Đã có nhiều cuốn sách viết về Sài Gòn trong cảm thức hoài niệm nhưng "Sài Gòn - Những biểu tượng" (nhiều tác giả, Phanbook và NXB Văn hóa Văn nghệ, 2018) là một góp mặt đa dạng của nhiều tác giả, trong loạt sách mở đầu của Phanbook, có ý nghĩa như là sự tri ân một nơi chốn đã cưu mang chúng ta, đặc biệt là nơi chốn đã mang lại cảm hứng khoáng đạt cho những người làm sách báo.
Cấu trúc của tập sách cho thấy một chọn lọc kết hợp những góc nhìn cá nhân mang tính nghệ thuật (văn) và những góc nhìn khảo chứng mang tính khoa học (biên khảo). Phần lớn các tác giả đều là những tên tuổi quen thuộc trong làng văn, ở các thế hệ khác nhau, trong và ngoài nước, từng bày tỏ tình yêu của mình với Sài Gòn và trang viết ấy đã ít nhiều lưu vào ký ức của công chúng.
Tình yêu ấy gắn với những gì của Sài Gòn?
Nhiều hơn cả là "Sài Gòn không gian". Những không gian làm nên cái hồn của thành phố này và dệt nên ký ức của người viết: một ngôi trường in đậm tinh thần khai phóng và ý thức dân tộc ("Văn Khoa, ngày tháng cũ"); là hẻm phố, cà phê, quán cóc, ta lân la một mình hay giữa bạn bè ngày xưa và bây giờ, thường xuyên hay thoáng chốc ("Hẻm Sài Gòn: Ai nhớ, ai quên?", "Uống gì ở cà-phê hẻm Sài Gòn?", "Quán cóc bên đường"); là "một tòa nhà rất cao" giữa trung tâm thành phố, trong ám ảnh không dứt của chàng trai xứ Huế ("Luôn có chỗ cho mọi người")…
Bìa sách Sài Gòn - Những biểu tượng
Bảng lảng, hòa trộn trong những hợp âm đa sắc, đa hình, có "Sài Gòn sinh thái và Sài Gòn sinh hoạt". Nơi ấy có thể nhìn thấy được những chú chim, chú sóc bình thản giữa vòm lá trên đường ("Tại sao một chú chim"). Nơi ấy, những hình ảnh và biểu tượng của hôm qua và hôm nay, sừng sững và phôi pha trong những đổi dời của nhịp sống và trong tâm cảm của từng người ("Dưới bóng những biểu tượng đổi dời", "Những bức chân dung", "Sài Gòn của tui đâu rồi?", "Từng mùa mưa nắng đi qua", "Người Sài Gòn xưa đi máy bay"). Sài Gòn quảng đại nên thường khi Sài Gòn quá tải và một câu hỏi ân cần như thế này cũng làm ta xao xuyến: "Sài Gòn ơi, có mệt lắm không?"…
Hiếm hoi hơn là "Sài Gòn nhân vật". Không thể quên một nhà báo can trường, năng động, đã làm nên những sự kiện để đời vào những thập niên đầu thế kỷ XX: "Ký giả Cao Văn Chánh - Nhân vật kiệt xuất của làng báo Sài Gòn thời Pháp thuộc". Lại xao xuyến khi nhìn thấy một nhà văn từ miền Trung đến Sài Gòn, góp phần làm nên nhịp đập phập phồng của văn chương nơi đây bằng chữ và lời: "Nguyễn Xuân Hoàng - Một đời viết văn, làm báo, dạy học". Lắng nghe bước đi của thời gian, nắm bắt sự chuyển dịch rõ rệt và mơ hồ giữa lòng đô thị qua các tấm ảnh riêng tư và cách thế đi lại, tra vấn về cái hôm qua "trôi trôi" và "bất động". Lại một cách chạm khác, khá tự tại, về tình yêu Sài Gòn: Ngày - hôm qua, Tôi - hôm qua, Em - hôm qua.
Công phu, chi chít những thông tin và hình ảnh đẹp là "Điêu khắc trong kiến trúc thuộc địa ở Sài Gòn". Những ai mê đường sá và phong thủy hẳn không thể bỏ qua bài viết "Tìm trục cho Sài Gòn thuở ban đầu". Kinh nghiệm làm ăn của người xưa trên thương trường cũng sẽ mang lại nhiều điều bổ ích cho hôm nay, thời cạnh tranh khốc liệt với những trăn trở làm sao duy trì thương hiệu Việt: "Thương mại người Việt đầu thế kỷ XX ở Sài Gòn và Chợ Lớn".
Hình thành từ một ý thức khiêm tốn tinh tế như lời người làm sách: "Là cách tiếp chạm nhỏ nhẹ, bặt thiệp và truyền cảm hứng với một vấn đề lớn lao của đô thị", "Sài Gòn - Những biểu tượng" không có tham vọng nói hết mọi điều nhưng quả thật những cái nhìn ở đây là cởi mở và những góc nhìn ở đây là đa dạng. Những gặp gỡ để cùng nhau nói về Sài Gòn còn có thể nhiều hơn và cái tên của tập sách này còn có thể nối dài, bởi đây là một tên ấn tượng và cảm hứng về Sài Gòn chưa bao giờ vơi cạn.
Bình luận (0)