôi mà biết là kêu ổng về nuôi con với tôi rồi!".
Một thằng lính nghĩa quân, vốn là dân ấp Trung Hưng I, cười gằn: "Chị nói giỡn hả chị Năm? Chị mà không biết hầm của anh Năm Dõng, của thằng Chín Nhen, Mười Xệ, thằng Mười Một (3 đứa em ruột của chị Tư) thì ai biết nữa?". Chị trả lời: "Thật tình tôi không biết!". Thằng chỉ huy nổi nóng: "Đánh chết mẹ con cộng sản này cho tao". Thế là giày đinh, báng súng, nắm đấm đập tới tấp trên tấm thân mảnh mai của chị. Đau đớn quằn quại, nhưng chị cũng gắng sức ôm chặt con trong lòng, sợ giặc đánh trúng con. Đứa con gái kinh hãi khóc thét.
Những người hôm đó chứng kiến kể chị không nói nửa lời, chỉ có đôi mắt là rực cháy. Thằng chỉ huy gọi điện về tiểu khu xin ý kiến chỉ đạo và được lệnh giết chị Tư, cắt lỗ tai đem về.
Đám lính lao đến định giằng đứa con ra khỏi tay chị để hành quyết. Bấy giờ, chị Tư lên tiếng: "Chắc các anh cũng có con cái, nó nhỏ dại thế này thì có tội gì đâu. Tôi xin cho nó bú lần sau cùng rồi mấy anh muốn bắn giết gì cũng được!". Vậy rồi chị bế con đứng lên, vạch bầu vú căng tròn cho con bú trước khi ghì chặt vào lòng. Chị gắng ép con bú thật no, thật lâu. Mỹ Linh khi ấy 10 tháng tuổi. Nhưng được một lúc thì đám lính giằng lấy đứa con rồi lôi chị đi cách đó khoảng 100 m. Thằng chỉ huy ra lệnh bắn nhưng cả bọn đều chùn tay. Mãi sau đó, một tên lính núp từ phía sau lưng bắn lén chị. Rồi chúng nhào đến xẻo một vành tai của chị.
Nghe dân Vĩnh Hưng kể về cái chết của chị, tôi xúc động đến ứa nước mắt. Chị ơi, chị là anh hùng của đất Vĩnh Hưng anh hùng!
Kịch bản phim tài liệu "Bạc Liêu quê hương tôi" viết xong, trong đó nêu rất chi tiết cái chết của chị Tư, tôi và soạn giả Trọng Nguyễn (lúc đó là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu) đi thông qua Tỉnh ủy. Nghe đọc đến đoạn này, soạn giả tài danh ứa nước mắt, ông nói nhỏ với tôi: "Mày cho tao vụ bà Tư tao viết vọng cổ". Rồi bài hát nổi tiếng "Giọt sữa cuối cùng" ra đời và trở thành một bi tráng ca nói về người phụ nữ trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ.
Sau đó, tôi viết trên Báo Bạc Liêu, nêu rõ tình tiết, yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạc Liêu thẩm định để truy tặng chị Nguyễn Thị Tư là liệt sĩ. Tôi cùng soạn giả Trọng Nguyễn còn đến cơ quan này để trực tiếp đề nghị. Lúc đó, nhờ báo chí, nhờ bài ca của soạn giả Trọng Nguyễn và cả sự tác động của bộ phim tài liệu vừa chiếu trên Đài Truyền hình Bạc Liêu tạo dư luận xã hội lớn, đồng tình rất cao nên ngoài việc chị Tư được công nhận liệt sĩ thì còn có việc một số nhà hảo tâm gửi tiền xây mộ.
Còn Lê Thị Mỹ Linh, đứa con được bú những giọt sữa thiêng liêng cuối cùng ấy của mẹ, cũng được địa phương cho một miếng đất cất cửa hàng bán tạp hóa ở cổng tháp cổ Vĩnh Hưng; chồng cô được bố trí làm bảo vệ cho một trường học. 20 năm trước, tôi gặp Mỹ Linh nhiều lần khi dẫn đoàn làm phim đến quay hoặc nhà từ thiện đến thăm. Hồi đó, Mỹ Linh có 2 con, cuộc sống cũng ổn định. Lần này trở lại thì cô đã dời nhà về Sóc Trăng. Tôi dò đường về nhà mới, thấy cô đang cho gà ăn. Cô kể mấy năm trước, ở bên Vĩnh Hưng sống cũng được, nhưng buôn bán khó dần nên bên chồng gọi về, cho mấy công ruộng và một miếng vườn. Cơ quan của Đài Tiếng nói Việt Nam tại Cần Thơ đã vận động mạnh thường quân giúp 70 triệu đồng nên vợ chồng cô cất được căn nhà này.
Bình luận (0)